Thu nhập không bằng công nhân, GVMN mong phụ cấp lên 70% sớm thành hiện thực

01/11/2022 06:45
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Khối giáo dục mầm non tại Hải Phòng mong muốn đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70% để không còn tình trạng giáo viên ngậm ngùi bỏ nghề.

Chiều ngày 27/10, phát biểu trước Quốc hội lý giải về tình trạng thiếu giáo viên và giáo viên nghỉ việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, giáo viên thiếu nhiều nhất và bỏ việc nhiều nhất là ở bậc mầm non, số nghỉ việc ở bậc mầm non chiếm trên 40%.

Vì vậy, Bộ trưởng đã đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non. Hiện nay, phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non đang tính 35%, nếu tốt nhất, tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non tương tự như phụ cấp ưu đãi của y tế cấp cơ sở, nếu không thì cũng tối thiểu tăng từ 35% lên 70% ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cơ sở.

Trước thông tin Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề xuất Quốc hội tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70%, các cán bộ, giáo viên, nhân viên bậc học mầm non tại thành phố Hải Phòng vô cùng cảm động và gửi lời cảm ơn tới Bộ trưởng.

Đồng thời mong muốn đề xuất trên sớm thành hiện thực để không còn những đồng nghiệp phải bỏ nghề, ngậm ngùi bỏ công việc mà mình yêu thích chỉ vì nghề không nuôi nổi cuộc sống cho bản thân.

Và để những ngôi trường mầm non luôn ánh lên ngọn lửa nhiệt huyết của những người giáo viên tận tâm cống hiến, luôn vang tiếng cười vui của những đứa trẻ hạnh phúc khi được đến trường.

Nghề vô cùng cực nhọc và đầy áp lực

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Đỗ Thị Bích Nhuận – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Cúc (quận Lê Chân, Hải Phòng) bày tỏ sự xúc động trước những quan tâm đặc biệt của người đứng đầu ngành giáo dục nước nhà dành cho bậc mầm non.

Theo cô Nhuận, có thể có ai đó nói rằng, nghề nào cũng vất vả, nhưng quả thực giáo viên mầm non là một nghề vô cùng cực nhọc và đầy áp lực, khó khăn. Chỉ cần theo chân các cô đến trường một buổi, theo dõi lịch làm việc của cô thì mới có thể hiểu được điều đó.

Ảnh minh hoạ: Lã Tiến

Ảnh minh hoạ: Lã Tiến

Cô giáo Nhuận đưa ra một số dẫn chứng để thấy rằng nghề giáo viên mầm non là một nghề vô cùng cực nhọc và đầy áp lực.

Cụ thể, trẻ ở độ tuổi mầm non (0-6 tuổi) là độ tuổi chưa tự phục vụ được bản thân, các nhu cầu cá nhân của trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào người lớn.

Vì vậy, trong thời gian trẻ ở trường mầm non, các cô giáo vừa phải trông vừa phải dạy, vừa giáo dục vừa nuôi dưỡng.

Trong suốt thời gian đó (từ 7 giờ sáng đến 17 giờ), người giáo viên mầm non luôn phải để mắt đến trẻ.

Giáo viên phải theo sát tất cả các hoạt động của trẻ trong ngày, đảm bảo an toàn cho trẻ cả về thể chất và tinh thần, không có bất cứ một sơ xuất nào làm ảnh hưởng đến an toàn của trẻ.

Bên cạnh đó, công tác chuyên môn của cô giáo mầm non không chỉ là phương pháp giảng dạy một bộ môn riêng biệt mà phải hội đủ nhiều phương pháp sư phạm nhằm giáo dục toàn diện cho trẻ tất cả các lĩnh vực phát triển.

Ngoài ra, các cô giáo mầm non còn cần rất nhiều các kĩ năng khác để chăm sóc và giáo dục trẻ: kĩ năng y tế để khi cần xử lý ban đầu những tai nạn bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào; kĩ năng nghệ thuật để dạy trẻ vẽ, nặn, dạy trẻ làm quen với những giai điệu âm nhạc; kĩ năng giao tiếp với phụ huynh học sinh để phụ huynh thấu hiểu và hợp tác trong trong việc đồng hành nuôi dạy trẻ…

“Một ngày làm việc của giáo viên mầm non thường bắt đầu từ 6h30 sáng và kết thúc vào lúc nào phụ huynh đón hết con, khi ấy các cô mới được ra về.

Chính vì vậy mà các cô không có cơ hội làm thêm bất cứ công việc nào khác để tăng thu nhập, chăm lo cho cuộc sống.

Thêm vào đó, vẫn còn có những phụ huynh học sinh còn xem nhẹ nghề giáo viên mầm non, xem các cô như người bảo mẫu, trông trẻ.

Có những người khó tính và còn thiếu tôn trọng các cô khi không may có vết xây xước nhỏ trên cơ thể của con.

