Tiết lộ chấn động của người bắt giữ tướng Dương Văn Minh

30/04/2012 05:52
Phúc Hưng - Tuệ Minh
(GDVN) - “Khi các ông chưa tiến công vào, bên dưới tôi còn rất nhiều người chưa đồng tình với tôi mà nếu tôi tuyên bố đầu hàng trước thì người ta khử tôi mất”, tướng Dương Văn Minh nói với trung đoàn phó của quân giải phóng, đang cầm chắc khẩu súng trong tay.
LTS: Một buổi chiều cuối tháng 4, chúng tôi đến thăm Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Nguyên Tư lệnh Quân khu I tại phố Nguyễn Hoàng Tôn (quận Tây Hồ, HN). Mân mê chén trà đặc quánh trên tay, vị chỉ huy từng bắt, áp giải tướng Minh "lớn" đến Đài phát thanh Sài Gòn đọc lời đầu hàng, xúc động, kể lại.

Qua lời ông, chúng tôi có thể cảm nhận được hào khí năm nào vẫn còn nguyên nơi ông – một vị anh hùng quân đội mà mỗi vết thương trên người ông đều ghi dấu một trận chiến đấu oanh liệt, từ Khe Sanh, Trị Thiên khói lửa đến Đại thắng mùa xuân. Sau đây, báo Giáo dục Việt Nam xin gửi tới bạn đọc toàn bộ lời kể của Trung tướng Phạm Xuân Thệ về tháng 4 lịch sử năm xưa trong đó có những chi tiết lịch sử đặc biệt lần đầu tiên được ông kể:

Tổng biên tập báo Giáo dục Việt Nam Nguyễn Tiến Bình chụp ảnh lưu niệm với Trung tướng Phạm Xuân Thệ
Tổng biên tập báo Giáo dục Việt Nam Nguyễn Tiến Bình chụp ảnh lưu niệm với Trung tướng Phạm Xuân Thệ
“Thời kỳ đó tôi là trung đoàn phó của Trung đoàn 66 thuộc sư đoàn 304 của quân đoàn 2. Năm 1974, trung đoàn 66 của tôi chiến đấu trên mặt trận Quảng Đà đánh chiếm quận địa Thượng Đức và giải phóng được quận địa này. Đầu năm 1975, chiến dịch Tây Nguyên mở màn. Xuân 1975, thắng lợi xong thì Bộ chính trị và Bộ Tổng tư lệnh  quyết định mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Đến 29/3/1975 đơn vị tôi lại vào đánh chiếm sân bay Đà Nẵng và giải phóng TP. Đà Nẵng.

Ngày 6/4/1975, toàn bộ binh đoàn duyên hải (quân đoàn 2, Tư lệnh là tướng Nguyễn Hữu An) đã bắt đầu hành quân từ Đà Nẵng vào tiếp tục chiến đấu để giải phóng các tỉnh còn lại ở miền Trung. Riêng sư đoàn 304 của tôi đi cùng quân đoàn. Đến 10/4/1975, chúng tôi được lệnh hành quân vào phía Nam thực hành tiến công hành tiến. Lúc đó tất cả các đơn vị khác của quân đoàn 2 đi theo đường Tây Trường Sơn đã vào trong miền Nam hết rồi. Còn lại của quân đoàn 2 là trung đoàn tôi với lực lượng của quân khu 5 quân khu Trị Thiên đảm nhiệm tiến công chiến dịch Huế - Đà Nẵng.

BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH 2 CHIẾC XE TĂNG ĐẦU TIÊN HÚC ĐỔ CỔNG DINH ĐỘC LẬP CHÙM ẢNH ĐỘC VỀ TP SÀI GÒN TRƯỚC 30/4/1975 (KỲ 1)
CHÙM ẢNH ĐỘC VỀ TP SÀI GÒN TRƯỚC 30/4/1975 (P2)
CHÙM ẢNH ĐỘC VỀ TP SÀI GÒN TRƯỚC 30/4/1975 (P3)
HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ QUÊN" VỀ ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ VÀO THỜI KHẮC TRƯA 30/4/1975
Trung tướng Phạm Xuân Thệ cùng ban chỉ huy trung đoàn 66 (Ảnh tư liệu)
Trung tướng Phạm Xuân Thệ cùng ban chỉ huy trung đoàn 66 (Ảnh tư liệu)

Sau khi giải phóng TX. Hàm Tân, đêm 21/4/1975 nhận nhiệm vụ thì đến ngày 22/4/1975 nổ súng chiến đấu giải phóng được TX. Hàm Tân làm chủ được sân bay… Đến sáng hôm sau thì giải phóng được toàn bộ tỉnh Bình Tuy. Rạng sáng ngày 23/4, chúng tôi lại tiếp tục hành quân vào. Đến chiều 24/4, khoảng 3 - 4h, chúng tôi tập kết ở 1 đồn điền cao su (đồn điền ông Quế) cách TP. Sài Gòn khoảng 60km. Lúc này chúng tôi mới biết mình được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn.

