Thiếu hơn 10.000 GV, Giám đốc Sở GD Thanh Hóa chia sẻ về giải pháp khắc phục

01/08/2023 06:33
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Trước thềm năm học mới 2023- 2014, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã có chia sẻ về việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở tỉnh này.

Thanh Hóa hiện có 2026 cơ sở giáo dục với gần 900 nghìn học sinh, nói về vấn đề đội ngũ giáo viên, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thanh Hóa hiện đang là tỉnh thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước.

Ngày 26/7, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với ông Trần Văn Thức – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa về những nguyên nhân thiếu giáo viên và đề xuất giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở tỉnh này trước thềm năm học mới.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, cho biết, bước vào năm học 2023-2024, tỉnh Thanh Hóa thiếu hơn 10.000 giáo viên các cấp học theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu tuyển hết chỉ tiêu biên chế được tỉnh giao năm 2023 thì vẫn còn thiếu gần 8.000 giáo viên.

Lớp học tại huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Bá Thước là một trong những huyện vùng cao thiếu nhiều giáo viên của Thanh Hóa. Ảnh: Đài truyền hình Thanh Hóa

Lớp học tại huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Bá Thước là một trong những huyện vùng cao thiếu nhiều giáo viên của Thanh Hóa. Ảnh: Đài truyền hình Thanh Hóa

Nói về nguyên nhân thiếu giáo viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết, những năm trước đây, tỉnh Thanh Hóa không thực hiện tuyển dụng giáo viên để bổ sung cho số giáo viên nghỉ hưu. Đồng thời, hàng năm vẫn phải cắt giảm biên chế theo Nghị quyết 19/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương.

Hiện nay, đã có chỉ tiêu tuyển giáo viên nhưng một số huyện, thị, thành phố chưa kịp thời xây dựng kế hoạch tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được tỉnh giao. Hoặc, các nơi phải cân đối bù trừ trong việc thừa, thiếu giáo viên giữa các cấp học. Đối với giáo viên bậc trung học cơ sở thì đang cơ bản thừa, còn giáo viên các bậc tiểu học và mầm non lại thiếu so với biên chế tỉnh giao.

"Như tôi đã nói, nguyên nhân thiếu thì có nhiều. Nhưng quan trọng là chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi nhiều giáo viên có trình độ về các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học. Các môn này trước đây chưa có.

Ở cấp trung học phổ thông về cơ bản không quá thiếu và có thể khắc phục trước mắt, tuy nhiên với cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở thì vẫn còn thiếu. Đặc biệt, có sự chênh lệch giữa khu vực miền núi - miền xuôi và sự chênh lệch giữa các cấp học...".

Nói về việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trước thềm năm học mới 2023 – 2024, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết:

"Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ đạo ngành Giáo dục phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tập trung khắc phục tình trạng thiếu giáo viên bằng việc thực hiện các giải pháp.

Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ trong việc hướng dẫn các huyện thị, thành phố thực hiện tuyển dụng giáo viên kịp thời hết chỉ tiêu biên chế được giao theo Quyết định số 4670/QĐ-UBND ngày 27/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Bên cạnh đó, việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên không chỉ ngành giáo dục làm được bởi ngành giáo dục vẫn chủ yếu đảm bảo về mặt chuyên môn, lo làm sao dạy cho tốt.

Về mặt quản lý, do phân cấp, phân quyền nên các cấp trung học cơ sở, tiểu học và mầm non do các địa phương cấp huyện quản lý.

Do vậy, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, cơ bản các địa phương phải chủ động. Các Phòng Giáo dục và Đào tạo địa phương phải tham mưu đến Ủy ban nhân dân các cấp huyện thị để tìm cách tháo gỡ và giải quyết. Ví dụ như có lộ trình cử người đi học, vận động con em địa phương đi học…

Trước mắt, trong thẩm quyền của mình ngành giáo dục đưa ra một số giải pháp cụ thể như:

Thứ nhất, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa sẽ rà soát cùng với Sở Nội vụ báo cáo với tỉnh, tỉnh sẽ báo cáo với Trung ương để xin bổ sung chỉ tiêu giáo viên cho tỉnh.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Nội vụ đang phân bổ chỉ tiêu cho năm học mới.

