Phổ cập GD cho trẻ 3-5 tuổi, trường vùng khó vui mừng vì phụ huynh bớt lo về kinh tế

17/07/2025 10:04
Hồng Mai
Theo dõi trên Google News

GDVN - Trẻ ra lớp nhiều hơn là tín hiệu đáng mừng, song, để công tác nuôi dạy trẻ đạt hiệu quả cao nhất, trường MN vùng khó mong muốn khắc phục nhiều vướng mắc.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 218/2025/QH15 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi và Nghị quyết số 217/2025/QH15 về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Hai nghị quyết mới khiến lãnh đạo trường mầm non phấn khởi vì góp phần giảm gánh nặng cho phụ huynh, tăng tỷ lệ trẻ đến trường. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh, trường mầm non vùng sâu, vùng xa vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, nhất là thiếu thốn về cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực.

Trường học phấn khởi về chính sách mới nhưng vẫn còn tâm tư về cơ sở vật chất thiếu thốn

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nông Thị Hiến - Hiệu trưởng Trường Mầm non Lương Thượng (xã Văn Lang, tỉnh Thái Nguyên) bày tỏ sự phấn khởi khi học sinh được miễn học phí: “Khi biết tin Nghị quyết 217/2025/QH15 được thông qua, không chỉ tôi mà các giáo viên khác đều cảm thấy rất vui mừng. Bởi đây cũng là điều mà nhiều năm qua nhà trường đã kiến nghị, đề xuất trong các báo cáo gửi cấp trên.

Tại địa phương, phần lớn học sinh là con hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn eo hẹp, do đó, việc miễn học phí đã góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính cho phụ huynh, tạo điều kiện để các gia đình có thêm nguồn lực chăm lo tốt hơn cho các con.

Chính sách này cũng thể hiện sự quan tâm thiết thực của Nhà nước đối với những mầm non tương lai của đất nước, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của trẻ em”.

4c4cbb98fc444a1a1355.jpg
Giáo viên Trường Mầm non Lương Thượng đang khảo sát phổ cập giáo dục tại gia đình học sinh. Ảnh: NTCC

Theo cô Hiến, những năm học gần đây, công tác huy động trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp của nhà trường đạt kết quả tích cực. Dù trước đó phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi chưa được triển khai, nhưng tỷ lệ trẻ ở độ tuổi này ra lớp vẫn đạt 100%.

Về cơ sở vật chất, nhà trường nằm trong lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Từ năm 2024 đến nay, điểm trường chính đã được đầu tư xây mới toàn bộ khối phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo tiêu chuẩn mức độ 2, đảm bảo mỗi lớp một độ tuổi. Dự kiến sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong năm học 2025–2026.

Tuy nhiên, tại điểm trường lẻ do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, hiện vẫn còn một lớp ghép trẻ 3 và 4 tuổi. Các lớp học do được xây dựng từ lâu nên nhà vệ sinh đã xuống cấp, việc sửa chữa gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí.

Trang thiết bị dạy học của nhà trường cơ bản được trang bị tương đối đầy đủ, phục vụ nhu cầu học tập của học sinh. Tuy nhiên, tại điểm trường chính, dù đã có phòng học bộ môn như phòng âm nhạc, phòng thể chất, phòng thư viện nhưng do nguồn kinh phí còn hạn chế, các phòng học này hiện vẫn chưa được trang bị đầy đủ thiết bị, học liệu, học cụ cần thiết để phục vụ các hoạt động giáo dục chuyên biệt.

Cùng với đó, nhà trường đã sử dụng nguồn kinh phí được cấp phát để bổ sung tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình. Tuy nhiên, nhà trường vẫn chưa có điều kiện trang bị những loại sách tham khảo và học liệu mở rộng.

snapedit-1752572905723.jpg
Phụ huynh lao động làm sân chơi Trường Mầm non Lương Thượng từ nguồn xã hội hoá vật liệu. Ảnh: NTCC

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng (xã Kon Đào, tỉnh Quảng Ngãi) cho hay, việc ban hành nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi và miễn học phí đối học sinh trường công lập là chủ trương mang lại nhiều tác động tích cực.

