Thừa Thiên Huế: Chuyển đổi số ngành BHXH để phục vụ tốt cho nhân dân

18/07/2022 08:52
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, ngành bảo hiểm đã triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mục tiêu chuyển đổi số.

99,2% dân số Thừa Thiên Huế tham gia bảo hiểm y tế

Ông Nguyễn Viết Dũng - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tính đến hết 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 146.210 người tham gia bảo hiểm xã hội (chiếm tỷ lệ 28,89% so với lực lượng lao động trong độ tuổi).

Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế tặng thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo. Ảnh: CTV

Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế tặng thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo. Ảnh: CTV

Trong đó có 127.749 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 18.461 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chiếm tỷ lệ 3,65%;.

Về bảo hiểm y tế, toàn tỉnh có hơn 1,1 triệu người tham gia, độ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 99,2% so với dân số toàn tỉnh. Tổng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong 6 tháng đầu năm của tỉnh là 1.000 tỷ đồng, giảm 36 tỷ đồng so với 6 tháng 2021, tương ứng với 46,1% dự toán giao trong năm 2022.

Về sử dụng thẻ căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy để khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tính đến cuối tháng 6, trên địa bàn tỉnh số lượng xác thực lấy số căn cước công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 622.661 trường hợp thẻ bảo hiểm y tế còn hạn.

Toàn tỉnh đã có 67 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân với 2.048 lượt tra cứu.

Trong đó có 1.252 lượt tra cứu thành công phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp. Ngoài ra, số lượng đăng ký tài khoản VssID-BHXH số tại tỉnh cũng đạt 280.847 người”, ông Dũng cho biết.

Ông Dũng cũng nêu lên một thực trạng là hiện nay số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện giảm so với cuối năm 2021, nguyên nhân chủ yếu do tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu từ năm 2022.

Đồng thời, do thiên tai, dịch bệnh nên người dân gặp khó khăn, không tiếp tục tham gia. Ngoài ra, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nên việc chuyển nộp tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp không kịp thời, dẫn đến nợ đọng.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp cố tình trốn đóng, thường xuyên nợ đọng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp dẫn đến nợ kéo dài, số tiền nợ lớn… Công tác giám định Bảo hiểm y tế trên địa bàn cũng đang gặp khó bởi thiếu nhân lực có chuyên môn.

Chuyển đổi số để phục vụ người dân tốt hơn

Xác định những khó khăn, trở ngại trong quá trình vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngành Bảo hiểm xã hội Thừa Thiên Huế đã chủ động từng bước chuyển đổi số.

Qua đó, góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin.

Tiến hành quản lý toàn dân thông qua mã định danh cá nhân; góp phần khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chính xác trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các bộ, ngành, địa phương.

Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, đơn vị đang tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt, triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin để từng bước chuyển đổi số ngành bảo hiểm xã hội, với mục tiêu phục vụ tốt nhất quyền lợi của người lao động, người dân và doanh nghiệp.

“Đây được xem là nền tảng quan trọng, vững chắc cho việc chuyển đổi số của Ngành, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số mà Chính phủ đã đề ra.

Cùng với đó, cơ sở dữ liệu của ngành ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, sẵn sàng liên thông với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương khác, mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”, vị lãnh đạo này cho hay.

Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã hoàn thành 601.952 hồ sơ băn cước công dân được đồng bộ liên thông với thẻ bảo hiểm y tế còn hiệu lực để đi khám chữa bệnh bằng Căn cước công dân.

Đối với thủ tục “Liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi”, tỉnh Thừa Thiên Huế được chỉ định triển khai thí điểm từ tháng 12/2019.

Đến nay, toàn bộ Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn và 9 phòng Tư pháp cấp huyện trên địa bàn toàn tỉnh đã được liên thông cơ sở dữ liệu khai sinh và cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, đảm bảo quyền lợi thụ hưởng Bảo hiểm y tế cho các cháu khi có phát sinh khám chữa bệnh theo quy định.

Theo ông Nguyễn Viết Dũng - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, với những nỗ lực trong chuyển đổi số không chỉ góp phần tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành mà còn tạo điều kiện thuận lợi và là nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Qua đó, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà trong tiếp xúc với nhân dân, doanh nghiệp, thúc đẩy quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, quản trị thông minh.

AN NGUYÊN