Thu phí giao thông: Bộ GTVT trả lời dân về Quỹ Bảo trì đường bộ

31/03/2012 06:33
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - Bộ GTVT trả lời dân về Quỹ Bảo trì đường bộ, thu phí sẽ gây tăng giá và làm dân bức xúc... là những tin bài nóng xung quanh vấn đề thu phí giao thông.
Bộ GTVT trả lời dân về Quỹ Bảo trì đường bộ

Xung quanh các vấn đề đang được dư luận quan tâm về Quỹ Bảo trì đường bộ, Bộ GTVT đã trả lời nhiều câu hỏi của người dân về mục đích thành lập Quỹ, cách thu và mức thu phí... Những câu hỏi của người dân và câu trả lời của Bộ GTVT được đăng tải trên báo Giao thông vận tải điện tử.

Nhiều đoạn đường xuống cấp nhưng ngân sách không có đủ tiền bảo trì, nâng cấp.
Nhiều đoạn đường xuống cấp nhưng ngân sách không có đủ tiền bảo trì, nâng cấp.

Đơn cử, Bộ GTVT lý giải lý do tại sao phải thành lập Quỹ bảo trì đường bộ “Đường bộ có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Trong quá trình khai thác, sử dụng, đường bộ cần phải được bảo trì theo yêu cầu kỹ thuật. Trong những năm qua, Chính phủ cũng đã quan tâm bố trí vốn cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ, tuy nhiên nguồn vốn này mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 40% nhu cầu quản lý bảo trì đối với hệ thống quốc lộ và khoảng 20-30% nhu cầu với hệ thống đường bộ địa phương.

Trong điều kiện vốn ngân sách không thể đáp ứng đủ nhu cầu bảo dưỡng, duy trì chất lượng hệ thống đường sá, người sử dụng đường bộ cần chung tay đóng góp, từng bước đáp ứng nhu cầu vốn cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ. Quỹ bảo trì đường bộ trung ương được sử dụng cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ; Quỹ bảo trì đường bộ địa phương được sử dụng cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ địa phương”.
Thu phí phương tiện sẽ gây tăng giá và làm dân bức xúc
VTC News đăng tải quan điểm của PGS.TS.NGƯT. Nguyễn Văn Thụ (từng là Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông Vận tải, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội) về các loại phí phương tiện giao thông đường bộ đang được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất “Không biết giao thông có mở đường và tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội hay không, nhưng việc thu phí sẽ làm giá cả tăng lên và tạo thêm bức xúc trong dân là chắc chắn”.

TS. Nguyễn Văn Thụ không tin giải pháp thu phí có thể làm giảm ùn tắc giao thông. Ảnh TPO.
TS. Nguyễn Văn Thụ không tin giải pháp thu phí có thể làm giảm ùn tắc giao thông. Ảnh TPO.

Ông đánh giá: “Các phí hiện đang thu với xe ô tô và xe máy tuy còn điểm này hay điểm khác chưa hoàn toàn thật công bằng và chính xác, nhưng người dân vẫn chấp hành. Tuy nhiên, cần nghiên cứu sao cho việc thu, nộp phí đơn giản và thuận tiện hơn”.
Chia sẻ về những băn khoăn khi sắp tới, các loại phí sẽ được áp dụng, ông nói “Không biết giao thông có mở đường và tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội hay không, nhưng việc thu phí sẽ làm giá cả tăng lên và tạo thêm bức xúc trong dân là chắc chắn”.
Nhà đầu tư nản lòng với phí giao thông

Báo Đầu tư điện tử đưa tin, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) chính thức lên tiếng phản đối đề xuất thu một số loại phí của Bộ Giao thông - Vận tải.

Ông Laurent Charpentier, Chủ tịch VAMA nhận định, việc áp dụng một số loại phí nhằm điều tiết sử dụng phương tiện cá nhân theo đề xuất của Bộ Giao thông - Vận tải nếu được chấp thuận sẽ tác động không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và ảnh hưởng đến đời sống của người lao động.

Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đang đối mặt với sức mua giảm. Ảnh minh họa: TL/ Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đang đối mặt với sức mua giảm.
Ảnh minh họa: TL/ Thời báo Kinh tế Sài Gòn

“Mức phí hạn chế phương tiện cá nhân từ 20 đến 50 triệu đồng/xe ô tô/năm mà Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất là rất cao so với thu nhập hiện tại và khả năng chi trả của đại bộ phận dân chúng Việt Nam, kể cả những người đang sở hữu xe cũng như người đang và sắp có khả năng mua ô tô”, ông Laurent Charpentier nhận xét và cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc áp thêm mức thu sẽ gây “sốc” cho người dân.

Điều quan trọng là khi sức mua giảm sút, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, tiêu thụ trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ đối mặt với sự giảm sút về doanh số, thu nhập, việc làm, tác động trực tiếp tới đời sống của hàng trăm nghìn lao động và khả năng đóng góp ngân sách.
 “Quyền của mỗi người phải hài hòa trong quyền chung của xã hội”

Cũng thông tin trên báo Giao thông vận tải điện tử, nói về đề xuất thu hai loại phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí ô tô vào trung tâm giờ cao điểm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: Quyền của mỗi người phải được hài hòa trong quyền chung của xã hội. Nếu chúng ta khuyến khích cái quyền cá nhân đến mức nào đó thì sẽ đến lúc “quyền được đi” cũng không có.

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, nếu không hạn chế phương tiện cá nhân thì sẽ đến lúc quyền được đi cũng không có
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, nếu không hạn chế phương tiện cá nhân thì sẽ đến lúc quyền được đi cũng không có

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết thêm, thành phố cũng đã nghĩ tới việc hạn chế phương tiện cá nhân. “Cách đây 10 năm, thành phố đã có nghị quyết về kiềm chế phương, tiến tiến tới giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn. Nghị quyết có đưa ra gói 8 giải pháp mà đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong số những giải pháp này có việc tạo cơ chế phát triển vận tải hành khách công cộng, tăng số lượng xe buýt. Tuy nhiên, ông Phạm Quang Nghị cũng cho rằng nếu cứ tăng xe buýt mà không giảm phương tiện cá nhân thì tắc sẽ lại càng thêm tắc.
Hải Phong (Tổng hợp)