Thi vào 10: 3 hay 4 môn, số lượng tuyển không đổi, có cần thêm áp lực cho HS?

25/02/2024 06:50
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Tổ chức 3 môn thi cũng lấy chừng ấy thí sinh; 4 môn thi cũng chỉ có thể tuyển chừng ấy chỉ tiêu thì thêm một môn thi chỉ làm tăng áp lực cho học trò mà thôi.

Những năm gần đây, kỳ thi tuyển sinh 10 ở nhiều địa phương, nhiều địa bàn, nhất là khu vực đô thị rất áp lực vì tỉ lệ chọi thường rất cao. Vì thế, áp lực của những học sinh khi tham gia tuyển sinh 10 ở những địa bàn đô thị thường rất lớn.

Nhiều em phải căng mình học chính, học thêm với lịch học kín tuần để hy vọng có đủ kiến thức để vượt qua kỳ thi, đỗ nguyện vọng 1, 2 vào một trường công lập.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải em nào cố gắng cũng đều đạt được mục đích của mình vì khối trường trung học phổ thông công lập ở các địa phương hiện nay chỉ được tuyển sinh khoảng trên dưới 70% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhằm thực hiện phân luồng.

gdvn-thi-vao-10-hp-23-7928-6689.jpg
Ảnh minh họa: Phạm Linh

Kỳ thi tuyển sinh 10 hiện nay là kỳ thi căng thẳng nhất của học sinh phổ thông

Nếu như học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ cần có điểm bình quân 5 điểm/ môn thi (tính cả điểm học bạ) là đủ điều kiện xét tốt nghiệp. Sau đó, các em có nguyện vọng xét tuyển đại học sẽ căn cứ vào điểm số của mình để nộp hồ sơ vào các trường đại học.

Việc xét tuyển đại học đa phần không yêu cầu yếu tố hộ khẩu thường trú và không giới hạn độ tuổi (chỉ trừ một số trường quân đội, công an). Hơn nữa, những năm gần đây xu hướng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông không có nguyện vọng học đại học khá cao nên việc xét tuyển đại học cũng thuận lợi, dễ dàng.

Các em không học ở trường đại học này có thể học ở trường đại học khác, có thể học cao đẳng, có thể học ở trường nghề. Lúc này, học sinh đều đã 18 tuổi trở lên nên các em học ở đâu phụ huynh cũng không quá lo lắng.

Trong khi đó, đối với kỳ thi tuyển sinh 10 ở các địa phương lại hoàn toàn khác. Chỉ trừ những trường trung học phổ thông chuyên; trường năng khiếu là không giới hạn về hộ khẩu thường trú, còn lại các trường không chuyên đa phần đều giới hạn địa bàn tuyển sinh.

Bên cạnh đó, các địa phương chỉ tuyển sinh vào các trường trung học phổ thông công lập dao động ở mức trên dưới 70% học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở nên tỉ lệ học sinh rớt tuyển sinh 10 ở các địa phương hiện nay khá cao.

Một khi đã rớt các trường công lập thì những lựa chọn còn lại đều gặp những khó khăn nhất định. Nếu như học sinh ở khu vực thành thị vào các trường ngoài công lập, mức học phí sẽ cao hơn rất nhiều trường công lập và không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện để đáp ứng.

Học sinh khu vực nông thôn đa phần chỉ có trường công lập, muốn học ở trường ngoài công lập đương nhiên phải đi xa, thậm chí phải ở trọ.

Phương án còn lại là đi học nghề- hiện nay có nhiều trường nghề tuyển học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng việc học nghề đối với những học sinh mới bước vào tuổi 15 không được nhiều phụ huynh lựa chọn.

Vì vậy, gần như học sinh nào cũng đều muốn sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, các em sẽ đậu vào 1 trường trung học phổ thông công lập gần nhà để tiện lợi việc học tập, đi lại và phụ huynh cũng đều mong muốn vậy.

Chính vì thế, số lượng thí sinh khi tham dự kỳ thi tuyển sinh 10 hiện nay ở các địa phương đều cao hơn rất nhiều so với số lượng tuyển đầu vào của các trường công lập. Chỉ có một số trường ở khu vực khó khăn mới có tỉ lệ chọi thấp, thi tuyển dễ dàng.

Phương án thi 3 môn trong kỳ thi tuyển sinh 10 là hợp lí

Kỳ thi tuyển sinh 10 của đa phần các địa phương trong các năm qua đều lựa chọn phương án thi 3 môn và kế hoạch tổ chức kỳ thi tuyển sinh 10 cho năm học 2024-2025 tới đây cũng chọn phương án 3 môn thi. Tuy nhiên, cũng có một địa phương chọn 4 môn thi cho kỳ thi tuyển sinh 10 (kể cả học sinh khối không chuyên), điều này sẽ làm tăng áp lực thêm cho học trò lớp 9.

Thêm môn thứ tư cũng đồng nghĩa áp lực học tập của học sinh sẽ nhiều hơn, phụ huynh phải đầu tư nhiều tiền bạc cho học sinh học thêm. Bởi, tiền học thêm hiện nay đang là một khoản chi khá lớn của phụ huynh. Một môn học thêm, chỉ 1-2 tháng bằng học phí chính khóa cả năm học lớp 9.

Trong khi, từng trường, từng địa phương tuyển bao nhiêu học sinh vào lớp 10 công lập cho năm học 2024-2025 đều đã được Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) phê duyệt từ khi chưa thi.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng, phương án mà nhiều địa phương đã và đang chọn cho kỳ thi tuyển sinh 10 trong những năm vừa qua gồm Toán; Văn; Ngoại ngữ (tiếng Anh) là hợp lý . Việc thi môn thứ tư chỉ nên áp dụng cho học sinh thi vào các trường chuyên, trường năng khiếu là phù hợp nhất.

Việc lựa chọn 3 môn thi cho học sinh thi vào các trường trung học phổ thông không chuyên: Toán, Văn, Ngoại ngữ (tiếng Anh) là phù hợp vì lên đến lớp 10 thì 3 môn học này vẫn là môn học bắt buộc, độc lập và có số tiết nhiều nhất.

Hơn nữa, 3 môn thi cũng lấy chừng ấy thí sinh; 4 môn thi cũng chỉ có thể tuyển chừng ấy thí sinh thì thêm một môn thi cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì.

Cùng với việc tổ chức 3 môn thi, các địa phương nên tổ chức kỳ thi tuyển sinh 10 vào những ngày đầu tháng 6 sẽ phù hợp hơn vì đây là thời điểm các trường đã tổng kết năm học được 1-2 tuần lễ.

Thi sớm, đỡ áp lực cho học trò, đỡ tốn kém tiền học thêm cho phụ huynh. Hơn nữa, thi sớm sẽ giúp cho các sở giáo dục có thời gian nhiều hơn để chuẩn bị cho việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Kỳ thi tuyển sinh 10 cho năm học 2024-2025 là kỳ thi cuối cùng của chương trình 2006 và suy cho cùng, thi nhiều môn hay ít môn, thi sớm hay thi muộn thì cũng chỉ lấy chừng ấy thí sinh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy, giảm áp lực cho học trò về môn thi, thời gian ôn thi là cần thiết bởi càng nhiều môn, càng thi muộn thì càng mệt mỏi và tốn kém tiền bạc nhiều hơn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG