Thủ tướng chủ trì phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật

17/08/2018 06:18
Nhật Minh
(GDVN) - Ngày 16/8/2018, tại Hà Nội, Chính phủ họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

Về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Đầu tư công (số 49/2014/QH13) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2014 tại kỳ họp thứ 7 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Sau hơn 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: VGP)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: VGP)

Trong đó có việc một số quy định trong Luật Đầu tư công quá cứng nhắc, hoặc chưa đầy đủ; còn tồn tại một số điểm chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư công với các luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch…

Vì vậy, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả vốn đầu tư công và tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, tăng cường phân cấp, phân nhiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Đặc biệt là phục vụ quá trình cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2016-2020, định hướng 2025, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đầu tư công là cần thiết.

Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến 3 nhóm chính sách chủ yếu là: (1) Nhóm chính sách về quy định chung; (2) Nhóm chính sách về quản lý dự án; (3) Nhóm chính sách về quản lý kế hoạch đầu tư công.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã đóng góp nhiều ý kiến, trong đó tập trung chủ yếu vào phạm vi điều chỉnh; các quy định về lĩnh vực đầu tư công.

Phân loại dự án đầu tư công; bổ sung lĩnh vực đầu tư công; tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia; điều kiện quyết định chủ trương đầu tư; trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án thuộc các nguồn vốn do các cấp, cơ quan khác nhau quản lý.

Trình tự lập, thẩm định, quyết định dự án chuẩn bị đầu tư và dự án quy hoạch; phân loại kế hoạch đầu tư công; trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, 3 năm cuốn chiếu và hằng năm; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công.

Thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; xây dựng cơ sở dữ liệu về đầu tư công và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đầu tư công;…

Phát biểu kết luận về dự án Luật nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Luật Đầu tư công là một tiến bộ trong quản lý, nhưng thực thi trong thực tiễn đã nảy sinh nhiều vấn đề, nhiều điểm khó áp dụng và việc sửa đổi Luật Đầu tư công hiện hành là cần thiết.

Thủ tướng đồng tình với ý kiến đề xuất của Cơ quan chủ trì soạn thảo và các thành viên Chính phủ là chuyển tên gọi của dự án Luật từ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công thành dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng đã chủ trì nhiều phiên họp với các bộ, ngành để chỉ đạo xây dựng dự án Luật trên cơ sở tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp để hoàn thiện dự án Luật trên tinh thần không để vướng mắc nhiều hơn, yêu cầu tập trung mạnh vào vấn đề quản lý vốn ngân sách đầu tư; phân cấp, giao quyền mạnh mẽ…

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu bổ sung các quy định đối với các dự án đầu tư công của nước ta nhưng thực hiện tại nước ngoài.

Đồng thời, làm rõ hơn các khái niệm về đầu tư công; cần có quy định rõ hơn, bảo đảm sự đồng bộ giữa luật này với các luật liên quan như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu.

Có quy định cụ thể về phân cấp quản lý từng nguồn vốn ngân sách nhà nước, đồng bộ với nhiệm vụ chi, quy trình lập, xây dựng dự án đầu tư bằng ngân sách nhà nước; những vấn đề chưa chắc chắn thì không đưa vào dự án Luật.

Làm rõ hơn các tiêu chí phân loại dự án đầu tư công; có các căn cứ, lý lẽ, lập luận chặt chẽ về các tiêu chí phân loại dự án đầu tư công.

Về vấn đề ủy quyền cho thường trực Hội đồng Nhân dân, tinh thần là cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, gắn liền với sự minh bạch và tự chịu trách nhiệm.

Thủ tướng cũng nêu rõ quan điểm, việc lập kế hoạch đầu tư công phải sát với khả năng ngân sách, tránh đầu tư dàn trải, nợ đầu tư, mất cân đối trong đầu tư,…

“Tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn Phòng Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ tại phiên họp để chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội về dự án Luật này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến cấp, loại quy hoạch, thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch, nội dung quy hoạch và các nội dung kỹ thuật đơn giản khác, cụ thể:

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Có 4 luật thuộc lĩnh vực giao thông vận tải liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Giao thông đường bộ; Luật Đường sắt; Luật Giao thông đường thủy nội địa và Bộ luật Hàng hải.