Ngày 24/4 chúng tôi làm nhiệm vụ trinh sát. Ngày 25/4, trinh sát và chuẩn bị lực lượng xong thì 17h ngày 26/4, chiến dịch Hồ Chí Minh nổ súng bắt đầu trên mặt trận hướng Đông. Hướng Đông gồm quân đoàn 2. Sư đoàn 304( gồm 2 trung đoàn 24 và trung đoàn 9 đảm nhiệm đánh căn cứ Nước Trong và tổng kho Long Bình) sư đoàn 3, sư đoàn 35 (đánh Bà Rịa Vũng tàu và sau đó vượt Cát Lái đánh vào quận Nhà Bè) còn trung đoàn 66 "bị" quân đoàn để lại làm lực lượng dự bị vừa cho quân đoàn, vừa cho sư đoàn.

Khi nhận nhiệm vụ ở chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 2 thành lập một binh đoàn thọc sâu, trung đoàn 66 cùng các đơn vị tiến đánh căn cứ Nước Trong và tổng kho Long Bình. Khi các trung đoàn 9, trung đoàn 24 đánh xong trận Nước Trong, một phần tổng kho Long Bình thì cùng  trung đoàn 66 tiến thẳng vào nội đô TP. Sài Gòn. Đích cuối cùng là Đài phát thanh Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Hải quân quân đội Sài Gòn và Dinh Độc lập. Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 gồm trung đoàn 66, Lữ đoàn xe tăng 203, pháo binh, công binh, đặc công và các binh chủng phục vụ chuẩn bị tiến đánh vào Sài Gòn.

Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ dẫn giải Dương Văn Minh ra đài phát thanh
Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ dẫn giải Dương Văn Minh ra đài phát thanh
Chiều 27/4/1975, chúng tôi đánh chiếm căn cứ Nước Trong. Đến trưa hôm sau, quân ta hoàn toàn làm chủ căn cứ Nước Trong. Đây là trận đánh quan trọng góp phần đưa các binh đoàn của ta triệt tiêu sinh lực địch, áp sát Sài Gòn.

Bắt đầu 17h ngày 29/4 thì xuất phát, đến 21h chúng tôi vượt qua cầu Sông Buông, khi đó địch phá hỏng nên chúng phải khắc phục lại cho đến đến 24h mới đến được cầu Xa Lộ, vượt qua đầu cầu Xa Lộ đến Thủ Đức cũng đã 4h sáng.

Tuy nhiên, lực lượng đi đầu vào đầu cầu Sài Gòn bị địch chống cự rất quyết liệt. Đồng chí Ngô Văn Nhỡ - Đại úy tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn xe tăng của Lữ đoàn 203 đã hy sinh ngay trên tháp pháo. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi cũng đã bắn hạ được 4 – 5 chiếc xe tăng trên cầu Sài Gòn và 3 tàu chiến của địch. Thế trận giằng co, đến 8h sáng thì chúng tôi mới giải quyết xong cứ điểm này. Thông cầu Sài Gòn, chúng tôi thọc thẳng vào nội đô thành phố. Khi vượt qua cầu Thị Nghè thì có dân chỉ đường cho. Tại đây quân địch chống cự ít nhiều nhưng không đáng kể.
Khi đến cổng Dinh Độc Lập, xe tăng thứ nhất do anh Bùi Quang Thận chỉ huy húc vào cánh cổng bên trái của cổng chính Dinh Độc Lập và mắc kẹt vào đó. Xe tăng thứ hai do anh Lê Đăng Toàn chỉ huy đâm bật tung cánh cổng chính tiến vào sân...

