Bán trường Ams là đề xuất chính trực sẽ làm lành mạnh hóa chính sách

23/06/2020 06:15
Đỗ Thơm
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Đỗ Tiến Long chia sẻ quan điểm với Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành: “Đây là một đề xuất chính trực làm lành mạnh hóa chính sách quản lý và tâm hồn học sinh".

Vừa qua, Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đã nêu ra 4 lập luận lý giải cho đề xuất nên đóng cửa hoặc bán Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam cho tư nhân.

Quan điểm này đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận.

Tiến sĩ Đỗ Tiến Long. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiến sĩ Đỗ Tiến Long. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phóng viên Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận một số ý kiến của Tiến sĩ Đỗ Tiến Long – chuyên gia tư vấn về phát triển tổ chức và chiến lược.

Ông từng có 8 năm công tác tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội, với vai trò là Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị chiến lược.

Tiến sĩ Đỗ Tiến Long chia sẻ quan điểm với Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành: “Đây là một đề xuất chính trực làm lành mạnh hóa chính sách quản lý và tâm hồn học sinh. Trước đây, con tôi được vào Amsterdam, tôi cũng khuyên con là không nên học.

Tôi thấy trường chuyên có thể tạo ra “gà chọi” để đi thi, còn tỷ lệ nhân tài trong xã hội thường tương đối ổn định.

Chưa thấy trường chuyên nào có thể đào tạo người kém thành tài. Tuy vậy mặt trái, khía cạnh hạn chế của trường chuyên, thì dễ nhận thấy”.

Tiến sĩ Đỗ Tiến Long nêu ra 3 điểm cụ thể.

Thứ nhất, học lệch tạo nên sự thiếu hụt nền tảng, dễ lệch lạc về tính cách khi trưởng thành, mà họ thường không tự nhận ra.

Thứ hai, đeo huy chương "chuyên" dễ khiến họ ngộ nhận bản thân, tự xếp mình ở đẳng cấp khác, nặng tâm lý ganh đua, khó giao tiếp hòa đồng xã hội.

Thứ ba, sự đặc quyền dễ đẻ ra tha hóa xin cho, chạy chọt. Hơn nữa, trường chuyên tạo ra thi cử bất thường, bất bình đẳng học tập và đầu tư hạ tầng.

Tiến sĩ Long phân tích, bản chất của quản lý xã hội là phải đảm bảo hiệu quả của nguồn lực đầu tư mang lại được nhiều lợi ích nhất cho cộng đồng.

Một trong những nguyên tắc của quản lý hệ thống là khi đối tượng quản lý đã trưởng thành thay vì bao cấp thì nên trao quyền, tăng tính tự chủ cao, tự chịu trách nhiệm, sẽ phát huy khả năng và đóng góp xã hội.

Trong hệ thống như hiện nay, đối với các đơn vị, các trường chuyên tương tự như Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, trao tính xã hội hóa sẽ giúp cho sự phát triển, cơ hội phát triển của trường tốt hơn.

Cùng với đó, việc này giúp lành mạnh hóa chính sách, đảm bảo nguồn lực đầu tư xã hội sẽ hiệu quả hơn.

Ông nhấn mạnh, vai trò quản lý của Nhà nước là phải tạo ra sự công bằng và tính lành mạnh cho cả đầu tư nguồn lực, cũng như sự ưu tiên chính sách, sự quan tâm của xã hội.

Tất cả học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông cần sự công bằng trong thi tuyển đại học.

Theo Tiến sĩ Đỗ Tiến Long: "Học sinh trường chuyên được luyện, được học trước. Họ được hưởng nhiều đặc quyền, cả về hình ảnh xã hội và đặc quyền được hưởng cơ hội, nguồn lực xã hội tốt hơn những người bình thường, dễ phát sinh nhu cầu chạy thủ tục, lo hồ sơ vào trường.

Thực tế, hiện nay trường chuyên không còn nhiều ý nghĩa về mặt phát triển giáo dục. Kiến thức chuyên sâu được học trước đôi khi là tự hại cho chính họ.

