Thông tư 21 về thi giáo viên dạy giỏi cần sửa đổi nội dung nào?

15/01/2019 06:14
NHẬT DUY
(GDVN) - Việc sửa đổi Thông tư 21 là điều cần thiết trong tình hình thực tế hiện nay để phù hợp và hướng tới việc thi đua thực chất, tránh hình thức, phô trương.

Ngay sau khi có những thông tin ồn ào về việc Hội thi giáo viên giỏi cấp tiểu học ở Hải Phòng yêu cầu những em “học sinh khác” ở nhà thì Bộ Giáo dục đã lập tức vào cuộc để kiểm tra sự việc.

Rõ ràng đây là những tín hiệu tích cực từ lãnh đạo Bộ nhằm chấn chỉnh tình trạng bất cập trong Hội thi giáo viên giỏi các cấp hiện nay ở ngành giáo dục.

Điều đáng mừng nữa là ngoài việc nắm bắt để chấn chỉnh, việc kiểm tra này đồng thời làm căn cứ cho việc sửa đổi Thông tư 21/2010/TT-BGDĐT ngày 20/7/2010 Ban hành Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Thông tư 21/2010/TT-BGDĐT  ban hành ngày 20/7/2010 và có hiệu lực từ ngày 04/10/2010 đến nay đã bước sang năm thứ 9.

Song, quá trình thực hiện thì chúng ta thấy nó xuất hiện nhiều bất cập, thậm chí có cả tiêu cực. Tình trạng “diễn” xảy ra ở nhiều Hội thi, giáo viên thì chán ngán, không muốn tham dự.

Vì thế, việc sửa đổi Thông tư 21 là điều cần thiết trong tình hình thực tế hiện nay để phù hợp và hướng tới việc thi đua thực chất, tránh hình thức, phô trương.

Hội thi giáo viên giỏi các cấp đang có nhiều bất cập ( Ảnh minh họa trên: baobacninh.com.vn)
Hội thi giáo viên giỏi các cấp đang có nhiều bất cập ( Ảnh minh họa trên: baobacninh.com.vn)

Các cấp học do Phòng Giáo dục quản lý nên bỏ thi giáo viên giỏi cấp trường

Hiện nay, Phòng Giáo dục- Đào tạo đang trực tiếp quản lý khối Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở.

Vì thế, giáo viên muốn tham dự Hội thi giáo viên giỏi cấp huyện thì trước hết phải thi giáo viên giỏi cấp trường liên tục 2 năm liền kề mới đủ điều kiện tham dự.

Thế nhưng, việc thi giáo viên giỏi cấp trường đang được thực hiện rất hình thức mà không mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhà trường đứng ra tổ chức thi, Ban Giám hiệu, tổ trưởng và giáo viên trong tổ chuyên môn chấm thi cho nhau.

Thành ra, anh chấm cho tôi, tôi chấm cho anh nên rồi ai thi cũng đậu.

Có điều, Hội thi giáo viên giỏi cấp trường thì năm nào cũng được tổ chức nên đang gây ra những áp lực cho giáo viên và rất lãng phí.

Bởi, số lượng thi giáo viên giỏi cấp trường thường rất đông nên nhà trường phải chi trả tiền chấm thi, phát thưởng hàng năm với lượng tiền khá lớn.

Tại điều 3 của Thông tư 21 quy định thời gian tổ chức hội thi giáo viên giỏi như sau:

a) Hội thi cấp trường được tổ chức mỗi năm một lần;

b) Hội thi cấp huyện được tổ chức 2 năm một lần đối với giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở.

Việc tổ chức hội thi đối với giáo viên giảng dạy Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương;

c) Hội thi cấp tỉnh được tổ chức 4 năm một lần;

d) Liên hoan giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên toàn quốc được tổ chức 5 năm một lần.

Thi giáo viên giỏi ở Hải Phòng, sao lại yêu cầu "học sinh khác" ở nhà?

Nếu nhìn vào hướng dẫn thì ta thấy nó có phần phù hợp nhưng thực tế thực hiện thì sẽ thấy nó đang nảy sinh ra những bất cập.

Ngoài việc cấp trường năm nào cũng tổ chức Hội thi thì cấp huyện dù quy định 2 năm tổ chức 1 lần nhưng thực tế năm nào Phòng Giáo dục cũng phải tổ chức Hội thi vì nó có tới 3 cấp học.

Vậy nên, năm nay tổ chức cho cấp Trung học cơ sở thì năm sau lại phải tổ chức Hội thi cho cấp Tiểu học và Mầm non.

Việc tổ chức Hội thi “chéo cánh” như vậy thì Phòng mới có thể cáng đáng được bởi mỗi cấp học có hàng trăm giáo viên tham dự.

Chính mật độ tổ chức dày như thế nên sẽ gây áp lực cho giáo viên, học sinh và ngay cả lãnh đạo Phòng, Sở và các đơn vị nhà trường.

Vậy nên, việc sửa đổi Thông tư 21 tới đây, Bộ cần hướng tới việc bỏ thi giáo viên giỏi cấp trường đối với những đơn vị do Phòng quản lý là cần thiết.

Đối với Hội thi giáo viên giỏi cấp huyện cũng nên tổ chức giãn ra về mặt thời gian.