Nội các Dương Văn Minh ở thời điểm 30/4/1975 (Ảnh tư liệu)
Nội các Dương Văn Minh ở thời điểm 30/4/1975 (Ảnh tư liệu)

Chiếc xe Jeep của chúng tôi theo xe anh Toàn đi vào. Vừa đặt chân đến tiền sảnh tầng 1 của Dinh Độc Lập, xe dừng lại. Chúng tôi bước xuống thảm cỏ rồi tiến nhanh vào Dinh Độc Lập để cắm cờ. Lên hết cầu thang tầng 1, chúng tôi gặp một người cao to, mặc áo cộc tay. Đó là ông Nguyễn Hữu Hạnh, ông ta nói: "Tôi là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá cho Tổng thống Dương Văn Minh. Toàn bộ nội các của Tổng thống Dương Văn Minh đang ngồi trong phòng họp, mời cấp chỉ huy vào làm việc".

BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH 2 CHIẾC XE TĂNG ĐẦU TIÊN HÚC ĐỔ CỔNG DINH ĐỘC LẬP CHÙM ẢNH ĐỘC VỀ TP SÀI GÒN TRƯỚC 30/4/1975 (KỲ 1)
CHÙM ẢNH ĐỘC VỀ TP SÀI GÒN TRƯỚC 30/4/1975 (P2)
CHÙM ẢNH ĐỘC VỀ TP SÀI GÒN TRƯỚC 30/4/1975 (P3)
HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ QUÊN" VỀ ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ VÀO THỜI KHẮC TRƯA 30/4/1975

Ông Nguyễn Hữu Hạnh dẫn chúng tôi đi khoảng hơn 10m, đến một cửa phòng lớn, ông Hạnh giới thiệu đây là Tổng thống Dương Văn Minh. Đến lúc này tôi mới biết ông Dương Văn Minh, trước đó chỉ nghe trên đài nói là ông Dương Văn Minh lên làm Tổng thống nguỵ quyền Sài Gòn, nhưng chưa hề biết mặt mũi ông Minh như thế nào.

Khi vào bên trong, ông Hạnh giới thiệu Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Tổng thống Dương Văn Minh nói: "Chúng tôi đã biết quân giải phóng tiến quân vào nội đô và đang chờ quân giải phóng vào để bàn giao". Ngay lập tức, tôi trả lời: "Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả".

Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ gặp ông Nguyễn Hữu Hạnh (Ảnh tư liệu)
Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ gặp ông Nguyễn Hữu Hạnh (Ảnh tư liệu)

Khi đó quân giải phóng đã chiếm được Sài Gòn, những tiếng súng nổ ăn mừng khắp xung quanh Dinh Độc lập, khiến cho nội các của Dương Văn Minh lo sợ. Ông Minh nhất quyết không ra Đài phát thanh để đọc lời đầu hàng. 5 phút rồi 10 phút trôi qua, tiếng súng vẫn nổ ra không ngớt. Tay phải tôi cầm một khẩu súng ngắn. Mặc dù trong phòng có điều hòa nhưng mồ hôi trên trán ông Minh vẫn rịn ra. Không khí căng thẳng.
Khoảng 30 phút sau khi thuyết phục Dương Văn Minh miễn cưỡng đồng ý ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng. Khi đó Dương Văn Minh nói: “Ra đài phát thanh sợ không đảm bảo an toàn”. Tuy nhiên, chúng tôi nhất quyết buộc Dương Văn Minh phải ra Đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Tôi nói: "Chúng tôi đã làm chủ Sài Gòn và sẽ đảm bảo an toàn cho ông...". Rồi chính Dương Văn Minh lên xe Jeep đưa đường đưa ra Đài phát thanh. Tôi và Dương Văn Minh ngồi cùng một ghế ở bên ghế phụ, bên cạnh lái chính. Dương Văn Minh ngồi trong, tôi ngồi ngoài. Khi đó trên xe còn có cả Vũ Văn Mẫu.

Tay tôi vẫn cầm khẩu súng ngắn.
Lúc này quân Giải phóng ở đó rất nhiều rồi: xe tăng, xe ô tô, bộ đội ta vào rất đông nên chúng tôi đi phải lách vì từ Dinh độc lập ra Đài phát thanh mất khoảng 20 phút.
Trên đường đi, thấy xe tăng, pháo binh của ta hai bên đường rất đông thì tôi mới hỏi Dương Văn Minh: “Thấy sức mạnh quân giải phóng như thế nào?”. Dương Văn Minh trả lời: “Chúng tôi biết khi quân giả phóng tiến công vào là chúng tôi sẽ thất bại”. Tôi hỏi tiếp: “Tại sao các ông biết thất bại mà không tuyên bố đầu hàng trước để chúng tôi phải đánh vào đến và bắt các ông thì các ông mới tuyên bố đầu hàng?”. Dương Văn Minh nói: “Khi các ông chưa tiến công vào mà bên dưới tôi còn rất nhiều người chưa đồng tình với tôi mà nếu tôi tuyên bố đầu hàng trước thì người ta khử tôi mất”. "Điều đó chứng tỏ Dưỡng Văn Minh rất sợ hãi", tướng Thệ nhớ lại.