Học trước để đi thi 1, 2 cuộc thì lợi, nhưng đối với lộ trình suốt cuộc đời thì có thể không ổn.

Sự học cũng có thể ví như leo thang bộ tòa cao ốc, chạy nhanh chục tầng đầu rồi mất đà, chưa chắc nói lên điều gì. Vì tập trung học kiến thức trước, họ không được chuẩn bị đầy đủ các nền tảng tốt về cả phẩm chất, kỹ năng, và thái độ, cho sự nghiệp sau này".

Tuy chưa có một thống kê cụ thể nào nhưng Tiến sĩ Đỗ Tiến Long nhận thấy, có một tỷ lệ khá cao người học chuyên nhưng không theo chuyên khi học lên đại học, trong khi sự chuyên sâu thật sự chỉ diễn ra từ bậc đại học.

Tỷ lệ người học chuyên Toán, Lý, Hóa ở cấp 3 rồi vào đại học đúng chuyên ngành rất nhỏ.

Bảng chi sự nghiệp giáo dục cấp học phổ thông theo Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND ngày 05/12/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách; tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020.

Bảng chi sự nghiệp giáo dục cấp học phổ thông theo Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND ngày 05/12/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách; tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020.

Nếu họ theo ngành kinh tế, quản lý, chính trị…thì họ cần được chuẩn bị các phẩm chất theo nghề thay vì việc học trước kiến thức.

Việc học trước kiến thức Toán, Lý, Hóa,…khiến thiếu thời gian cho các kiến thức kỹ năng nền khác, tạo ra chính thiệt hại cho họ nhiều hơn.

“Nếu chỉ chạy theo điểm cao mà EQ hạn chế thì dễ nhận thấy là tâm lý bất thường sẽ kéo theo sự bất hài lòng cuộc sống, khó tìm tiếng nói chung.

Điểm cao chưa chắc đã hạnh phúc hay thành công.

Thực tế phần lớn những người thành công lại là những người có khả năng thích ứng hòa đồng với môi trường, tìm thấy sự trưởng thành thông qua tương tác tích cực.

Việc dồn người có IQ cao vào một nhóm chưa chắc tạo thêm nhân tài cho xã hội, nhưng lệch lạc tâm lý, cũng như sự đặc quyền thì dễ nhìn thấy hơn.

Học chuyên hay không chuyên nên là lựa chọn của cá nhân và theo đầu tư tư nhân”, Tiến sĩ Đỗ Tiến Long nêu quan điểm.

Trên trang cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đã thành lập một nhóm thảo luận nghiêm túc đề xuất của ông về các trường chuyên công lập trên cả nước. Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho hay:

"Mấy ngày qua mọi người đã trao đổi, tranh luận nhiều. Nhiều người nói về chất lượng của trường chuyên (gồm cả chất lượng của thầy và trò), ích lợi của việc học trường chuyên (ở cấp độ cá nhân học sinh), v.v... nhưng có vẻ chúng ta chưa nhìn hệ thống trường chuyên trong một tổng thể lớn hơn trên phương diện toàn bộ xã hội, bao gồm cả các dòng tài chính đến và đi khỏi các trường chuyên, ai là người thực chất chi trả, ai là người hưởng lợi (trực tiếp và gián tiếp), các dòng học sinh thi vào trường và ra trường, hệ quả xã hội của nó là gì, trong bối cảnh thời gian dài, v.v...."

Câu hỏi đầu tiên Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đưa ra để thảo luận là:

"Có bằng chứng cho thấy ngân sách HÀNG NĂM của TP Hà Nội cấp cho các trường chuyên, trong đó có Ams, tính bình quân đầu học sinh, cao hơn hẳn các trường công khác (cụ thể với trường Ams là khoảng 4 lần). Việc này có lẽ đúng với các trường chuyên khác trên cả nước. Theo bạn, LÝ DO CỦA VIỆC NÀY LÀ GÌ? Hay nói cách khác, AMS ĐƯỢC CẤP NGÂN SÁCH CAO HƠN ĐỂ THỰC HIỆN MỤC TIÊU GÌ?"

Đỗ Thơm