Tiến sĩ Tùng Lâm hiến kế cách trả lại giá trị thật của trường chuyên

25/06/2020 06:27
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nguy hại nhất, các trường chuyên hiện nay, trong đào tạo đã tách nhà trường khỏi xã hội, coi trường chuyên là “tháp ngà” tri thức.

Hệ thống trường trung học phổ thông chuyên được hình thành từ lớp “Toán đặc biệt” của Trường Đại học Tổng hợp ra đời tháng 9/1965.

Trong hơn 5 thập kỷ qua, các trường, khối lớp trung học phổ thông chuyên được thành lập tại hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số trường đại học.

Hệ thống trường chuyên được mở ra với kỳ vọng là nơi phát hiện, bồi dưỡng nguồn tài năng cho đất nước.

Rõ ràng, không thể phủ nhận sự thành công của hệ thống trường chuyên trong việc đào tạo, bồi dưỡng tài năng cho các em học sinh có năng khiếu trong nhiều năm qua.

Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, nhiều cơ sở giáo dục đã đi chệch mục tiêu ban đầu, chỉ tập trung luyện "gà nòi" cho các cuộc thi học sinh giỏi quy mô quốc gia, quốc tế và kỳ thi đại học mà thôi.

Đặc biệt những ngày gần đây khi Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) từng là học sinh Chuyên Vật Lý 1 Trường Hà Nội – Amsterdam khoá 1992-1995 nêu ra 4 lập luận tại sao nên đóng cửa hoặc bán Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam cho tư nhân khiến dư luận đặt câu hỏi "Liệu đã đến lúc khai tử hay thay đổi cách thức đào tạo của mô hình trường chuyên hay chưa?"

Qua trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, trong bài viết này Giáo dục Việt Nam nêu một số cách thức mà thầy Lâm đưa ra để có thể đổi mới đào tạo các trường chuyên hiện nay nhằm trả lại giá trị thật của mô hình trường này.

Ảnh minh họa, nguồn: Báo Tổ quốc

Ảnh minh họa, nguồn: Báo Tổ quốc

Cụ thể, về mục tiêu đào tạo chúng ta phải làm rõ mục đích là phải làm được việc tuyển chọn, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Cách đầu tư nhân lực, vật lực và quan trọng lựa chọn phương thức đào tạo cũng như cách tuyển chọn học sinh lâu nay ta đã làm là không đúng với vị trí, mục tiêu cần có của các trường chuyên.

Trường chuyên không thể chạy theo số lượng, không được biến trường chuyên thành nơi có điều kiện học tập thuận lợi cho một số cha mẹ được ưu đãi để gửi con chuẩn bị cho con đi du học, đi vào các trường đại học. Nó phải thật sự chỉ là nơi “đào tạo người tài” cho mỗi địa phương.

Nếu xác định mục tiêu trường chuyên là để đào tạo “người tài” cho mỗi địa phương cho đất nước thì trường chuyên phải được ưu tiên đầu tư không chỉ cơ sở vật chất, về đội ngũ quản lý và giáo viên mà phải thay đổi cả phương thức đào tạo, phương thức tuyển chọn và phương thức huy động các nguồn lực của xã hội cho việc đổi mới phương thức đào tạo của các trường chuyên.

Đặc biệt việc phân tán quá nhiều trường chuyên hiện nay liệu có hợp lý hay không, cũng là một vấn đề cần cân nhắc.

Về phương thức đào tạo: Các trường chuyên đều chưa xuất phát từ năng lực, sở trường của từng học sinh để có cách đào tạo riêng phù hợp với lứa tuổi, từng loại học sinh, từng loại ngành nghề chuyên ngành khoa học.

Chúng ta lại gói tất cả học sinh được tuyển chọn vào đào tạo theo từng phân môn khoa học cơ bản: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ.

Rõ ràng đây là cách làm hết sức lạc hậu vì khoa học ngày nay đã phát triển theo hướng tích hợp nhiều môn.

Trong khi đó, chúng ta lại chia nhỏ theo từng môn để đào tạo theo hướng nhồi nhét kiến thức phổ thông mà không đi theo sự phát triển tích hợp của các ngành khoa học theo hướng đáp ứng nhu cầu phân hóa lao động theo sự phân công của xã hội như:

Làm quản lý lãnh đạo; Đi theo các ngành Khoa học tự nhiên; Các ngành Khoa học xã hội nhân văn, môi trường…

Nguy hại nhất, các trường chuyên hiện nay, trong đào tạo đã tách nhà trường khỏi xã hội, coi trường chuyên là “tháp ngà” tri thức.