Chẳng hạn như các trường do Phòng Giáo dục quản lý thì nên 3 năm tổ chức 1 lần.

Bởi, thực tế Phòng đang quản lý tới 3 cấp học.

Hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh khoảng 6 năm thì tổ chức 1 lần bởi Sở đang quản lý tới 4 cấp học.

Việc giãn thời gian thi sẽ giảm đi áp lực mà tạo nên sự hứng khởi cho giáo viên tham dự, các lãnh đạo Phòng, Sở và các đơn vị được đứng ra tổ chức thi thực hành cũng cũng bớt được áp lực không cần thiết.

Nên bỏ đi tiêu chí Sáng kiến kinh nghiệm trong Hội thi giáo viên giỏi

Ai cũng biết, điều tréo ngoe nhất là trong là Sáng kiến kinh nghiệm đang được xếp đứng đầu trong các phong trào thi đua để xếp loại viên chức, xét thành tích cuối năm cho cá nhân và tập thể.

Thế nhưng, trong Hội thi giáo viên giỏi thì Sáng kiến kinh nghiệm chỉ là 1 trong 3 điều kiện để tham gia Hội thi.

Tại điều 6 của Thông tư 21 quy định như sau:

Giáo viên nộp cho Ban Tổ chức Hội thi văn bản báo cáo sáng kiến kinh nghiệm hoặc kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng có kèm theo nhận xét, đánh giá và xếp loại của nhà trường hoặc của phòng giáo dục và đào tạo, sở giáo dục và đào tạo”.

Việc bắt buộc có sáng kiến kinh nghiệm cho Hội thi giáo viên giỏi còn được thể hiện trong Điều 7 của Thông tư 21:

Giáo viên tham gia Hội thi phải có ít nhất một sáng kiến kinh nghiệm hoặc sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng đã triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục học sinh.

Sáng kiến kinh nghiệm, sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng phải được viết thành báo cáo và đã được nhà trường công nhận và xếp loại”.

Giáo viên giỏi phải giỏi thật chứ không phải giỏi qua sáng kiến kinh nghiệm

    Theo chúng tôi, Sáng kiến kinh nghiệm vẫn là khâu hình thức nhất nhưng lại là rào cản lớn nhất đối với giáo viên khi muốn tham dự Hội thi giáo viên giỏi các cấp.

    Bởi, thực ra thi giáo viên giỏi thì cần sự am hiểu về những văn bản của ngành, về kiến thức chuyên môn và cách ứng xử trong các tình huống sư phạm.

    Vì thế, việc thi kiến thức chung cũng là điều cần thiết. Cộng thêm với phần thi thực hành nữa là có thể công nhận danh hiệu giáo viên giỏi (nếu đạt yêu cầu).

    Thêm Sáng kiến kinh nghiệm không chỉ gây nên những bất cập cho Hội thi mà nó hoàn toàn mâu thuẫn với Nghị định 56 và Nghị định 88 sửa đổi của Chính phủ khi xếp loại và xét thi đua cuối năm cho giáo viên.

    Vì, có người được công nhận là giáo viên giỏi cấp huyện nhưng vẫn phải xếp loại viên chức loại “hoàn thành tốt nhiệm vụ”, xét danh hiệu thi đua phải đứng sau người có Sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp huyện.

    Bởi, Nghị định 88 sửa đổi của Chính phủ quy định là muốn được xếp loại “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” thì phải có Sáng kiến kinh nghiệm.

    Xét thi đua thì Sáng kiến kinh nghiệm được xét danh hiệu đến mức cao nhất là huân, huy chương, bằng khen của các cấp nhưng người đạt danh hiệu giáo viên giỏi chỉ được "quy đổi" thành Sáng kiến kinh nghiệm và xét đến danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở là cao nhất.

    Điều này được thể hiện rõ trong Thông tư 35 của Bộ Giáo dục và Đào tạo!

    Thời gian qua, có nhiều ý kiến nêu quan điểm là bỏ Hội thi giáo viên giỏi các cấp nhưng có lẽ đó cũng là do bức xúc về những bất cập dưới cơ sở đang thực hiện.

    Suy cho cùng, Hội thi giáo viên giỏi từ cấp huyện trở lên vẫn rất cần thiết để tìm ra những cá nhân tiêu biểu cho từng đơn vị, cho ngành giáo dục.

    Vì thế, việc tổ chức Hội thi giáo viên giỏi cấp trường đối với những đơn vị đang chịu quản lý trực tiếp của Phòng Giáo dục không có tác dụng gì thì nên bỏ nhưng duy trì cấp huyện và cấp tỉnh.

    Hình thức thi cũng nên bỏ điều kiện Sáng kiến kinh nghiệm bởi nó vừa gây nên áp lực mà mâu thuẫn với một số văn bản hiện hành.

    Tiến tới việc giảm áp lực cho giáo viên, bỏ những Hội thi không cần thiết mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang khởi xướng là điều rất cần trong lúc này.

    Cái gì hình thức, cái gì không có tác dụng thì nên “cởi trói” cho giáo viên để ngành giáo dục tiến tới thi đua thật, dạy và học thật và đây cũng là điều hàng triệu giáo viên nước nhà đang mong muốn.                     

    NHẬT DUY