Ngành giáo dục chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục nhưng lại không có quyền chủ trì tuyển dụng, sử dụng giáo viên - vốn là nhân tố cốt lõi quyết định chất lượng giáo dục.
Đây là một trong những bất cập tồn tại lâu nay của ngành giáo dục. Vì vậy, đề xuất giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo tại dự thảo Luật Nhà giáo nhận được sự ủng hộ lớn từ thầy cô trong ngành.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đoàn Thành Nhân - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum đánh giá, việc giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo tại dự thảo Luật Nhà giáo là hoàn toàn phù hợp với định hướng, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Theo đó, việc giao quyền tuyển dụng, sử dụng giáo viên cho ngành giáo dục giúp ngành chủ động về đội ngũ, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay. Bên cạnh đó, vì ngành giáo dục là đơn vị sử dụng lao động, do đó việc được chủ động trong tuyển dụng giáo viên là hoàn toàn hợp lý, đảm bảo lựa chọn được đội ngũ giáo viên có trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm và cơ cấu đội ngũ theo môn học.
Theo thầy Nhân, nếu đề xuất này được thông qua, ngành giáo dục có thể sẽ thêm phần vất vả, với nhiều trách nhiệm hơn song đây là việc làm cần thiết để đảm bảo chất và lượng của đội ngũ thầy giáo, cô giáo, vì sự phát triển chung của ngành giáo dục.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Huệ Khải – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận cũng chia sẻ sự đồng tình cao với đề xuất giao quyền tuyển dụng giáo viên cho ngành giáo dục, thay vì phụ thuộc vào ngành Nội vụ và chính quyền địa phương như hiện nay.
Hiện việc tuyển dụng giáo viên được thực hiện theo quy định của Chính phủ tại các Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Nghị định số 85/2023/NĐ-CP và Thông tư số 06/2020/TT-BNV ngày 2/12/2020 của Bộ Nội vụ.
Theo đó, việc tuyển dụng giáo viên thuộc thẩm quyền của ngành Nội vụ và Ủy ban nhân dân cấp huyện/tỉnh, ngành giáo dục chỉ có chức năng tham mưu. Điều này dẫn đến một số bất cập nhất định trong công tác quản lý, phát triển đội ngũ giáo viên. Đặc biệt trong bối cảnh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, những bất cập này càng bộc lộ rõ khi nhu cầu giáo viên giữa các môn khác nhau và có sự biến động theo từng năm học.
“Có những địa bàn, mặc dù tính là 2 huyện khác nhau nhưng lại là vùng giáp ranh, vì vậy cách nhau rất gần. Nhưng vì là 2 huyện nên Ủy ban nhân dân huyện cũng không thể điều động giáo viên từ huyện này qua huyện kia để giảng dạy dù thiếu.
Do đó, nếu giao quyền tuyển dụng, sử dụng giáo viên về cho ngành giáo dục có thể giải quyết được bất cập này. Đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, rất cần sự linh hoạt để thuyên chuyển, điều động giáo viên giữa các nơi”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận phân tích.
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Nguyễn Đình Thức - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) nhận định, ngành giáo dục hoàn toàn có thể làm tốt nếu được giao quyền tuyển dụng, sử dụng giáo viên.
“Lâu nay, ngành giáo dục tuy không chủ trì việc tuyển dụng, song cũng tham gia tuyển dụng giáo viên với vai trò phối hợp, tham mưu trong nhiều khâu, từ đề xuất số lượng thừa thiếu giáo viên, ra đề thi, làm phách, chấm thi,... Vì vậy, nếu được giao quyền chủ động trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên, ngành giáo dục hoàn toàn có thể làm tốt việc này”, thầy Thức cho hay.
Cũng theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Pleiku, với cơ chế tuyển dụng giáo viên hiện nay, ngành giáo dục trong vai đề xuất, kiến nghị nên vẫn còn nặng cơ chế "xin - cho".
“Việc tuyển dụng giáo viên được thực hiện qua nhiều khâu, từ xây dựng kế hoạch, trình kế hoạch với cấp có thẩm quyền phê duyệt, thông báo tuyển dụng, tổ chức tuyển dụng,... Nếu cấp có thẩm quyền chưa có sự quan tâm đúng mức, việc tuyển dụng có thể kéo dài. Do đó, việc tuyển dụng giáo viên do ngành giáo dục trực tiếp chịu trách nhiệm sẽ rút ngắn được quy trình và thời gian tuyển dụng, cũng như chủ động, kịp thời hơn trong việc điều động, bố trí giáo viên theo tình hình thực tế.
Tất nhiên, không phải như vậy nghĩa là ngành giáo dục “muốn làm gì thì làm”. Khi đã được giao quyền tuyển dụng, sử dụng giáo viên, ngành giáo dục cũng cần phải tuân thủ quy định chung của cơ quan quản lý nhà nước về quản lý đội ngũ”, thầy Nguyễn Đình Thức nêu quan điểm.
Theo Dự thảo Luật Nhà giáo, việc tuyển dụng được thực hiện thông qua xét tuyển hoặc thi tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum cho rằng quy định này là cần thiết, bởi giáo viên và nghề dạy học có những đặc trưng riêng, khác biệt với viên chức của các ngành, lĩnh vực khác. Trong khi đó, quy định về tuyển dụng viên chức nói chung còn chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp của giáo viên, như nội dung bài thi về kiến thức chung hiện nay chưa gắn liền với yêu cầu hoạt động nghề nghiệp của giáo viên. Do đó, việc tuyển dụng có thêm nội dung thực hành sư phạm là cần thiết, giúp lựa chọn đúng, trúng đội ngũ giáo viên.
Quy định tuyển dụng trong dự thảo Luật Nhà giáo:
Về thẩm quyền và phương thức tuyển dụng, dự thảo Luật Nhà giáo nêu: “Đối với cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: do cơ sở giáo dục trực tiếp tuyển dụng giáo viên theo nghị quyết của hội đồng trường học hoặc hội đồng đại học ban hành.
Đối với các cơ sở giáo dục công lập khác, do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm tuyển dụng giáo viên. Tuyển dụng giáo viên được thực hiện thông qua phương thức xét hồ sơ và thực hành sư phạm để đánh giá phẩm chất, năng lực theo chuẩn giáo viên.