Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp biểu quyết thống nhất với trên cơ sở đề xuất, báo cáo của Ban Cán sự đảng Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên toàn địa bàn theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đưa ra tại cuộc họp báo chiều 20/8.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thông tin tại phiên họp báo chiều 20/8. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
48% công nhân khu chế xuất được tiêm vaccine
Theo ông Nguyễn Văn Phong, mục đích của việc giãn cách xã hội toàn thành phố trong thời gian vừa qua là để bóc tách F0, cắt đứt nguồn lây lan trong cộng đồng, tiến tới từng bước khống chế dịch bệnh.
Ông cho biết thành phố đã tiêm chủng đúng theo chỉ đạo của Trung ương, sát tình hình thực tế, có vaccine đến đâu tiêm ngay đến đó, các đối tượng theo đúng hướng dẫn và có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, 48% công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được tiêm. Các đối tượng nguy cơ cao đã được tiêm trong 9 đợt vừa qua.
“Tới đây, Hà Nội sẽ tiếp tục tiêm cho các đối tượng có nguy cơ cao, như: Tham gia lực lượng tuyến đầu, bảo vệ các khu nhà, bán hàng, công nhân, người hoạt động làm việc trong các chuỗi cung ứng, shipper, lái xe đã được thành phố trưng dụng…,” Phó Bí thư Thành uỷ nói.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, ông Phong cho biết Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành Công điện mới về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của Ủy ban Nhân dân thành phố trên địa bàn Thủ đô.
"Mục tiêu trong giai đoạn tới là tận dụng ngày giãn cách xã hội để tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, trọng tâm để bóc tách F0; tăng cường tiêm vaccine; nâng cao năng lực của y tế Thủ đô để chủ động hơn một bước, chuẩn bị cao hơn một bước so với thực tế để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh," ông Phong nói.
Ông Phong khẳng định thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện các nội dung công việc còn bộc lộ hạn chế trong thời gian vừa qua như thực hiện giãn cách nhưng trên thực tế lượng người ra đường vẫn còn đông.
Thành phố đã giao Công an có đánh giá cụ thể về lượng người ra đường, giấy tờ cấp cho người đi đường, đối tượng ra đường để tổng hợp, tham mưu với Sở chỉ huy phòng chống dịch giải pháp phù hợp, sát tình hình thực tiễn hơn, đảm bảo giãn cách quyết liệt, thực chất và hiệu quả hơn nữa.
Bố trí và kích hoạt 10.600 giường điều trị
Theo đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an Hà Nội, thời gian qua, công an thành phố đã duy trì 23 chốt bảo vệ cửa ngõ, 44 chốt đường ngang, lối mở để kiểm soát lượng người di biến động ra vào Hà Nội.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế cho biết, tính đến 12 giờ ngày 20/8, trong đợt bùng phát dịch thứ tư, toàn thành phố đã phát hiện hơn 2.700 ca mắc, trong đó có 1.439 ca ghi nhận ngoài cộng đồng tại 29 quận, huyện, thị xã.
Hiện, Hà Nội có 10 chùm ca bệnh. Thành phố cũng đã bố trí và kích hoạt 10.600 giường điều trị. Tính đến 12h ngày 20/8, Hà Nội còn 99/464 điểm phong tỏa.
Trong thời gian giãn cách, thành phố đã thực hiện xét nghiệm diện rộng, tập trung vào những khu vực, địa bàn có nguy cơ cao. Trong đợt 2, thành phố đã lấy được hơn 500.000 mẫu, phát hiện 18 ca F0...
Hiện Hà Nội có 135 cơ sở cách ly có quyết định thành lập gồm: 20 cơ sở do thành phố thành lập, 09 cơ sở trong doanh trại quân đội, công an quản lý và 106 cơ sở tại các quận, huyện, thị xã, có khả năng tiếp nhận ngay cách ly 42.982 người; hiện đang cách ly 5.120 người.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định việc triển khai thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố kịp thời, đúng đắn đã giúp cho thành phố khống chế đà lây lan của dịch bệnh.
Tuy nhiên, theo bà Hà nguy cơ dịch bệnh vẫn còn ở mức rất cao, khó lường vì nhiều chùm ca bệnh có số lượng ca mắc mới. Xét nghiệm sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng vẫn ghi nhận thêm các ca mắc mới, ngoài ra vẫn còn có các trường hợp F0 khác trong cộng đồng chưa được bóc tách hết.
Khai giảng trực tuyến
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Văn Đại cho biết thành phố đã hoàn thành tốt Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2021-2022 và kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021.
Đặc biệt, Lễ khai giảng năm học 2021-2022 sẽ được tổ chức vào đúng 7h30 ngày 5/9/2021, bằng hình thức trực tuyến và truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tới toàn thể nhân dân Thủ đô.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin về tình hình COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Nhiều phương án cung ứng hàng hóa cho người dân
Về chuẩn bị hàng hóa, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết trong cả 2 đợt giãn cách, người dân trên địa bàn thành phố được cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Người dân không đổ xô đi mua hàng.
Cũng theo bà Lan, thành phố Hà Nội đã ban hành rất kịp thời các văn bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm việc vận chuyển kịp thời, cung ứng đầy đủ cho hệ thống phân phối hàng hóa. Do chủ động nguồn cung, ngay cả khi nhiều siêu thị, cửa hàng phải tạm ngừng hoạt động cũng không ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa trên địa bàn.
Để sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân, thành phố tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng 30% dự trữ tại kho hàng và tăng 50% lượng hàng trên kệ. Thời gian tới, thành phố sẽ mở rộng các điểm bán hàng lưu động, hiện đã có 14 doanh nghiệp đăng ký bán hàng bằng xe buýt. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ tiếp tục tổ chức bán hàng đến tận nhà trọ của công nhân, lao động.
“Trong mọi tình huống, thành phố sẽ luôn bảo đảm nguồn cung hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Người dân hoàn toàn yên tâm không phải mua sắm tích trữ,” bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Để cung ứng hàng hóa đa dạng, Hà Nội cũng chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các quận, huyện, thị xã triển khai bán hàng cho các khu nhà trọ, đông dân cư để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện “một cung đường, 2 điểm đến,” công nhân không phải đi chợ dọc đường, tiềm ẩn nguy cơ lây dịch bệnh.
Đáng chú ý, Hà Nội đang triển khai bán hàng bằng xe buýt lưu động, hiện đã có 14 doanh nghiệp đăng ký và trong trường hợp cấp bách sẽ triển khai tiếp.
"Sở Công Thương cũng phối hợp, hỗ trợ người lao động hiện đang bị mất việc làm có thể tham gia vào chuỗi cung ứng để vừa có thêm thu nhập, vừa cung ứng nguồn nhân lực phục vụ việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Ngoài ra, Sở cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả. Khi tiếp nhận thông tin chợ nào có hiện tượng tăng giá thì sẽ phối hợp để kiểm tra ngay,” Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh.