Thanh Hóa thiếu hơn 6.000 giáo viên nhưng mới được phân bổ 1.681 chỉ tiêu

12/08/2022 06:34
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù là tỉnh thiếu giáo viên nghiêm trọng của cả nước nhưng Thanh Hóa mới chỉ được phân bổ 1.681 chỉ tiêu - đứng thứ 3 cả nước sau Hà Nội và Nghệ An.

Trong 63 tỉnh, thành cả nước, Thanh Hóa là một trong những địa phương thiếu giáo viên nghiêm trọng nhất. Trong đó, số giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đang thiếu là 6.341 người; còn ở cấp trung học phổ thông, số giáo viên đang thiếu là 384 người.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Văn Thức – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết, tình trạng thiếu giáo viên tại Thanh Hóa nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giáo dục. Vấn đề tuyển dụng giáo viên tại Thanh Hóa dù đang gấp rút nhưng vẫn còn nhiều thủ tục liên quan cần giải quyết.

Là tỉnh thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước nhưng năm học 2022-2023, tỉnh Thanh Hóa được phân bổ chỉ tiêu bổ sung giáo viên không phải nhiều nhất khi chỉ đứng thứ 3 - sau Thành phố Hà Nội và tỉnh Nghệ An.

"Theo phân bổ, Thanh Hóa được bổ sung 1.681 chỉ tiêu giáo viên. Ở cấp trung học phổ thông số chỉ tiêu này được phân bổ rõ ràng, còn với cấp tiểu học, trung học cơ sở và mầm non, con số chỉ tiêu cho từng bậc học chưa có. Vì thế, sẽ còn nhiều bước tính toán, phân bổ cụ thể mới có thể tuyển được giáo viên cho năm học mới”, ông Trần Văn Thức cho biết.

Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, để tuyển được giáo viên cần nhiều bước thực hiện, đây là vấn đề mà ngành giáo dục không thể làm riêng được.

“Trước tiên, Bộ Nội vụ phải làm việc với Sở Nội vụ tỉnh, rồi sau đó Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh làm việc với Sở Nội vụ về phân bổ chỉ tiêu, trình kế hoạch phân bổ sang Hội đồng nhân dân tỉnh chờ các bước phê duyệt... Nói chung còn rất nhiều thủ tục nữa mới có thể tuyển được giáo viên”, ông Trần Văn Thức cho biết.

Lớp học tại huyện Mường Lát - một trong những huyện thiếu rất nhiều giáo viên ở tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát

Lớp học tại huyện Mường Lát - một trong những huyện thiếu rất nhiều giáo viên ở tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát

“Được phân bổ 1.681 chỉ tiêu, trên tổng số hơn 6.000 giáo viên còn thiếu, nghĩa là tỉnh vẫn còn thiếu rất nhiều giáo viên để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

Chúng tôi sẽ làm việc với Sở Nội vụ tỉnh để tham mưu. Các địa phương thiếu nhiều, các vùng đặc biệt khó khăn sẽ được tham mưu, bố trí ưu tiên hơn về chỉ tiêu. Với cấp trung học phổ thông, chúng tôi đã có chỉ tiêu cụ thể, còn chỉ tiêu tuyển dụng của khối từ mầm non đến trung học cơ sở thì thuộc về thẩm quyền của các địa phương", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa thông tin.

Trong những năm qua, để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai một số giải pháp mang tính trước mắt như: chuyển giáo viên hợp đồng đang dạy học tại cấp trung học cơ sở hoặc cấp tiểu học xuống cấp mầm non theo Nghị định 06 và Thông tư 09 (hưởng chế độ tương đương viên chức); hợp đồng giáo viên thỉnh giảng...

Đối với các huyện miền núi trong tỉnh, dù được ưu tiên chỉ tiêu nhưng hiện nay, các địa phương này vẫn thiếu giáo viên do địa bàn rộng, trường có nhiều điểm lẻ. Bên cạnh đó, giáo viên Tin học, Ngoại ngữ đang thiếu trầm trọng vì không có nguồn tuyển dù có chỉ tiêu.

Ngày 18/7, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026.

Trong quyết định này, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Ngày 2/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3585/BGDĐT-NGCBQLGD gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương khẩn trương tuyển 27.850 biên chế giáo viên cho năm học tới, trong đó ưu tiên giáo viên các môn học mới.

Trước đó, tháng 12/2021, các cơ quan liên ngành tỉnh Thanh Hóa gồm Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính đã tổ chức làm việc với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh để thẩm định, tổng hợp số lượng giáo viên còn thiếu của các cấp học.

So với biên chế được giao năm 2022 thì nhu cầu biên chế các cấp học còn thiếu tại Thanh Hóa là 6.725 chỉ tiêu. Trong đó, mầm non thiếu: 1.688; tiểu học thiếu: 3.121; trung học cơ sở thiếu: 1.532; trung học phổ thông thiếu: 384.

Trần Phương