Phổ cập giáo dục cho trẻ trong độ tuổi này góp phần quan trọng vào quá trình phát triển thể chất, tinh thần và nhận thức của trẻ ngay từ những năm đầu đời. Khi được đến trường đầy đủ từ sớm, trẻ có cơ hội tiếp cận chương trình giáo dục bài bản, được chăm sóc trong môi trường an toàn và thân thiện.

Cùng với đó, chính sách miễn học phí sẽ giúp giảm áp lực tài chính cho phụ huynh, đặc biệt ở những vùng người dân còn nhiều khó khăn như xã Kon Đào. Đây cũng là tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, hướng tới phát triển toàn diện cho thế hệ tương lai.

Cô Thanh chia sẻ: “Tại địa phương, tỷ lệ trẻ từ 3 - 4 tuổi ra lớp hiện đạt khoảng 95%, tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%. Những năm qua, dù nhà trường đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền, vận động, song vẫn còn một số trẻ chưa đến trường do điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn. Nhiều phụ huynh sinh đông con, cuộc sống còn thiếu thốn, không đủ điều kiện đóng học phí cho con nên chưa thể đưa trẻ ra lớp đúng độ tuổi.

Vì vậy, khi chính sách miễn học phí được thực hiện từ năm học 2025-2026, nhà trường kỳ vọng sẽ tháo gỡ được một phần rào cản về tài chính cho các gia đình, từ đó nâng cao tỷ lệ trẻ ra lớp, đặc biệt là ở độ tuổi 3-4 tuổi”.

Cũng theo cô Thanh, trẻ ra lớp nhiều hơn là tín hiệu rất đáng mừng, song, để công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ đạt hiệu quả cao nhất, nhà trường cần khắc phục nhiều điểm khó.

Trường Mầm non Hoa Phượng có 4 điểm trường, số lượng phòng học hiện cơ bản đáp ứng nhu cầu tổ chức lớp học. Tuy nhiên, trang thiết bị và đồ dùng phục vụ dạy học bên trong lớp còn thiếu hụt.

Nhiều năm qua, bộ thiết bị dạy học tối thiểu dành cho bậc học mầm non tại trường được cấp phát với số lượng rất hạn chế, chưa đầy đủ theo danh mục. Một số thiết bị thiết yếu như tivi, bàn ghế học sinh, tủ tư trang, dụng cụ thể chất, học liệu toán, đồ dùng trực quan... vẫn chưa được trang bị đầy đủ. Hiện tại, trang thiết bị trong lớp học mới chỉ đáp ứng được khoảng 30-40% nhu cầu nuôi dạy và học tập, phần lớn đồ dùng phục vụ giảng dạy đều do giáo viên tự làm để đảm bảo hoạt động học tập cho trẻ.

Mặt khác, đặc thù đồ dùng mầm non dễ hư hỏng, hao mòn nhanh, không thể sử dụng lâu dài. Nhà trường đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên với mong muốn được tăng cường cấp phát thiết bị để đảm bảo công tác chăm sóc, giảng dạy học sinh.

Bên cạnh đó, hệ thống nhà vệ sinh tại nhà trường đang gặp khó khăn do bị xuống cấp sau nhiều năm sử dụng. Trong khi đó, ở bậc học mầm non, nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh cho trẻ hàng ngày cao khiến công trình rất dễ hư hỏng. Tuy nhiên, kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng lại nằm chung trong khoản chi thường xuyên, vốn rất hạn hẹp, khiến nhà trường nhiều khi rơi vào thế bị động, ảnh hưởng đến sinh hoạt và chăm sóc trẻ.

Mặt khác, nhà trường đã chủ động kiến nghị cấp có thẩm quyền nhiều lần, huy động sự hỗ trợ từ các đơn vị để cải thiện cơ sở vật chất. Sau nhiều nỗ lực, trường mới được xây dựng một giếng nước phục vụ sinh hoạt cho học sinh và bếp ăn bán trú. Dù gặp nhiều khó khăn, nhà trường vẫn đang cố gắng đảm bảo điều kiện vệ sinh cơ bản cho học sinh.