Dương Văn Minh tại đài phát thanh ngày 30/4 (Ảnh tư liệu)
Dương Văn Minh tại đài phát thanh ngày 30/4 (Ảnh tư liệu)

Sau khi đưa Dương Văn Minh đến Đài phát thanh, tôi đã soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Khi đang soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh thì có một ông đến nói: “Anh là ai?” Tôi nói: “Tôi là Phạm Xuân Thệ - đoàn phó đoàn Đông Sơn”. Sau đó, tôi mới biết đó là đồng chí Bùi Tùng – chính ủy lữ đoàn 203. Rồi chúng tôi cùng soạn thảo để cho Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng. Tuy nhiên khi tôi đưa cho Dương Văn Minh đọc thì Dương Văn Minh không đọc được và nói: “Chữ viết do cấp chỉ huy viết xấu tôi không đọc được”. Thế là tôi phải đọc lại cho Dương Văn Minh viết lại.
Sau đó, chúng tôi lại đưa Dương văn Minh quay trở về Dinh độc lập. Tại đây, gặp bộ tư lệnh quân đoàn, có một đồng chí chỉ huy quát tôi: “Anh là ai? Ở đâu?Anh ở đơn vị nào? Ai cho phép anh tự ý đưa Tổng thống Dương Văn Minh đến Đài phát thanh? Nếu anh làm sai tôi cách chức anh, bỏ tù anh…”. Tôi tức cũng quát lại (vì không biết ông ta là ai, hồi đó không phải lính nào cũng biết mặt các chỉ huy cấp trên): “Tôi đưa Tổng thống Dương Văn Minh đi đọc tuyên bố đầu hàng, anh làm gì mà nhắng lên thế”. Lúc đó tôi nhìn thấy mặt ông ta rất tức giận. Sau mới biết đó là Phó chính ủy quân đoàn 2 Công Trang.

Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng (Ảnh tư liệu)
Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng (Ảnh tư liệu)

Lúc đó, sư trưởng trực tiếp của tôi là ông Nguyễn Ân (Sư trưởng sư đoàn 304) nói: “Nó là thằng Thệ, E phó E66. Sai đâu để sau. Cho nó về chỉ huy đơn vị”. Thế là tôi chạy một mạch ra chiếc xe Jeep, về đơn vị đang đóng quân ở cảng Sài Gòn. Vậy là miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất. Lúc đó tôi vừa vui vừa buồn. Vui vì sau bao nhiêu năm, đất nước đã được giải phóng, độc lập hoàn toàn. Nhưng tôi cũng buồn vì trong trận cuối cùng, có những đồng đội đã hy sinh khi chỉ còn cách giờ phút chiến thắng vài giờ đồng hồ.
Khi nhắc đến những hy sinh của đồng đội, ông ngồi lặng, đi đôi mắt rưng rưng, vết sẹo dài trên tay ông giật giật. Chúng tôi biết ông đang xúc động  mạnh. Qua nhiều lần tiếp xúc và qua những tâm sự của ông, chúng tôi biết trong trái tim người anh hùng này vẫn đau đáu một nỗi niềm: “Mình chưa hoàn thành trách nhiệm với bạn bè, đồng đội đang nằm lại nơi chiến trường”...

BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH 2 CHIẾC XE TĂNG ĐẦU TIÊN HÚC ĐỔ CỔNG DINH ĐỘC LẬP CHÙM ẢNH ĐỘC VỀ TP SÀI GÒN TRƯỚC 30/4/1975 (KỲ 1)
CHÙM ẢNH ĐỘC VỀ TP SÀI GÒN TRƯỚC 30/4/1975 (P2)
CHÙM ẢNH ĐỘC VỀ TP SÀI GÒN TRƯỚC 30/4/1975 (P3)
HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ QUÊN" VỀ ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ VÀO THỜI KHẮC TRƯA 30/4/1975
Phúc Hưng - Tuệ Minh