Theo con số thống kê của Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật, số vụ ăn cắp đồ bị bắt liên quan tới người Việt tăng mạnh từ 247 vụ năm 1998 lên 999 vụ năm 2012. Riêng 6 tháng đầu năm 2013 đã có hơn 400 vụ liên quan tới người Việt, chiếm 40% tổng số vụ ăn cắp liên quan tới người nước ngoài tại Nhật...
Cứ vài tháng, dư luận lại rộ lên thông tin người Việt ở nước ngoài trộm đồ. Vừa qua, 2 thành viên trẻ trong đoàn khách du lịch đến Thụy Sĩ ăn cắp 3 kính mát hàng hiệu trị giá khoảng 300 euro/chiếc.
Hành động này khiến đông đảo cư dân mạng bày tỏ thái độ giận dữ đối với những con người thô vụng về ứng xử và kém cỏi về văn hóa, những “trưởng giả học làm sang” đi ra nước ngoài của một bộ phận người Việt.
Nhật, Thái, Hàn rêu rao thói ăn cắp của một số người Việt (Ảnh: vietnamnet.vn) |
Những lời cảnh cáo được viết bằng tiếng Việt về thói trộm cắp vặt, tại nhiều quốc gia đã khiến không ít người cảm thấy buồn và xấu hổ khi hình ảnh đất nước mình đang trở nên xấu xí trong mắt người nước ngoài, bởi lòng tham của một số cá nhân.
Bàn về thói trộm cắp của một số người Việt, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với PSG.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Xã hội Việt Nam.
PV: Từ những vụ việc người Việt từng ăn cắp ở Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản… và mới nhất là ở Thụy Sĩ chứng tỏ thói ăn cắp của một số người Việt rất đáng báo động. Theo PGS.TS, nguyên nhân nào dẫn đến thói hư tật xấu này?
PSG.TS Huỳnh Văn Sơn: Có khá nhiều nguyên nhân có thể đề cập trong trường hợp này. Cụ thể khi tiếp cận đa chiều chúng ta dễ nhận thấy đó là sự chủ quan quá mức khi nghĩ có thể qua mặt được kiểu giám sát và quản lý bán hàng ở nước ngoài, quá vô tư trước việc nghiêm túc của những quy định và cả sự nghiêm minh của pháp luật nước ngoài, sự cảm tính xót xa khi để lòng tham lên tiếng…
Ở một góc độ khác, có thể nói chính thói xấu của cá nhân trong đó nổi lên sự tham lam, sự thể hiện mình hợm hĩnh, sự thiếu kiểm soát dẫn đến những hành vi tệ hại như trên.
Nhiều người cho rằng, một số người Việt ăn cắp chẳng qua vì nghèo. Ông nghĩ sao khi so người Việt với người Lào hay người Myanmar, những đất nước vẫn được cho là còn nghèo hơn Việt Nam nhưng người dân lại ít mang tiếng xấu tham lam hay ăn cắp?
PSG.TS Huỳnh Văn Sơn: Cũng thật khó so sánh điều này khi chúng ta chưa có những thống kê hay những thông tin một cách khá đầy đủ và đa chiều. Tuy nhiên, dễ nhận ra rằng nếu một số sự việc có phần không phải quá cá lẻ cho thấy thói xấu của người Việt là vấn đề cần quan tâm…
Không thể đổ lỗi cho chữ “nghèo” khi ngay từ xưa ông bà đã dạy: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Chính kiểu nhận thức chưa đến nơi đến chốn, chính kiểu thể hiện quá mức bằng cách thích cái đẹp, sự sang trọng mà đua chưa đến – đòi chưa được dẫn đến những hành vi sai lầm như thế.
Thêm một nhà nghiên cứu “nã đạn” về tính xấu của người Việt (GDVN) - Nhà nghiên cứu văn hóa đồng thời là nhà văn, nhà báo, nhà thơ Giang Quân cho rằng: “Cái nhìn của người Việt hay tủn mủn, tầm nhìn không được xa, thành ra lúc nào cũng chỉ nghĩ tới đoạn đường ngắn…” |
Đó là chưa kể không ít cá nhân quá chủ quan và cho rằng hành vi sai sót của mình sẽ không bị phát hiện. Chính kiểu chủ quan và dễ dãi với chính mình làm cái xấu sẽ dễ dàng xuất hiện hơn bao giờ hết.