Cùng với đó, công tác bán trú đóng vai trò quan trọng trong nhà trường. Tổ chức bán trú tại trường mầm non là yêu cầu cần thiết, tạo điều kiện để trẻ được ăn, nghỉ tại trường, góp phần cải thiện thể trạng, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và thấp còi.

Tuy nhiên, quá trình triển khai bán trú của trường đang gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ chế hỗ trợ cụ thể. Nhà trường phải tự chủ trong việc tổ chức, từ việc thu chi tài chính, trả lương cho nhân viên phục vụ, chi trả chế độ trực trưa cho giáo viên. Trong khi đó, phần lớn phụ huynh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên việc đóng góp kinh phí bán trú cũng không dễ dàng, ảnh hưởng đến việc cân đối tài chính và duy trì hoạt động ổn định.

Dù mục tiêu của việc tổ chức bán trú không phải vì lợi nhuận mà nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của học sinh và phụ huynh, nhưng thực tế đặt ra nhiều áp lực cho nhà trường.

Trong bối cảnh chính sách phổ cập giáo dục mầm non và miễn học phí được triển khai, số lượng trẻ đến trường dự kiến sẽ tăng, đồng nghĩa với áp lực về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học càng lớn. Nếu không được bổ sung kịp thời, việc tổ chức dạy học hiệu quả sẽ là một thách thức không nhỏ đối với nhà trường và các trường vùng khó nói chung.

52d6d06935ba83e4daab.jpg
Cô Nguyễn Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng. Ảnh: NVCC

Trong khi đó, cô Ma Thị Duyên - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sảng Mộc (xã Sảng Mộc, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ: “Chính sách miễn học phí đã tạo sự phấn khởi trong đội ngũ giáo viên, góp phần khích lệ công tác huy động trẻ ra lớp. Khi chính sách này kết hợp chính sách phổ cập giáo dục cho trẻ 3-5 tuổi, số lượng trẻ đến trường dự kiến sẽ tăng trong năm học tới.

Công tác tuyển sinh, huy động trẻ ra lớp sẽ được nhà trường triển khai vào tháng 8 như hàng năm. Năm nay, với các chính sách mới tích cực, nhà trường sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể ở thôn, bản để vận động phụ huynh đưa trẻ ra lớp đầy đủ. Cùng với đó, nhận thức của phụ huynh ngày càng được nâng cao, việc vận động học sinh ra lớp sẽ thuận lợi hơn.

Hiện nay, về cơ sở vật chất, nhà trường có 12 lớp học, trong đó, mới có 6 lớp học được trang bị tivi phục vụ giảng dạy. Nhà trường mong muốn cấp trên tiếp tục quan tâm, đầu tư bổ sung thiết bị, học liệu, đặc biệt là tivi và các phương tiện hỗ trợ học tập nhằm nâng cao chất lượng giáo dục”.

Vẫn còn khó khăn trong bố trí giáo viên, nhân viên

Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất, tình trạng thiếu giáo viên và nhân viên hỗ trợ cũng đang là rào cản lớn khiến nhiều trường mầm non gặp khó trong việc duy trì và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng, nhà trường gặp khó trong việc bố trí nhân sự cho các vị trí hỗ trợ như văn thư, thư viện, hỗ trợ trẻ khuyết tật, tâm lý học đường… Đây đều là những vị trí cần thiết theo quy định, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới giáo dục và chuyển đổi số đang được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, hầu hết các vị trí này tại trường không được giao biên chế, nhiều vị trí do giáo viên hoặc cán bộ kiêm nhiệm. Ví dụ, nhân viên kế toán kiêm nhiệm luôn công việc văn thư; giáo viên vừa đảm nhận giảng dạy, vừa kiêm công tác hỗ trợ tâm lý hay hỗ trợ học sinh khuyết tật.

Bên cạnh việc thiếu nhân sự hỗ trợ, trường cũng đang gặp vướng mắc về số lượng giáo viên đứng lớp. Theo Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, định mức giáo viên là 2,2 giáo viên/nhóm trẻ mẫu giáo và 2,5 giáo viên/nhóm trẻ mầm non. Tuy nhiên, số lượng giáo viên nhà trường hiện chỉ đạt mức 2 giáo viên/nhóm trẻ, tức mới ở mức tối thiểu, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định.