Họ sẵn sàng hùng hổ đến trường, lập tức đổ lỗi, dùng lời lẽ thiếu kiềm chế với các cô vì lí do “đánh con”, “trông con tôi kiểu gì”, mặc dù đó là tai nạn ngoài ý muốn trong lúc trẻ chơi với nhau.

Vì vậy, với khối lượng và cường độ công việc căng thẳng, vất vả, cộng với trách nhiệm cao đối với các cháu bé, quả thực để giữ chân một cô giáo mầm non gắn bó lâu dài với nghề không hề dễ dàng”, cô giáo Nhuận chia sẻ.

Còn theo cô giáo Vũ Thị Phương – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tiên Thắng (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng), thời gian làm việc hàng ngày của các cô giáo mầm non không phải 8 tiếng mà thực tế phải lên tới hơn 10 tiếng.

Buổi sáng các cô phải đến trường sớm để dọn dẹp lớp, chuẩn bị các điều kiện để đón học sinh, tối về lo soạn giáo án, hàng tuần phải rửa đồ chơi, hàng ngày lau nhà, lau chùi giá đồ chơi, từng ngóc ngách trong lớp....

Một lớp có hơn 30 bé vừa học, vừa chơi, vệ sinh (đặc biệt là giáo viên dạy các lớp nhà trẻ), các cô phải luôn dọn dẹp để lớp học được sạch sẽ, khối lượng công việc không biết nói sao cho hết.

“Với một người phụ nữ bình thường, chăm một con thôi cũng đã rất bận, không còn thời gian dành cho bản thân, huống gì mỗi lớp học chỉ có 2 cô mà có tới gần 40 trẻ, vừa cho các con ăn, dạy múa, dạy hát, dạy chữ, kể chuyện, ru các con ngủ, làm vệ sinh cá nhân cho các con...

Nhưng điều mà các cô giáo mầm non luôn canh cánh trong lòng mỗi ngày đến trường là phải làm thế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe của mấy chục học sinh: từ bữa ăn, thức uống, khi trẻ vui chơi, hay trong giấc ngủ, thời tiết thay đổi trẻ nóng sốt, biếng ăn... đều phải theo dõi”, cô giáo Phương nói.

Cũng theo cô giáo Phương, trên thực tế có không ít phụ huynh chưa thực sự cảm thông với những vất vả của các cô giáo mầm non.

Một số phụ huynh có những phút hiểu lầm, nóng giận đã dùng những lời lẽ không đúng mực, thậm chí đe dọa các cô khiến các cô sợ hãi, chỉ biết khóc.

Đó là những lý do khiến không ít giáo viên mầm non bỏ nghề để tìm một công việc khác để đảm bảo cuộc sống của bản thân và có thời gian chăm sóc cho gia đình.

Mức thu nhập không bằng lương công nhân

Theo quy định, lương của giáo viên mầm non trình độ đại học ra trường hưởng hệ số 2,34 + phụ cấp 35% là 0.819.

Mỗi tháng, các giáo viên mầm non được hưởng theo quy định là 4.706.910 đồng, trừ 10,5% tiền đóng bảo hiểm xã hội, số tiền thực lĩnh là 4.340.817 đồng.

Với mức thu nhập như trên, hiện nay, các giáo viên mầm non không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.

Lương thấp và áp lực công việc là những vấn đề khiến nhiều giáo viên mầm non bỏ việc (Ảnh: Lã Tiến)

Lương thấp và áp lực công việc là những vấn đề khiến nhiều giáo viên mầm non bỏ việc (Ảnh: Lã Tiến)

Theo cô giáo Đỗ Thị Bích Nhuận – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Cúc, với giáo viên đã làm nghề 9 năm tại các trường mầm non công lập, tổng thu nhập của các cô cũng chỉ đạt con số 5.131.000 đồng, trong đó lương cơ bản là 4.197.000 đồng, phụ cấp 934.000 đồng.

Mức thu nhập này mà lo cuộc sống gia đình có 2 con nhỏ đang độ tuổi đi học; trong cơn “bão” giá tiêu dùng, giá nhà, giá các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu đang tăng chóng mặt như hiện nay, mức thu nhập như vậy không thể tái tạo nổi sức lao động của con người chứ chưa nói gì các khoản khác như xăng xe, khi đau ốm và trách nhiệm với gia đình.

Qua khảo sát, hiện nay, lương của giáo viên rất thấp so với mặt bằng thu nhập chung của người lao động trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Tại một số khu công nghiệp như VSIP, Nomura, Tràng Duệ…, lương của công nhân mới vào làm việc cũng đạt khoảng 6-7 triệu đồng/tháng, thậm chí có người thu nhập từ 8 đến hơn 10 triệu đồng/tháng.

Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, nghề giáo viên mầm non vừa áp lực lại thu nhập thấp nên các cô chọn nghỉ việc cũng là điều dễ lý giải.

Do đó, trước đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, các cán bộ, giáo viên, nhân viên bậc học mầm non mong ước việc tăng phụ cấp cho họ từ 35% lên 70% sớm trở thành hiện thực.

LÃ TIẾN