Việc đào tạo “nhân tài” phải đi theo quy luật phát triển nhân tài: Đó là để học sinh tự phát hiện năng lực sở trường, nuôi dưỡng các ước mơ, nuôi dưỡng khả năng và nhiệt tình để khám phá, thử nghiệm ứng dụng nhằm giải quyết những vấn đề khoa học mà các em mong muốn khám phá tìm hiểu.

Các trường chuyên hiện nay lại chỉ chạy theo kiểu dàn trải, học sinh nào cũng phải học một chương trình như nhau, vẫn phải kiểm tra thi cử như mọi học sinh, chứ không có chế độ học riêng, kiểm tra đánh giá theo chương trình riêng của mỗi học sinh không dựa vào những tiêu chí cơ sở khoa học về đánh giá “người tài” để xem xét.

Đặc biệt cơ sở vật chất của những môn khoa học tự nhiên mới chỉ đủ để chứng minh các định luật mà các nhà khoa học đã khám phá, còn bản thân học sinh không được tự làm, tự mày mò, khám phá những quy luật, chân lý khoa học mà các em mong muốn được sáng tạo.

Làm được điều này chúng ta mới thật sự kích thích óc sáng tạo và những ước mơ trở thành những người phát minh, nhà sáng tạo của mỗi con trẻ.

Làm được như vậy không chỉ tốn kém về cơ sở vật chất trang thiết bị mà cần có cả người có trình độ để hướng dẫn.

Trường chuyên chỉ loay hoay đóng cửa làm một mình không nổi. Trường chuyên phải huy động được nhiều nguồn lực của các trường đại học, học viên và đặc biệt các cơ sở sản xuất cho đào tạo nhân tài mới phù hợp.

Kinh nghiệm của các nước phát triển, các trường chuyên ngoài chương trình học chung, mỗi học sinh có kế hoạch học riêng cho phù hợp năng lực sở trường, ham thích riêng của mỗi học sinh.

Học sinh chuyên không phải chỉ được học chuyên các bộ môn văn hóa mà còn phải được học thêm các bộ môn bổ trợ để nâng cao sức khỏe; Phát triển thẩm mỹ, xúc cảm để thúc đẩy sự say mê, sáng tạo.

Do đó giờ thể dục cũng phải được cấu tạo theo một chương trình riêng, không học như phổ thông, các bộ môn nhạc họa có thể không cần dạy cơ bản nhiều như phổ thông cơ sở nhưng những hoạt động sáng tạo nghệ thuật, trình diễn cũng phải được yêu cầu đông đảo học sinh tham gia theo đúng các hình thức nghệ thuật mà các em ưa thích.

Các hoạt động văn hóa nghệ thuật không chỉ làm các em cân bằng tâm lý, nó còn góp phần kích thích sự sáng tạo ở mỗi học sinh.

Đặc biệt những hoạt động xã hội, hoạt động thực tế trong cộng đồng cũng phải có chương trình rèn luyện để học sinh chuyên được học “các giá trị sống, kỹ năng sống” để tăng cường khả năng hòa nhập và phát triển toàn diện với học sinh chuyên.

Môi trường xã hội mà các em được tham gia phải là nơi đào tạo và khơi nguồn sáng tạo cho những học sinh theo đuổi những môn khoa học xã hội nhân văn.

Nơi đào tạo học sinh chuyên phải là nơi “khổ luyện thành tài” chứ không phải nơi “nhung lụa” để học sinh phát triển tính cách ích kỷ, xu hướng đòi hỏi ở xã hội, ở gia đình khi chưa có cống hiến.

Học sinh phải có thời gian đi thực tế nơi điền dã, đến vùng sâu, vùng xa, nơi ngập lụt, gió bão để biết cái đói, cái khổ của dân để từ những thực tế sinh động này sẽ giúp các em nảy sinh những tình cảm thật, những ước vọng cháy bỏng cống hiến cho chương trình “xóa đói giảm nghèo”… và thật sự gắn các em với vận mệnh đất nước.

Vấn đề tuyển chọn học sinh chuyên không chỉ trông chờ vào việc thi những môn cơ bản như hiện nay việc tuyển chọn phải kết hợp với các chuyên gia tâm lý, chuyên gia hướng nghiệp để có cách đánh giá theo test riêng nhằm phát hiện đúng những người có tài cho các lĩnh vực:

Quản lý, lãnh đạo cho từng loại chuyên ngành khoa học; cho các ngành Kinh tế tài chính; cho các ngành thể dục thể thao, nghệ thuật…phải có cách tuyển chọn, đánh giá đúng những học sinh thật sự có bản lĩnh, có tiềm năng để phát triển…

Việc học trường chuyên không được hạn chế tuổi, không nhất thiết phải học xong phổ thông mới được học đại học mà việc học của học sinh là phụ thuộc vào khả năng, sở trường của mỗi học sinh. Phải tôn trọng năng lực phát triển riêng của mỗi học sinh

Về nguồn lực giáo viên chuyên trong các trường chuyên: Việc đào tạo học sinh chuyên không phải chỉ giáo viên trường chuyên mà phải kết hợp với các trường đại học, các viện nghiên cứu, đặc biệt các cơ sở sản xuất, các trung tâm nghiên cứu khoa học phải có cơ chế để các cơ sở có tiềm năng đỡ đầu những học sinh có năng khiếu, có lòng say mê.