Thực tế này dẫn đến tình trạng nếu sĩ số học sinh tăng lên hoặc có giáo viên nghỉ thai sản, ốm đau, nhà trường không có đội ngũ dự phòng để thay thế. Giáo viên phải xoay xở, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác chăm sóc và giảng dạy, khiến áp lực công việc càng gia tăng.

Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, cô Thanh bày tỏ mong muốn lãnh đạo các cấp quan tâm hơn đến nhà trường trên nhiều phương diện. Trước hết, cần đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập, đặc biệt là đồ dùng, học liệu, thiết bị tối thiểu cho các lớp mầm non. Hiện nay, trường đang được đầu tư xây dựng các phòng học cho trẻ. Nhà trường cũng rất mong sớm được xây dựng thêm phòng hiệu bộ và các phòng chức năng để hoàn thiện cơ sở vật chất.

Song song với đó, cần mở rộng hỗ trợ bữa ăn trưa cho trẻ, đặc biệt là đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đây là điều kiện thiết yếu giúp trẻ đảm bảo dinh dưỡng, phát triển thể chất và gắn bó với trường lớp.

Ngoài ra, cần có chính sách đãi ngộ hợp lý hơn cho đội ngũ giáo viên mầm non, nhất là trong bối cảnh giáo viên đang kiêm nhiệm nhiều công việc, cường độ lao động cao.

Trong bối cảnh thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi, Trường Mầm non Hoa Phượng đã xây dựng kế hoạch phát triển quy mô lớp học, đồng thời đẩy mạnh công tác vận động trẻ trong độ tuổi ra lớp.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phụ huynh, nhà trường cũng dự kiến điều chỉnh mức thu phí bán trú, giảm nhẹ so với năm học trước, hạn chế việc học sinh và phụ huynh phải tự mang cơm trưa. Điều này nhằm khuyến khích phụ huynh đăng ký cho trẻ ăn bán trú tại trường, đảm bảo dinh dưỡng và duy trì tốt hơn sức khỏe, nề nếp học tập cho các em.

0e64ab5cb08f06d15f9e.jpg
Cô và trò Trường Mầm non Hoa Phượng trong một buổi học. Ảnh: NTCC

Tại Trường Mầm non Lương Thượng, hiệu trưởng nhà trường cho biết, đội ngũ giáo viên tại trường được bố trí đủ theo quy định, đảm bảo đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Tuy nhiên, nhà trường vẫn gặp khó khăn về nhân sự ở một số vị trí như nhân viên nấu ăn và bảo vệ. Vị trí nhân viên nấu ăn hiện đang được tuyển theo hình thức hợp đồng thời vụ, kinh phí do phụ huynh đóng góp một phần để chi trả cùng với sự hỗ trợ của Nghị định số 105/2020/NĐ-CP về quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.

Đối với vị trí nhân viên bảo vệ, nhà trường thực hiện hợp đồng theo hình thức thuê mướn và chi trả bằng nguồn chi hoạt động được cấp theo số lượng biên chế và không có nguồn kinh phí riêng được cấp để chi trả cho vị trí này. Do vậy nhà trường gặp khó khăn về kinh phí mỗi năm phải trả cho 2 bảo vệ ở 2 điểm trường.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu phổ cập giáo dục cho trẻ từ 3-5 tuổi, cô Hiến mong muốn các cấp có thẩm quyền tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhà trường về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, học liệu và đội ngũ nhân lực, đặc biệt là quan tâm đến đội ngũ nhân viên chưa được tuyển dụng theo vị trí việc làm như nhân viên bảo vệ, nhân viên nấu ăn, nhân viên phục vụ, nhân viên văn thư...

Trường Mầm non Lương Thượng kỳ vọng sẽ dần tháo gỡ được những khó khăn hiện tại, tạo tiền đề vững chắc để các chính sách thực sự đi vào chiều sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh.

Hồng Mai