Một vấn đề đặt ra là người nghèo túng thiếu mà ăn cắp thì dễ hiểu nhưng tại sao ngay cả vài người có chức quyền, hoặc người giàu có mà cũng ăn trộm để bị người ta bắt. Theo ông, động cơ nào dẫn đến hành vi ăn cắp của người giàu?
PSG.TS Huỳnh Văn Sơn: Tôi nghĩ đó là do lòng tham của con người. Một số cá nhân đủ điều kiện để tiêu xài, để sinh sống, để mua sắm nhưng vẫn tham. Đó là chưa kể một số cá nhân dư điều kiện hay thậm chí đã giàu mà vẫn tham. Đó là sự thể hiện của “sự không đáy” trong tâm hồn.
Động cơ ăn cắp của nhà giàu đôi lúc cũng rất mênh mang. Nhiều khi đó là kiểu khẳng định nhiều hơn, là sự thể hiện không kiểm soát, là kiểu bộc lộ quyền lực của chính mình, là kiểu thích như thế…Tuy nhiên, sâu xa nhất vẫn là kiểu thể hiện của một nhân cách không toàn diện và cân đối.
Theo ông, có phải ăn trộm là một đặc điểm của một số người Việt không? Nếu không thì bản tính nào mới là căn tính cố hữu của người Việt?
PSG.TS Huỳnh Văn Sơn: Tôi không cho rằng từ vấn đề này để chúng ta có những nhìn nhận sai lầm về người Việt ngay từ trong bản thể.
Từ một vài sự việc mang tính cá nhân để chúng ta kết luận thì có vẻ chủ quan và cảm tính quá đáng. Nhưng cũng cần khẳng định rằng chúng ta cần thay đổi những thói xấu nhất định cũng như phát huy những đặc điểm tốt đẹp của người Việt.
Trên thế giới, người Việt vẫn được tôn vinh bởi rất nhiều đức tính – tính cách đáng trân trọng như thân thiện, hòa đồng, chịu khó,… Đặc biệt sự gan dạ và kiên trì hay thông minh cũng không phải là những đặc điểm không nổi trội.
Tuy nhiên, một vài tính cách đáng suy nghĩ để đổi thay ở một số cá nhân hay nhóm đó là: Khẳng định mình quá đáng, nói thiếu sự khách quan – đa chiều, không đảm bảo giờ giấc, thiếu sự hợp tác – tương tác tốt, chưa bảo vệ hình ảnh của cộng đồng hay chưa tương tác tích cực về cộng đồng… Dẫu chưa thể khái quát nhưng thiết nghĩ đây là những điều thật sự có tồn tại cần đổi thay
Khi hành động của một vài người nhưng tác hại của nó ảnh hưởng tới cả cộng đồng, thể diện quốc gia và hình ảnh đất nước, và quan trọng là con số ngày càng gia tăng. Vậy theo ông, Việt Nam cần làm gì để ngăn chặn, kiểm soát và chữa trị "căn bệnh" gây tai tiếng này?
PSG.TS Huỳnh Văn Sơn: Tôi nghĩ vấn đề cần được nhấn mạnh đầu tiên là hãy nghĩ đến hậu quả của hành vi này. Trên cơ sở đó, hàng loạt những giải pháp cần được thực hiện: giáo dục nhận thức của cá nhân đặc biệt là học sinh về hình ảnh cá nhân và hình ảnh quốc gia – dân tộc.
Tiếp đến, những giải pháp sâu sắc hơn về học đường để giáo dục và hình thành tính cách con người cần được phát huy. Song song đó, gia đình cũng cần nhận diện và giáo dục tốt hơn nữa về hành vi ứng xử trong cuộc sống…
Bên cạnh đó, những giải pháp tác động huấn luyện về giá trị sống, kỹ năng sống cần được thực hiện đồng bộ bởi Nhà trường, gia đình, các tổ chức xã hội để ngăn chặn tận gốc rễ những hành vi thiếu kiểm soát như thế.
Ngoài ra, trách nhiệm của các tổ chức du lịch, của hướng dẫn viên cũng cần thể hiện trong suốt hành trình du lịch để hướng hành vi của du khách có điểm đến có văn hóa, có tính nhân văn, hiện đại và thanh lịch…
Xin chân thành cảm ơn PSG.TS Huỳnh Văn Sơn!