Các nhà khoa học ở các cơ sở này đỡ đầu các học sinh trường chuyên để cùng tham gia học tập nghiên cứu các vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra; Có vậy mới đánh giá đúng năng lực của học sinh, mới nuôi dưỡng ý chí khát vọng sáng tạo của mỗi học sinh có tài năng thật.

Thầy giáo dạy ở các trường chuyên không chỉ giỏi các môn chuyên theo ý nghĩa thuần tuý khoa học, mà thật sự họ phải trở thành những nhà sư phạm có khả năng phát hiện và biết cách tổ chức giúp đỡ cho những tài năng có đất đê phát triển cần phát huy bài học kinh nghiệm học sinh tham gia nghiên cứu khoa học trong kỳ thi quốc gia, quốc tế Intel Isef mấy năm nay.

Theo tư liệu của Báo Khoa học và Đời sống, lớp chuyên Toán đầu tiên được thành lập vào ngày 14/9/1965.

Ý tưởng đầu tiên thành lập lớp chuyên Toán, thuộc về Giáo sư Hoàng Tuỵ, nguyên là Chủ nhiệm khoa Toán, trường Đại Tổng hợp tại Hà Nội trên cơ sở tham khảo cách làm của Liên Xô (cũ).

Và được sự ủng hộ mạnh mẽ của Giáo sư Lê Văn Thiêm, Phó Hiệu trưởng, người anh cả của nền Toán học Việt Nam hiện đại; của Giáo sư Nguỵ Như Kon Tum, Hiệu trưởng; của Giáo sư Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung cấp chuyên nghiệp.

Đặc biệt là của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người mà khi còn sống luôn luôn quan tâm đến giáo dục, nói riêng là việc đào tạo học sinh giỏi (Quyết định thành lập Lớp Toán đặc biệt đầu tiên năm 1965 do Phó Thủ tướng Phạm Hùng ký thay Thủ tướng Chính phủ).

Giữa lúc cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ bước sang giai đoạn vô cùng khốc liệt trên cả hai miền Nam, Bắc, sự ra đời của lớp chuyên Toán đầu tiên đã chứng tỏ, việc đào tạo học sinh năng khiếu, học sinh giỏi đã được quan tâm đặc biệt.

Chính cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chỉ thị cho Giáo sư Lê Văn Thiêm, Phó Hiệu trưởng, Giáo sư Hoàng Tụy, Chủ nhiệm Khoa Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội: “Dù chiến tranh ác liệt đến đâu, trường ta vẫn phải đi đầu mở các lớp Toán”.

Lúc đầu, lớp được gọi là “Lớp Toán đặc biệt”, sau được đổi thành “Lớp Toán dự bị” rồi “Lớp Chuyên toán”, được dùng cho đến ngày nay.

Cái tên A0 là tên viết tắt thời đi sơ tán trong chiến tranh chống Mỹ. Cả Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán trên Thái Nguyên được gắn ký hiệu mật là T104, Khoa Toán là A, Khoa Lý là B, Khoa Hoá là C...

Một năm sau khi Lớp chuyên Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ra đời, các lớp chuyên Toán tại Khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Vinh và một số nơi khác ở Hà Nội và các địa phương cũng lần lượt được thành lập.

Và đến bây giờ, từ cái mốc, lớp chuyên Toán đầu tiên ấy, chúng ta đã có được một hệ thống các trường, lớp chuyên ở bậc trung học phổ thông trong cả nước, không chỉ cho môn Toán mà nhiều môn học khác.

Năm 1974, lần đầu tiên Việt Nam (và Mỹ) tham dự IMO tại Cộng hòa dân chủ Đức. Điều đặc biệt là, chúng ta cũng chính là nước đầu tiên của cả châu Á tham dự IMO:

Trung Quốc bắt đầu từ 1985, Hàn Quốc 1988, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên 1990, Nhật Bản 1990, Thái Lan 1989, Singapore 1988, Ấn Độ 1989; ở các châu lục khác: Cuba 1971, Úc 1981, Algerie 1977, Nam Phi 1992.

Thùy Linh