Nếu như tự học giúp chủ động mọi mặt cả về thời gian, kiến thức và lịch học thì một trong những cách khắc phục điểm yếu cá nhân, tăng hiệu suất học tập đó chính là học theo nhóm.
Thực chất của việc học nhóm là để những bạn học tốt giúp đỡ những bạn học yếu hơn, mỗi thành viên đóng góp và giúp đỡ nhau để cùng đạt được một mục đích chung.
Đây chính là một môi trường lý tưởng để rèn luyện kỹ năng làm việc theo nhóm rất cần thiết trong cuộc sống sau này.
Lô Thị Yến là thủ khoa đầu vào ngành Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 28,5 điểm khối C. (Ảnh NVCC) |
Là thủ khoa đầu vào ngành Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (năm 2020) với số điểm 28,5 khối C, Lô Thị Yến (dân tộc Thái, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) đã vận dụng phương pháp học nhóm trong quá trình ôn thi của mình rất hiệu quả.
Ôn thi là một quãng thời gian dài và nỗ lực hết mình của Lô Thị Yến, là thời gian đặt nhiều kỳ vọng của em và cả gia đình để có kết quả tốt nhất cho kỳ thi mang tính bước ngoặt. Trở thành thủ khoa đầu vào ngành Đông Phương học là một điều khá bất ngờ với em.
Có rất nhiều phương pháp được Yến tham khảo trước khi bắt đầu thời gian ôn tập, một trong những số đó là học nhóm. Em chia sẻ:
“Em theo học và đăng ký tuyển sinh theo khối C, gồm ba môn xã hội là Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý nên chăm chỉ và nỗ lực là yếu tố quan trọng hơn cả.
Trong quá trình ôn thi chủ yếu em học hiểu và nhớ kiến thức ngay trên lớp để thời gian về nhà em dành hoàn toàn cho việc làm đề.
Việc học nhóm cũng được em triển khai thưởng xuyên và mang tới hiệu quả rất lớn cho bản thân em.
Em học nhóm cùng một vài người bạn để có thể trao đổi, học hỏi nhau và có thể tự kiểm tra, đánh giá năng lực của bản thân mình.
Việc học nhóm được xem như một hình thức kiểm tra trước khi bước vào cuộc thi chính thức. Có thể có những kiến thức chưa được nắm chắc, nắm vững, thậm chí bỏ sót, thông qua việc học nhóm em có thể bổ sung, hoàn thiện”.
Theo Lô Thị Yến, không phải bất cứ kiến thức nào cũng có thể được nắm chắc, nhất là trong thời gian ôn thi nước rút, chính vì vậy, việc tổ chức học nhóm có thể chỉ ra những kiến thức mình chưa tốt, những kết quả không đúng hoặc cách làm hay hơn. Có thể giúp mình và những bạn khác cùng kiểm tra kiến thức chéo cho nhau, như vậy sẽ cùng nhau tiến bộ và nắm rất chắc kiến thức, đặc biệt là với môn Địa lý.
Riêng với môn Ngữ văn, việc trao đổi nhóm giúp đầy đủ ý tứ hơn trong bài văn, thậm chí có thể trao đổi với nhau những cảm nhận của mình khi có những đề văn mang tính nghị luận, trừu tượng. Môn Ngữ văn ít nhiều mang tính nghị luận, sáng tạo, chính vì vậy việc học nhóm, lắng nghe ý kiến của các bạn là rất cần thiết.
Lô Thị Yến và cô Thanh Nga, giáo viên môn Địa lý, Trường Trung học Phổ thông Con Cuông, Nghệ An. Ảnh: NVCC. |
Ngoài việc học nhóm, tự học cũng được Lô Thị Yến chú trọng để tổng hợp và trau dồi những kiến thức được học, thường xuyên ôn tập, xâu chuỗi lại kiến thức đã học bằng các cách như vẽ sơ đồ tư duy.
“Trên lớp em thường tập trung hoàn toàn năng lượng nghe giảng để cố gắng có thể lĩnh hội tiếp thu và hiểu hết nội dung bài giảng của giáo viên và đánh dấu lại những nội dung quan trọng.
Trong ôn tập nếu phần nào còn chưa nhớ hoặc chưa hiểu rõ thì cần phải tự ôn tập và làm để lại ngay để hiểu sâu hơn về nội dung”, Yến cho biết.
Đông phương học là ngành học thu hút Lô Thị Yến ngay những ngày em mới bắt đầu xác định tìm hiểu các trường. Trở thành tân sinh viên năm 2020-2021 ngành Đông Phương là ước mơ của Lô Thị Yến cũng như bao bạn trẻ khác.
Mặc dù thời gian ôn thi của Yến và các bạn cùng trang lứa bị ít nhiều ảnh hưởng do thời điểm đó dịch bệnh Covid-19 căng thẳng diễn ra trên toàn quốc. Phương pháp dạy học trực tiếp bị thay thế thành dạy và học trực tuyến.
“Do thời điểm em ôn thi cũng là lúc dịch Covid-19 nên chủ yếu phải học online. Lúc đầu em cũng gặp khá nhiều khó khăn trong việc tiếp thu bởi đây là phương pháp học mới. Điều này khiến bản thân em lười học, chán học hơn so với việc học trực tiếp.
Rất may mắn là em nhận được sự động viên của gia đình, bạn bè và thầy cô nên em cố gắng cải thiện ý thức học hơn.
Em tìm hiểu rất kỹ với các nguyện vọng và thấy hứng thú với ngành Đông phương học, chính vậy vậy em đã chọn đó là nguyện vọng 1 và tự đặt ra mục tiêu cho bản thân mình là phải đỗ.
Khi chúng ta có mục tiêu, có công cụ để thực hiện mục tiêu thì em nghĩ ý chí, nỗ lực và sự chăm chỉ hết mình để hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.
Trở thành thủ khoa của một ngành học là điều tự hào không chỉ bản thân Lô Thị Yến mà còn là sự hãnh diện của gia đình, thầy cô và bạn bè. Đó là sự bù đắp xứng đáng cho những ngày ôn thi vất vả, nỗ lực hết mình và vượt qua tất cả trở ngại dành kết quả tốt nhất trong kỳ thi mang tính bước ngoặt.