Thuyền trưởng tàu bị TQ bắn cháy xúc động khi đọc thư gửi lãnh đạo TQ

17/04/2013 12:47
Bài, ảnh: Tấn Tài
(GDVN) - Nhận được niềm an ủi rất lớn và sự đồng cảm, đó là tâm trạng của anh Bùi Văn Phải, thuyền trưởng chiếc tàu 96382 QNg bị Trung Quốc bắn cháy cabin, khi đọc thư các em học sinh lớp 4 gửi đến lãnh đạo Trung Quốc. Anh hứa sẽ bám biển lâu dài để góp phần khẳng định chủ quyền biển bảo của quê hương.
Chúng tôi đến xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đúng lúc anh Bùi Văn Phải vừa mới đi biển về. Tiếp chuyện với chúng tôi, anh Phải cho biết: "Hiện tôi đang sửa lại cabin của thuyền, khoảng mười ngày là thể tiếp tục vươn khơi bám biển".
Anh Phải kể: Lúc 13 tuổi anh đã theo thuyền các cha chú đi đánh bắt cá ở vùng biển Hoàng Sa với công việc chính lo cơm nước cho các thuyền viên. Khi đến năm 16 tuổi thì anh bắt đầu biết lặn. Từ đó anh đi bạn theo các chủ tàu khác, đến tháng 6/2012 dành dụm được ít vốn kha khá cộng với nguồn vay mượn anh tự sắm cho riêng mình chiếc tàu với kinh phí khoảng 900 triệu đồng. Thế nhưng, từ khi có tàu anh chỉ mới vươn khơi được 5 chuyến và chưa trả lại số tiền vay mượn một đồng nào thì bị Trung Quốc bắn cháy cabin.

Ngư dân Bùi Văn Phải đang thu xếp những vật dụng còn lại trên cabin chiếc thuyền của mình bị Trung Quốc bắn cháy.
Ngư dân Bùi Văn Phải đang thu xếp những vật dụng còn lại trên cabin chiếc thuyền của mình bị Trung Quốc bắn cháy.


Tôi đưa 2 lá thư mà một số em học sinh lớp 4 tự đóng vai mình là con em thuyền viên trên chuyến tàu bị Trung Quốc bắn cháy cabin viết thư gửi đến lãnh đạo Trung Quốc, anh liền đọc.

Khi đọc xong 2 lá thư, anh nói: "Cá nhân tôi rất cảm ơn các em đã viết nên những dòng tâm trạng của tôi và anh em thuyền viên. Tôi cảm thấy mình nhận được sự động viên và niềm đồng cảm rất nhiều từ các em nhỏ".

"Đúng như các em viết thì chúng tôi không có làm gì sai cả, chúng tôi chỉ đánh bắt trên vùng biển quen thuộc, thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngư dân Lý Sơn chúng tôi từ bao đời nay thường đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa. Đây là vùng biển truyền thống của ngư dân Lý Sơn, khi ra đó mình quen thuộc hết địa hình với lại ra đó gần chi phí xăng dầu ít mà hải sản lại đa dạng và phong phú".

Anh Phải nói tiếp: "Thư của các em đã giải tỏa bớt đi phần nào tâm trạng bức xúc tột đỉnh, là niềm động viên khích lệ tinh thần để anh em ngư dân chúng tôi tiếp tục vươn khơi bám biển. Bằng mọi giá tôi phải sửa chữa lại thuyền để tiếp tục ra khơi bám biển vì Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Mình phải ra đó để đánh bắt nguồn hải sản, để cải thiện cuộc sống kinh tế gia đình đồng thời khẳng định tiếng nói chủ quyền về biển đảo của quốc gia".

"Tôi rất khâm phục trẻ con bây giờ, các em rất tài giỏi và tinh tế khi đã nói lên được phần nào nỗi bức xúc của tôi và anh em thuyền viên. Tôi mong mọi người dân cả nước hãy đồng cảm cùng chúng tôi và khích lệ tinh thần cùng vật chất để ngư dân vương khơi bám biến lâu dài. Nếu bây giờ mình không ra đó đánh bắt rồi dần con em mình cũng không ai dám ra đó nữa thì Trung Quốc sẻ chiếm lấy luôn. Mình ra đó đánh bắt hải sản cũng là để khẳng định Hoàng Sa là chủ quyền của nước mình".

Là một ngư dân anh Phải bày tỏ mong muốn Nhà nước có nhiều hơn các chính sách để hổ trợ ngư dân nhằm khuyến khích và động viên ngư dân quyết tâm bám biển lâu dài. Anh Phải nói: "Tôi mong Nhà nước có những tiếng nói quyết liệt hơn về quyền lợi hợp pháp của ngư dân, đồng thời cần có những biện pháp để tránh những việc làm vô nhân đạo mà phía Trung Quốc gây ra cho ngư dân".

Trầm ngâm một lát rồi anh than thở: "Nói thiệt với anh tôi có nhận được sự hổ trợ từ chương trình "Tấm lưới nghĩa tình" khoảng 150 triệu đồng nhưng mình cũng phải chia lại cho anh em đi bạn một ít vì họ cũng là người đồng cam cộng khổ với mình, với lại đại đa số anh em cũng có hoàn cảnh rất khó khăn đi biển về mà không có gì thì gia đình họ biết lấy tiền đâu để chi tiêu sinh hoạt. Số tiền còn lại khoảng đủ để sữa chữa lại tàu thuyền; còn tiền chi phí xăng để đi chuyến trước thì chưa trả được. Mua chịu tiền xăng dầu của người ta đi chuyến biển về sẻ trả nhưng giờ thì chưa trả được thì người ta sẻ không bán chịu nữa. Vì nguyên tắc nợ gối đầu trả cái cũ xong mới bán tiếp. Giờ không biết làm sao nữa"...
Bài, ảnh: Tấn Tài