Thưa Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, con nên học gì để không thất nghiệp?

10/05/2018 06:05
Vũ Phương
(GDVN) - Đó là câu hỏi của một học sinh lớp 10 Trường Tam Đảo dành cho Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, Trường trung học phổ thông Tam Đảo tổ chức diễn ra trong thời tiết đầu hè khá oi bức, nhưng gần một ngàn học sinh vẫn “đội nắng” chăm chú lắng nghe từng lời diễn giả là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, Thành viên Hội đồng giáo dục Quốc gia.

Đặc điểm, học sinh Trường trung học phổ thông Tam Đảo đa phần các em thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và có đến gần 50% học sinh là dân tộc thiểu số đến từ các xã vùng cao của huyện Tam Đảo nên với các em khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn còn mới mẻ.

Bằng những câu chuyện dung dị, những tấm gương vượt lên số phận, vượt lên chính mình bằng nghị lực phi thường cùng cách kể chuyện, truyền đạt dí dỏm, dễ hiểu, cuốn hút và đầy nhiệt huyết của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã nhận được những tình cảm đặc biệt và những tràng pháo tay không ngớt từ thầy và trò trường Tam Đảo.

Chia sẻ về khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhận được nhiều câu hỏi của học sinh Trường trung học cơ sở Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Ảnh: Vũ Phương
Chia sẻ về khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhận được nhiều câu hỏi của học sinh Trường trung học cơ sở Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Ảnh: Vũ Phương

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã dành hơn 3 giờ đồng hồ liên tục đề nói chuyện, định hướng và tâm sự với cả ngàn học sinh trường Tam Đảo về vấn đề khởi nghiệp và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thấu hiểu được những băn khoăn, lo lắng về hướng đi chọn nghề trong tương lai và không phải học sinh phổ thông nào cũng vào được đại học nên các em thực sự cảm thấy hoang mang và bế tắc khi tìm đường đi cho bản thân mình, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng rất đồng cảm và chia sẻ.

Chỉ còn ít ngày nữa các em học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và sau đó bước vào cánh cửa đại học, nhưng không ít em băn khoăn về việc chọn trường, chọn ngành học cho phù hợp với sở thích bản thân cũng như trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong số đó, không ít học sinh cuối cấp cũng lo lắng nếu không vào được đại học sẽ làm gì hay lại trở về với nương rẫy.

Thưa Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, con nên học gì để không thất nghiệp? ảnh 2

Thời đại công nghệ số, thầy ngừng học sẽ thua học trò

Em Nguyễn Thùy Linh (Lớp 12A1) rất xúc động trước những chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: “Những câu chuyện, chia sẻ của Giáo sư đã giúp chúng em hiểu về thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 rõ hơn.

Qua đó chúng em hiểu mình cần phải trang bị kiến thức, hành trang như thế nào để khởi nghiệp sau khi ra trường hoặc học xong trung học phổ thông.

Những tấm gương làm giàu của không ít người xuất thân từ chân đất, nhưng bằng ý chí, quyết tâm họ đã thoát nghèo, làm giàu và trở thành tỷ phú. Điều đó giúp chúng em hiểu rằng vào đại học thì rất tốt, cần thiết để trở thành công dân toàn cầu, có thể làm việc ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Học đại học có thể là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công, nhưng không phải là duy nhất. Sau khi nghe những tâm gương dù thiệt thòi, kém may mắn có nghị lực, ý chí phi thường mà Giáo sư chia sẻ, em thấy mình đã rất may mắn.

Đặc biệt, em rất ngưỡng mộ gia đình Giáo sư đều là những nhà khoa học,  nhà tri thức lớn được mọi người kính trọng càng thôi thúc em phải cố gắng hơn nữa để tiếp tục con đường học tập và chinh phục những thử thách sau này”.

Hơn 900 học sinh Trường Tam Đảo "đội nắng" nghe Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ về khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Vũ Phương
Hơn 900 học sinh Trường Tam Đảo "đội nắng" nghe Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ về khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Vũ Phương

Em Nguyễn Thùy Linh đã có những chia sẻ hết sức trung thực về ước mơ của mình: “Bố mẹ muốn em học một trường đại học khối kỹ thuật. Còn em lại thích và mong muốn được học một trường khối kinh tế để sau này trở thành một doanh nhân.

Mong muốn là vậy, nhưng em sợ bố mẹ buồn nên em vẫn nghe lời bố mẹ định hướng. Nhưng sau khi nghe Giáo sư chia sẻ, truyền cảm hứng, em nghĩ rằng mình phải đi bằng đôi chân của mình chứ không thể mãi dựa vào bố mẹ.

