Những ngày qua, dư luận hết sức chú ý đến những thông tin ngắn gọn trên báo chí về việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trong khi trả lời chất vấn đã tự nhận "điểm 8" và nhận "nửa giải Nobel".
Với những thông tin như vậy, nhiều người không theo dõi đầy đủ phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp dễ hiểu rằng: Thống đốc Nguyễn Văn Bình tự nhận điểm 8 và nửa giải Nobel cho toàn bộ công tác điều hành hệ thống ngân hàng của Việt Nam trong một năm qua kể từ khi nhậm chức.
Với những thông tin như vậy, nhiều người không theo dõi đầy đủ phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp dễ hiểu rằng: Thống đốc Nguyễn Văn Bình tự nhận điểm 8 và nửa giải Nobel cho toàn bộ công tác điều hành hệ thống ngân hàng của Việt Nam trong một năm qua kể từ khi nhậm chức.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (Ảnh: Nhật Minh/VNE) |
Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ: “Về chỗ báo chí nói về việc tôi nhận điểm 8 thì đó là chỉ nói cho vui thôi. Câu nói của tôi trong một hoàn cảnh đại biểu Quốc hội nói là bổ sung con tôm vào diện cho vay ưu đãi thì không những cho tôi điểm 9 mà còn nghiêng mình cảm ơn.
Đại biểu nói như vậy thì tôi cũng không dám nhận điểm 9, điểm 10. Nếu đại biểu có cho thì cũng chỉ là cho 8 điểm thôi. Dụng ý của tôi lúc đó chỉ là nói vui và khiêm tốn thôi.
Còn về giải Nobel thì đó cũng chỉ là một cách nói ví von. Bởi vì trên thế giới, người nghĩ ra bộ ba bất khả thi (tăng trưởng, lạm phát, tỷ giá) thì người ta được giải Nobel rồi. Bây giờ Quốc hội giao cho tôi 3 cái đó không bớt khả thi thì chắc là phải thêm một cái giải Nobel nữa nhưng rất khó và tôi không thể làm được. Và nếu tôi có làm được thì cũng chỉ dám nhận một nửa giải Nobel.
Thực tế thì làm gì có nửa giải Nobel. Và câu nói đó của tôi nói với Chủ tịch Quốc hội để thấy rằng việc đó rất khó, không thể làm được và có làm thì chỉ có thể ở một mức độ nào đó chấp nhận được. Cách thức nói như thế để khẳng định rằng thế giới còn thấy là khó nữa là mình”.
Ông Bình cười nói: “Về việc báo chí nói về phần trả lời chất vấn của tôi là nhận nửa giải Nobel và điểm 8, tôi nói như thế này không phải là để thanh minh gì cả”.
Nội dung câu hỏi và phần trả lời chất vấn của Thống đốc Nguyễn Văn Bình liên quan đến việc nhận điểm 8 và nửa giải Nobel
Đai biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) chất vấn: “Công văn số 5294 ngày 20/8/2012 của Ngân hàng Nhà nước ghi: thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1149 ngày 8/8/2012 về chính sách đối với chăn nuôi và thủy sản, tuy nhiên tại công văn này Ngân hàng Nhà nước bóp lại chỉ đạo 5 ngân hàng thương mại cho vay đối với khách hàng vay là các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển sản xuất, chăn nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt lợn, thịt gia cầm, nuôi cá tra, chế biến cá tra xuất khẩu. Như vậy, con tôm sú không nằm trong diện này, đây là một bất lợi và thiệt thòi nặng nề cho người nuôi tôm. Bởi người nuôi cá tra bị thua lỗ ít nhiều có bán được cá, trong khi đó hàng chục ngàn người nuôi tôm đang bị thiệt hại bởi bệnh lạ tôm sú chết hàng loạt.
Vậy, xin đặt câu hỏi với Thống đốc việc chỉ đạo như vậy có nhất quán không và vì sao chỉ có đối tượng cá tra được cho vay ưu đãi? tới đây Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ con tôm như đối với cá tra theo Công văn 1149 ban hành tháng 8-2012 của Thủ tướng Chính phủ là giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay, tiếp tục cho vay mới với lãi suất 11%/năm hay không. Xin Thống đốc cho biết và trả lời cụ thể vấn đề này vì cử tri là nông dân nuôi tôm đang quan tâm theo dõi trực tiếp tuyền hình trả lời của Thống đốc và đang mong chờ kết quả, sẵn sàng cho điểm 9 và nghiêng mình cảm ơn Thống đốc nếu Thống đốc chỉ đạo có hiệu quả cho các ngân hàng thương mại thực hiện nhất quán theo tinh thần Công văn 1149 của Thủ tướng Chính phủ để áp dụng cho đối tượng là người nông dân nuôi tôm sú, thủy sản”.
Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói: “Đại biểu Trần Khắc Tâm có đề nghị vấn đề trong công văn của ngân hàng Nhà nước nên đưa thêm đối tượng nuôi tôm. Dưới góc độ như đại biểu nói chúng tôi cũng hết sức xúc động và hết sức chia sẻ với đồng bào nuôi tôm, nhưng chúng tôi cũng chỉ thực hiện Quyết định 1140 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đối tượng chỉ là cá tra và chăn nuôi gia cầm và lợn, chứ danh mục không có con tôm. Cho nên, chúng tôi cũng phải thực hiện một cách nghiêm túc như trên ý kiến của đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ nhanh chóng có đánh giá để cùng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bổ sung con tôm vào trong danh mục này. Tôi cũng chỉ cần điểm 8, không cần điểm 9, điểm 10”.
Và khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở: “Đề nghị đồng chí lưu ý câu của đại biểu Trần Du Lịch: Siết tín dụng như thế có làm điêu đứng doanh nghiệp không? Giải quyết như thế nào cho hợp lý?”
Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói: “Quả thật chúng ta cũng phải thấy mọi chính sách, đặc biệt là chính sách vĩ mô thì không thể nào đáp ứng được mọi yêu cầu, ví dụ tôi đã có dịp trình bày với Quốc hội nhân vật người ta tìm ra được bộ 3 bất khả thi giữa tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá, ông đó được quốc tế cho giải thưởng Nobel mà hiện nay chúng ta phải vừa làm sao kiềm chế được lạm phát mà vẫn phải tăng trưởng. Tôi đã có lần nói đùa với Chủ tịch Quốc hội là em chỉ cần nửa giải thưởng Nobel cũng được, nếu em làm được 1 trong 2. Đó là điều khó của chính sách. Do vậy, cuối năm 2010 chuyển sang năm 2011 Chính phủ lập tức có Nghị quyết số 11 và Bộ chính trị cũng đã có Kết luận số 02 về việc triển khai các biện pháp để nhằm nhanh chóng kiềm chế được lạm phát”.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Quang Tuệ