Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. |
Eurasia Review ngày 25/7 đưa tin, tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến sẽ thực hiện chuyến công du Nhật Bản vào giữa tháng 8 theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe. 2 nhà lãnh đạo được cho là có mối quan hệ cá nhân khá gần gũi và quan điểm tương đồng về chính sách kinh tế, đối ngoại.
Chuyến thăm Nhật Bản của ông Narendra Modi được lên kế hoạch vào tháng 7, nhưng sau đó đã bị hoãn lại vì trùng lặp với các phiên điều trần về ngân sách đầu tiên ở Ấn Độ, mặc dù lý do chính trị liên quan đến phản ứng của Trung Quốc cũng có thể đóng vai trò quan trọng.
Thủ tướng Ấn Độ chọn Nhật Bản là quốc gia đầu tiên ông đi thăm sau khi nhậm chức, trước khi sang thăm Mỹ vào tháng 9. Trước đó ông Narendra Modi công khai tuyên bố rằng một trong những ưu tiên cao nhất mà nội các của mình tập trung vào là thúc đẩy hợp tác, củng cố quan hệ hữu nghị với Nhật Bản.
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Modi, 2 nhà lãnh đạo chuyên nghiệp, quyết đoán và có xu hướng dân tộc sẽ thảo luận về các lĩnh vực có thể hợp tác về kinh tế và an ninh, trong đó bao gồm năng lượng hạt nhân dân sự, xây dựng cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ, đầu tư của Nhật sang Ấn Độ cũng như việc bán vũ khí Nhật cho Ấn Độ trong tương lai.
Hoạt động hợp tác quốc phòng và an ninh Ấn - Nhật sẽ chủ yếu tập trung vào đối phó với rủi ro đang ngày một gia tăng do sự phát triển sức mạnh quân sự cũng như thái độ cứng rắn của Trung Quốc trong khu vực dự kiến sẽ là một trong những chủ đề được đưa lên bàn đối thoại.
Năng lượng hạt nhân đứng đầu chương trình nghị sự
Nhật Bản muốn tối đa hóa xuất khẩu công nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp các dịch vụ năng lượng hạt nhân dân sự cho Ấn Độ. Thủ tướng Shinzo Abe xác định xây dựng nhiều lò phản ứng hạt nhân và ký kết các hợp đồng béo bở với các nước muốn tận dụng kinh nghiệm của Nhật trong lĩnh vực này.
Mặc dù công chúng Nhật rất nhạy cảm với vấn đề hạt nhân, chính quyền của Thủ tướng Abe vẫn có khả năng và sẵn sàng thuyết phục quốc gia đối tác về độ an toàn, tin cậy và lợi nhuận hợp tác hạt nhân với Ấn Độ. Ông Shinzo Abe có thể giải trình trước Quốc hội Nhật Bản về vấn đề này.
Ông Shinzo Abe và Narendra Modi đã từng có 2 lần gặp gỡ trước khi có chuyến thăm chính thức sắp tới. |
Trên thực tế gói hợp đồng hạt nhân trị giá hơn 60 tỉ USD vẫn đang bị đình trệ vì thỏa thuận hạt nhân dân sự vẫn chưa được ký kết giữa Tokyo và New Delhi. Vì vậy nếu Thủ tướng 2 nước có thể đạt được thỏa thuận trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, làn sóng mới sẽ được mở ra cho các dự án xây dựng và kỹ thuật.
Một trở ngại trên con đường hợp tác giữa 2 nước là khung pháp lý phức tạp và không đầy đủ. Các nhà cung cấp dịch vụ hạt nhân nước ngoài đầu tư tại Ấn Độ dễ bị chính quyền địa phương gây nhũng nhiễu, thậm chí là các biện pháp độc đoán từ chính phủ trung ương có thể hạn chế lợi nhuận của họ mà muốn thu hút các nhà đầu tư, chính quyền Narendra Modi phải thay đổi.
Hợp tác an ninh
Từ lâu Washington đã thúc đẩy Nhật Bản chịu đựng các thử nghiệm hạt nhân của Ấn Độ mặc dù thực tế họ không phải thành viên hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) trong nỗ lực thiết lập một đối trọng ở châu Á trước sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Một khối đồng minh xung quanh Trung Quốc hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng khác nhau có thể bao gồm cả năng lượng hạt nhân đươc cả Washington và Tokyo xem như trụ cột chính của chính sách chống rủi ro từ Trung Quốc. Đó cũng là lý do tại sao Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thúc đẩy đối thoại an ninh "tứ giác" giữa Nhật Bản, Ấn Độ với Mỹ và Úc.
Cả New Delhi và Tokyo đều xem hợp tác quốc phòng và hợp đồng vũ khí tạo nên một lĩnh vực hợp tác đầy hứa hẹn với các giao dịch sinh lời cùng với sự tin tưởng lẫn nhau, củng cố quan hệ đối tác lâu dài.
Gần đây Thủ tướng Nhật Bản cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí của mình, những thiết bị quân sự Nhật Bản chế tạo cho xuất khẩu đang phát triển. Ấn Độ đang rất quan tâm đến các xe lội nước cho hải quân, máy bay do thám, máy bau cứu hộ hàng hải và tàu ngầm do Nhật Bản chế tạo càng mở rộng tiềm năng hợp tác, thúc đẩy quan hệ song phương.
Thực tế thời điểm này Ấn Độ đang bị quấy rầy bởi liên minh giữa Trung Quốc với đối thủ của New Delhi là Pakistan cũng như việc theo đuổi yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Những điều này kết hợp với tranh chấp biên giới Trung - Ấn có thể buộc Narendra Modi phải có thái độ cứng rắn hơn với Bắc Kinh trong những năm tới.