Thành công chỉ đến với người có đam mê, ý chí, nghị lực nên em đã quyết theo đuổi đam mê của mình là sẽ học đại học kinh tế thay vì học một ngành mà mình không thích”.  

Trong khi đó, em Phùng Thị Thúy Hiền (Lớp 12A6) cũng bày tỏ sự vui mừng và không giấu nổi xúc động khi được gặp Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Thúy Hiền cho biết: “Thật may mắn trường em được tổ chức hội thảo khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Qua hội thảo chúng em đã hiểu được một phần cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có rất nhiều thách thức, nhưng cũng nhiều cơ hội cho tương lai của thế hệ chúng em.

Điều mà học sinh chúng em lo ngại hơn hết là học đại học ngành nào để không thất nghiệp. Trường hợp không học đại học đi làm công nhân tại các nhà máy có được không.

Như Giáo sư chia sẻ, có hàng ngàn cử nhân ra trường đang thất nghiệp, công nhân bị sa thải vì cách mạng công nghiệp 4.0 người máy sẽ thay thế công việc của rất nhiều công nhân. Những thắc mắc của chúng em đã được Giáo sư giải đáp và chia sẻ.

Dù học đai học hay không thì việc học ngoại ngữ, công nghệ thông tin là kiến thức vô cùng quan trọng để tiếp cận với tri thức nhân loại, trở thành công dân toàn cầu”.

Bằng sự truyền đạt đầy nhiệt huyết, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh: “Học đại học được thì tốt, nhưng không nhất thiết các em phải học đại học. Bởi trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, nông dân có thể trở thành tỷ phú nhờ sản phẩm xuất khẩu.

Ngoài cố gắng hết mình các em cũng cần trau dồi, học hỏi thêm kiến thức ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Các em có thể hoàn toàn tự học từ kiến thức trên sách vở và trên mạng internet. Đã có rất nhiều tấm gương vượt qua số phận, vượt qua hoàn cảnh để làm giàu trên chính quê hương mình”.

Thưa Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, con nên học gì để không thất nghiệp? ảnh 4Viết sách giáo khoa lịch sử, hãy nghĩ đến học sinh, đừng viết cho nhà nghiên cứu

Còn em Nguyễn Thị Minh Thư, học sinh lớp 10A6 cũng chia sẻ việc không biết chọn ngành nào dù còn hơn 2 năm nữa mới vào đại học trong phần hỏi đáp với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng:  “Thưa Giáo sư, em nên chọn học ngành nào để trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 có việc làm và thu nhập cao?”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng không ngần ngại định hướng cho nữ sinh Nguyễn Thị Minh Thư: “Ngành công nghệ thông tin ngày càng phát triển, nếu em có đam mê ngành này em hoàn toàn có thể theo học. Để có thể thực hiện ước mơ, em nên học ngoại ngữ và học tin học cho tốt ngay từ bây giờ. Vào đại học em có thể chọn ngành công nghệ thông tin để theo học”.  

Thầy Phan Văn Hiên – Phó Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Tam Đảo đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã chia sẻ những kiến thức, câu chuyện hết sức ý nghĩa cho thầy và trò trường Tam Đảo.

Lãnh đạo trường Tam Đảo tin rằng, tấm gương hiếu học, tự học của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và gia đình Giáo sư sẽ là nguồn động lực lớn tiếp thêm sức mạnh tinh thần, truyền cảm hứng trong học tập và lao động cho học sinh và giáo viên trường Tam Đảo.

Qua buổi Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”, Giáo sư đã giúp học sinh định hướng được nghề nghiệp, trang bị kiến thức và hành trang thật tốt để làm chủ công nghệ, làm chủ khoa học kỹ thuật trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đặc biệt, những học sinh có thể không vào được đại học sẽ không bi quan, bỏ cuộc bởi nông dân cũng có thể làm giàu và trở thành tỷ phú. Như Giáo sư chia sẻ, đại học không phải là con đường duy nhất, điều quan trọng các em cố gắng theo đuổi ước mơ, hoài bão bằng ý chí, nghị lực vươn lên sẽ thành công, bởi ba điều làm nên giá trị con người là Siêng năng, Chân thật, Thành đạt.

Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước.

Với diễn giả đặc biệt là giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Các trường có thể đăng ký qua hotline: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777,

Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Vũ Phương