Các luật này quy định về các quy hoạch ngành quốc gia và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Có 7 luật thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Đất đai; Luật Tài nguyên nước; Luật Khoáng sản; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Khí tượng thủy văn, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đa dạng sinh học.

Các luật này có các quy định liên quan đến quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Có 3 luật thuộc lĩnh vực nông nghiệp liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật Đê điều và Luật Thủy lợi.

Các luật này có nội dung quy định về các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành bao gồm quy hoạch vùng không nhiễm sinh vật gây hại, quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và quy hoạch thủy lợi.

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Có 4 luật thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Đo lường; Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Năng lượng nguyên tử và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Các luật này có nội dung quy định liên quan đến quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Có 3 luật thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Báo chí; Luật Xuất bản và Luật An toàn thông tin mạng.

Các luật này có nội dung quy định liên quan đến các loại quy hoạch sẽ được tích hợp vào quy hoạch ngành quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch.

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực xây dựng. Có 2 luật thuộc lĩnh vực xây dựng liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị.

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Có 2 luật thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Điện ảnh; Luật Quảng cáo.

Các luật này quy định về các loại quy hoạch sẽ được tích hợp vào các quy hoạch khác và quy hoạch không được lập theo quy định của Luật Quy hoạch.

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực quốc phòng.

Có 2 luật thuộc lĩnh vực quốc phòng liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Dân quân tự vệ và Luật Giáo dục quốc phòng an ninh.

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực y tế, công thương, lao động, thương binh và xã hội, tài chính và tư pháp. Có 2 luật thuộc lĩnh vực y tế (Luật Bảo hiểm y tế và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm); 2 luật thuộc lĩnh vực công thương (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Dầu khí).

2 luật thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội (Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội); 4 luật thuộc lĩnh vực tài chính (Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Hải quan và Luật Chứng khoán); 01 luật thuộc lĩnh vực tư pháp (Luật Giám định tư pháp).

Nhấn mạnh dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch là một dự án Luật lớn, có liên quan đến nhiều luật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện dự án Luật trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động quy hoạch gắn với quản lý nhà nước chặt chẽ về quy hoạch.

Đồng thời nêu rõ tinh thần cần hết sức thận trọng trong xây dựng các quy định về hoạt động quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; những vấn đề phức tạp trong quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cần xây dựng nghị định để quy định rõ hơn.

Thủ tướng đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật và các bộ, ngành hữu quan để tiếp thu các ý kiến đóng góp, bổ sung, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã nghe Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về công tác hỗ trợ khẩn cấp cho các hộ dân bị sạt lở do lũ quét và sạt lở đất.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số đối tượng mất nhà cửa do sạt lở và hiện đang phải ở lều bạt hoặc ở nhờ hiện có khoảng 6.000 hộ dân.

Thủ tướng chủ trì phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật ảnh 2Thủ tướng giao các Bộ lập 39 quy hoạch ngành quốc gia

“Trước cảnh màn trời, chiếu đất của người dân, trách nhiệm của chúng ta là phải chung tay giải quyết”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành chức năng tiếp tục tiến hành rà soát cụ thể số hộ dân đang bị mất nhà ở do lũ quét, sạt lở đất để có những hỗ trợ trên tinh thần hỗ trợ đúng đối tượng, bảo đảm kịp thời.

Các nguồn lực hỗ trợ gồm nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, địa phương, thực hiện xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ, hoan nghênh sự hỗ trợ của các doanh nghiệp;… 

Chính phủ sẽ ban hành 1 Nghị quyết về vấn đề này và trực tiếp Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành sẽ làm việc với các địa phương để giải quyết, triển khai kịp thời chủ trương hỗ trợ các hộ dân đang bị mất nhà ở do lũ quét, sạt lở đất.

Nhật Minh