Ấn Độ đẩy nhanh tăng cường sức mạnh hải quân đối phó Trung Quốc

24/09/2015 11:12
Đông Bình
(GDVN) - Đến năm 2027, Hải quân Ấn Độ sẽ có khoảng 200 tàu chiến, trong đó có 3 tàu sân bay, trên 20 tàu ngầm, tập trung vào nội địa hóa, xây dựng 3 hạm đội.

Mấy ngày qua, báo chí Trung Quốc đã có một số bài viết liên quan đến Hải quân Ấn Độ.

Hai biên đội tàu sân bay, Hải quân Ấn Độ
Hai biên đội tàu sân bay, Hải quân Ấn Độ

Theo mạng tờ “Tin tức Trung Quốc” ngày 17 tháng 9, từ khi Ấn Độ và Liên Xô ký kết hợp đồng cung ứng trang bị hải quân đầu tiên vào ngày 1 tháng 9 năm 1965 đến nay, Liên Xô/Nga đã chế tạo hơn 70 tàu chiến cho Hải quân Ấn Độ.

Hiện nay, khoảng 80% trang bị của Hải quân Ấn Độ đều có nguồn gốc từ Liên Xô/Nga, chính các tàu chiến của Liên Xô/Nga đã đặt nền tảng cho Hải quân Ấn Độ hiện đại.

Tờ “Nhật báo Trung Quốc” ngày 22 tháng 9 dẫn báo chí Nhật Bản cùng ngày cho biết, Ấn Độ sẽ đẩy nhanh tăng cường thực lực hải quân, có kế hoạch trước năm 2027 tăng số lượng tàu chiến lên khoảng 40% so với hiện nay, tăng lên khoảng 200 chiếc, tàu sân bay được biên chế cũng sẽ tăng lên 3 chiếc.

Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch thúc đẩy nội địa hóa vũ khí trang bị để giảm giá thành, có kế hoạch tìm kiếm các hợp tác như chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển.

Tàu sân bay Vikrant do Ấn Độ tự chế tạo
Tàu sân bay Vikrant do Ấn Độ tự chế tạo

Quan chức cấp cao Hải quân Ấn Độ tiết lộ, trong 12 năm tới (đến năm 2027), Hải quân Ấn Độ có kế hoạch tăng số lượng tàu chiến từ 137 chiếc hiện nay lên khoảng 200 chiếc, tàu sân bay sẽ tăng lên 3 chiếc, tàu ngầm sẽ từ 13 chiếc hiện nay tăng lên 20 chiếc trở lên.

Đáng chú ý, tàu sân bay tự chế đầu tiên mang tên Vikrant của Ấn Độ hạ thủy vào tháng 6 năm 2015, sớm nhất sẽ được biên chế vào năm 2018. Ấn Độ sẽ còn đẩy nhanh phát triển chiếc tàu sân bay nội thứ hai và yêu cầu các doanh nghiệp như Công ty Lockheed Martin Mỹ tham gia.

Ấn Độ sẽ thành lập đội tàu gồm tàu sân bay, tàu ngầm, tàu khu trục và tàu vận tải. Theo một nhà nghiên cứu Ấn Độ, nếu tàu chiến tăng lên 200 chiếc thì có thể thành lập 3 hạm đội, đồng thời hoàn thành nhiều nhiệm vụ tác chiến sẽ trở nên thường xuyên.

Về tài chính, theo thống kê của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, ngân sách năm tài khóa 2015 (từ tháng 4 năm 2015 đến tháng 3 năm 2016) là 405,2 tỷ rupee. Nếu mức tăng bình quân 9% trong 5 năm (đến năm tài khóa 2014) kéo dài đến năm tài khóa 2027, tổng ngân sách 13 năm (từ năm tài khóa 2015 đến năm 2027) sẽ trên 9.000 tỷ rupee.

Tàu ngầm thông thường INS Kalvari lớp Scorpene Ấn Độ hạ thủy ngày 6 tháng 4 năm 2015
Tàu ngầm thông thường INS Kalvari lớp Scorpene Ấn Độ hạ thủy ngày 6 tháng 4 năm 2015

Nếu bỏ qua chi phí cho nhân viên và bảo trì thì kinh phí dành cho vũ khí trang bị mới là 4.000 tỷ rupee. Trong khi đó, chỉ việc mua sắm tàu sân bay và tàu chiến đã có thể tiêu tốn trên một nửa số đó.

Không ít quan điểm cho rằng, nếu cân nhắc tới việc đổi mới tàu chiến cũ, sẽ rất khó bảo đảm ngân sách.

Bởi vì, để cắt giảm ngân sách, Ấn Độ sẽ thúc đẩy nội địa hóa vũ khí trang bị. Ngành chế tạo Ấn Độ có không gian phát triển, nhưng động cơ và trang bị chiến đấu chủ yếu lệ thuộc vào bên ngoài. Trong tương lai, Hải quân Ấn Độ có kế hoạch ưu tiên mua sắm trang bị tàu chiến nội.