Khi đã có chỉ tiêu phân bổ, hai Sở sẽ tiếp tục bàn bạc, thống nhất phân bổ làm sao cho khách quan trong tuyển dụng giáo viên, nơi nào thiếu nhiều sẽ được ưu tiên nhiều, vùng miền núi gian khó sẽ được ưu tiên trước.

Về tuyển dụng sẽ ưu tiên tuyển dụng trước số giáo viên thuộc các bộ môn còn thiếu nhiều, như: giáo viên dạy các môn Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật ở bậc trung học phổ thông.

Thời gian cụ thể chưa có nhưng sẽ cố gắng trước khi bước vào năm học mới.

Thứ hai, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã yêu cầu các địa phương cấp huyện trên địa bàn tỉnh cần chủ động, tính toán lại xem địa phương mình thiếu như thế nào, tính toán lại định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, để các địa phương xây dựng kế hoạch, có phương án bố trí, sắp xếp, tuyển dụng giáo viên, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ ba, để khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo việc cục bộ các địa phương, cở sở giáo dục trên địa bàn tỉnh sẽ chủ động rà soát, sắp xếp mạng lưới, đội ngũ, huy động, động viên nhân lực hiện có tham gia giảng dạy, đáp ứng quyền học tập của học sinh".

“Trước mắt, các trường trung học phổ thông chủ động hợp đồng với giáo viên theo Nghị định 111 đối với các giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật cấp trung học cơ sở có đủ trình độ chuyên môn tham gia dạy môn Nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Nếu trường nào thiếu nhiều có thể hợp đồng đến 70% so với chỉ tiêu thiếu hoặc là huy động giáo viên tại chỗ có thể làm thêm giờ, dạy tăng tiết sẽ được hưởng kinh phí.

Bên cạnh đó, giáo viên đến độ tuổi về hưu mà còn sức khỏe, còn kinh nghiệm và còn nhiệt huyết cống hiến thì các trường cũng có thể chủ động hợp đồng.

Đồng thời, các trường xây dựng phương án bố trí đội ngũ giáo viên hợp lý, bảo đảm đủ giáo viên dạy các môn bắt buộc, các môn lựa chọn, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, chuyên đề, giáo dục địa phương theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Một giải pháp nữa trong thẩm quyền của Sở Giáo dục, Sở sẽ tiến hành biệt phái các giáo viên để đảm bảo đủ hoặc tiến hành biệt phái trong từng thời điểm quan trọng như trước các kỳ thi quan trọng, yêu cầu hệ thống hóa kiến thức”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa nói thêm.

Về lâu dài, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ phối hợp các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh thực hiện đào tạo giáo viên theo cơ chế “đặt hàng” theo Nghị định 116 để đa dạng nguồn tuyển.

Sinh viên theo học sư phạm được hưởng lợi các chính sách ưu đãi như miễn học phí, hỗ trợ thêm chi phí sinh hoạt...

Hiện các trường đại học trong tỉnh đang được giao nhiệm vụ đào tạo hơn 3.600 giáo viên, tiếp tục được giao chỉ tiêu đào tạo hơn 1.000 giáo viên mỗi năm, tạo nguồn tuyển dụng cho các cơ sở giáo dục.

Cũng theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, các trường trung học phổ thông phối hợp khảo sát nhu cầu của học sinh lớp 9 về lựa chọn các tổ hợp môn khi vào học lớp 10 để xây dựng phương án tổ hợp 5 môn học lựa chọn, bố trí giáo viên giảng dạy.

Trước đó, tại buổi chất vấn tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh này đã nêu ra hàng loạt những khó khăn về việc thiếu đội ngũ giáo viên.

Theo đó, so với định mức quy định của tỉnh, thì hiện tại toàn tỉnh Thanh Hóa đang thiếu 6.884 giáo viên. Trong đó, giáo viên tiếng Anh thiếu 277 người, giáo viên Tin học thiếu 680 người, giáo viên Âm nhạc thiếu 12 người và giáo viên Mỹ thuật thiếu 209 biên chế.

Tuy nhiên, nếu so với định mức quy định của Bộ giao, thì ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa còn thiếu tới 10.256 giáo viên.

Trong đó, giáo viên tiếng Anh thiếu 353 người, giáo viên Tin học thiếu 690 người, giáo viên Âm nhạc thiếu 72 người và giáo viên Mỹ thuật thiếu 277 biên chế.

Trần Phương