Tiền Tết cho giáo viên, nếu có thì nên chia đều, đừng người nhiều, người ít

15/01/2022 06:53
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiền Tết lại căn cứ vào chức vụ, hệ số lương, danh hiệu thi đua, thành tích đạt được để thưởng dễ dẫn đến sự so đo, phân bì trong đội ngũ nhà giáo.

Bao nhiêu năm nay, giáo viên hầu như không có tiền thưởng Tết. Nhiều trường học do biết thắt chặt chi tiêu nên cuối năm dư được ít tiền thưởng cho giáo viên gọi là tiền thu nhập tăng thêm dịp Tết.

Có trường cố lắm cũng chỉ được ít trăm ngàn đồng, nhiều trường hiện giáo viên cũng chẳng có gì ngoài những lời chúc mừng, động viên.

Không có tiền Tết đã khổ nhưng có mà không thống nhất cách phân chia cũng gây nên nhiều chuyện phiền não như so bì, ganh tị dẫn đến mất đoàn kết nội bộ trong nhà trường cũng chẳng thấy vui.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: Báo Nhân Dân điện tử.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: Báo Nhân Dân điện tử.

Mức thưởng Tết chi theo vị trí công tác, chức vụ, đánh giá thi đua cuối học kỳ 1, hệ số bậc lương, danh hiệu thi đua có phù hợp?

Việc phân chia tiền Tết mỗi trường có một kiểu làm khác mà khi nói ra ai cũng cho rằng cái lý của mình mơi đúng.

Chia sẻ trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Minh – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, cho biết trường cố gắng chi tiền Tết trong khoảng từ 13 đến 17 triệu đồng/người cho giáo viên dịp Tết năm nay.

Mức chi này sẽ tùy theo vị trí công tác, chức vụ, đánh giá thi đua cuối học kỳ 1, hệ số bậc lương.

Theo thầy Nguyễn Minh, nếu chi đồng đều cho giáo viên, ai cũng bằng nhau thì sẽ không đánh giá được sự đóng góp của giáo viên, nhân viên đối với nhà trường, học sinh trong năm vừa qua.

Ngay trên địa bàn của người viết, việc phân chia tiền Tết (nếu có) cũng mỗi trường mỗi phách.

Có trường căn cứ vào thành tích, danh hiệu mà giáo viên đạt được ở năm học trước để chi. Ví dụ, những giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xếp vào một nhóm sẽ được nhận tiền thưởng cao nhất.

Tiếp đến nhóm hoàn thành tốt nhiệm vụ, rồi nhóm hoàn thành nhiệm vụ, cuối cùng là giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ.

Hiệu trưởng nhà trường chia theo kiểu này đã giải thích: người đạt được các danh hiệu, được xếp loại xuất sắc cuối năm là đã cống hiến nhiều cho trường nên được thưởng hơn cũng là chuyện đương nhiên.

Có trường lấy tổng số tiền hiện có chia đều cho các thành viên trong nhà trường.

Hiệu trưởng giải thích như danh hiệu, thành tích đạt được bản thân giáo viên đó đã nhận được nhiều ưu đãi nên không dành đặc ân khi phân chia tiền Tết. Tiền cũng không nhiều, chia đồng đều cho tất cả giáo viên cho vui.

Phân chia tiền Tết như thế nào là phù hợp?

Là giáo viên, ai cũng hiểu những giáo viên nhận danh hiệu như giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi đôi khi chưa hẳn là đã giỏi hơn những đồng nghiệp chưa đạt danh hiệu ấy.

Những giáo viên xếp Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cũng chưa hẳn đã cống hiến nhiều hơn giáo viên Hoàn thành tốt nhiệm vụ. Muốn được xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì đầu năm giáo viên phải đăng ký thi đua, cuối năm mới được xét.

Không ít thầy cô giáo chỉ đăng ký mức Hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng thực tế nhiều thầy cô đã làm rất xuất sắc nhiệm vụ, đã cống hiến nhiều cho các phong trào của nhà trường.

Thế nên, tiền Tết lại căn cứ vào những danh hiệu, những thành tích ấy để thưởng dễ dẫn đến sự so đo, phân bì trong đội ngũ nhà giáo.

Một số đồng nghiệp của người viết tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, do phân chia như thế, có giáo viên nhiều nhất được 30 triệu đồng, giáo viên ít nhất chỉ được 10 triệu đồng.

Cũng đi dạy, cũng hoạt động như người ta đôi khi chẳng kém cạnh gì nhưng chênh lệch hàng chục triệu sao không tủi lòng cho được.

Người viết vô cùng tâm đắc với câu nói của hiệu trưởng cũ, để cho “vui cửa, vui nhà” thì đừng nên phân biệt mà chia đổ đồng cả trường.

Xét cho cùng, đã là tiết kiệm chi tiêu trong suốt cả năm trời đều do công sức của toàn trường mà ra cả, nó chẳng liên quan gì đến chức vụ, hệ số bậc lương, danh hiệu thi đua cả.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Đỗ Quyên