Thúc đẩy nội địa hóa vũ khí trang bị không tách rời việc chuyển nhượng công nghệ từ các nước phát triển. Kim ngạch thực hiện đầu tư trực tiếp lĩnh vực quốc phòng của Ấn Độ trong vòng 1 năm (đến tháng 6 năm 2015) chỉ 80.000 USD.

Năm 2014, chính quyền Narendra Modi đã nâng trần tỷ lệ bỏ vốn lĩnh vực quốc phòng của nhà đầu tư nước ngoài từ 26% trước đây lên 49%.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thúc đẩy nội địa hóa vũ khí trang bị
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thúc đẩy nội địa hóa vũ khí trang bị

Tờ “Tin tức Trung Quốc” ngày 23 tháng 9 cũng có bài viết cho rằng, Ấn Độ có kế hoạch thông qua tăng cường sức mạnh hải quân để ứng phó với mọi tình huống.

Dẫn báo chí nước ngoài, bài báo cho rằng, mục đích của Hải quân Ấn Độ là bảo đảm an toàn tuyến đường hàng hải quan trọng ở miền nam nước này. Cướp biển ở phía tây Ấn Độ Dương (vùng biển Somalia) thường xuyên xuất hiện.

Đồng thời, cùng với việc Pakistan gần đây nghe nói đã sử dụng máy bay không người lái tự chế để tấn công các phần tử cực đoan trong nước, Ấn Độ cũng dự định đẩy nhanh mua sắm máy bay vũ trang không người lái của Israel.

Nguồn tin quốc phòng Ấn Độ cho biết, ngay từ 3 năm trước, Ấn Độ đã dự điịnh mua sắm máy bay không người lái Heron của Israel, nhưng tháng 1 năm nay, Quân đội Ấn Độ lấy lý do Pakistan và Trung Quốc đều đang phát triển máy bay không người lái, yêu cầu chính phủ đẩy nhanh hoàn thành thủ tục mua sắm.

Máy bay không người lái Heron Ấn Độ mua của Israel
Máy bay không người lái Heron Ấn Độ mua của Israel

Đối với vấn đề này, chuyên gia Nam Á thuộc Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson Mỹ, Kugelmann cảnh báo, trong thời điểm quan hệ các nước ở Nam Á căng thẳng, nếu khu vực này xuất hiện máy bay tấn công không người lái, sẽ làm trầm trọng hơn sự ngờ vực lẫn nhau giữa các nước.

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 22 tháng 9 còn có bài viết cho rằng, vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc (nước đang tăng cường chiến lược biển) ở Biển Đông và Ấn Độ Dương đang tăng cường, Ấn Độ có kế hoạch tăng cường sức mạnh hải quân để ứng phó.

Bài báo dẫn một quân nhân nghỉ hưu Ấn Độ cho rằng: “Để ngăn chặn Ấn Độ Dương xảy ra tranh chấp, Ấn Độ đang theo dõi chặt chẽ tình hình”, đặc biệt là “vùng biển tranh chấp” Biển Đông (nơi Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược, rồi nhảy vào tranh chấp).

Được biết, Trung Quốc cung cấp vốn cho xây dựng các cảng biển ở các nước duyên hải Ấn Độ Dương, gây lo ngại cho Ấn Độ, được giải thích là Trung Quốc thúc đẩy xây dựng vòng bao vây Ấn Độ.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon Hải quân Ấn Độ, mua của Mỹ
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon Hải quân Ấn Độ, mua của Mỹ

Do các nước được Trung Quốc tài trợ, liên kết lại trên bản đồ sẽ tạo ra một chuỗi ngọc trai, do đó báo chí gọi đây là “chiến lược chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc.

Từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2014, tàu ngầm Trung Quốc đã 2 lần đậu ở cảng của Sri Lanka. Vì vậy, Hải quân Ấn Độ cho rằng: “Cần phải có năng lực điều động hạm đội đến phía đông bán đảo Malaysia”.

Liên quan đến vấn đề này, theo báo chí Trung Quốc, Quân đội Trung Quốc và Malaysia vừa tiến hành cuộc diễn tập quân sự liên hợp cấp chiến dịch ở đoạn giữa eo biển Malacca. Dư luận Trung Quốc rêu rao là để bảo vệ “tự do hàng hải”, “bảo vệ hòa bình Biển Đông” - PV.

Các chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc tăng cường hiện diện ở tuyến đường hàng hải có giá trị chiến lược này sẽ gây lo ngại cho Mỹ và Nhật Bản – hai nước này đều có lợi ích quan trọng ở eo biển Malacca - PV. 

Tàu ngầm Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương gây lo ngại cho Ấn Độ
Tàu ngầm Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương gây lo ngại cho Ấn Độ
Đông Bình