Bài học từ hợp đồng vũ khí Mỹ - Đài Loan

07/10/2011 15:13
Chấn Hưng (tổng hợp)
(GDVN) - Các đồng minh Mỹ ở Châu Á rồi sẽ nhận ra rằng, dù có hướng đến cái ô an ninh của Mỹ thì cũng không thể không để ý đến sự cân bằng Bắc Kinh - Washington.

Những rắc rối xung quanh hợp đồng nâng cấp vũ khí trị giá gần 6 tỷ USD của Mỹ giành cho Đài Loan dường như vẫn chưa có hồi kết. Giới phân tích nhận thấy, qua đây sẽ có nhiều bài học được rút ra trong mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Đài Loan và các đồng minh khác của Mỹ trong khu vực.

Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt và yêu cầu Mỹ xem xét lại bản hợp đồng nhạy cảm trên, nếu không sẽ hạ cấp quan hệ quân sự. Việc bán vũ khí cho Đài Loan luôn mang nhiều ý nghĩa chính trị hơn là một hợp đồng thương mại. Nhưng tình hình hiện tại báo hiệu còn nhiều dấu hiệu phức tạp hơn nữa.

Dù có thân Mỹ thế nào thì Đài Loan vẫn phải hướng về Trung Quốc để phát triển kinh tế
Dù có thân Mỹ thế nào thì Đài Loan vẫn phải hướng về Trung Quốc để phát triển kinh tế

Trong bối  cảnh suy giảm ảnh hưởng của Mỹ ở Châu Á, Trung Quốc đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong khu vốn được cho là sân nhà bị lãng quên mà nước này không thể đảm nhiệm trong suốt nhiều thập kỷ qua. Những vấn đề nhạy cảm liên quan đến hợp đồng vũ khí với Đài Loan thậm chí còn ảnh hưởng đến nhiều nước Châu Á khác.

Rất nhiều nền kinh tế cần Trung Quốc để phục vụ việc phát triển, và vẫn tự hỏi quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh là có lợi hay không có lợi. Khi lên nắm quyền, người đứng đầu Đài Loan Mã Anh Cửu đã có bước cải thiện quan hệ hai bờ rõ rệt bằng việc tham gia Hiệp định khung về hợp tác kinh tế (ECFA).

Đây thực sự là một chiếc ô đảm bảo cho các công ty Đài Loan làm ăn ở Trung Quốc. Nếu so với người tiền nhiệm Trần Thủy Biển, người luôn nêu cao quan điểm đòi tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc, thì rõ ràng Mã Anh Cửu khôn ngoan hơn rất nhiều trong quan hệ với Bắc Kinh.

Nếu giới chức Bắc Kinh có bất cứ động thái nào phá ngang ECFA, người bị ảnh hưởng đầu tiên ở Đài Loan chính là ông Mã Anh Cửu, bởi ông là người mà Bắc Kinh muốn sẽ tiếp tục ngồi chiếc ghế cao nhất điều hành hòn đảo này. Mặc dù hiện nay, đối thủ của ông ở Đảng Dân chủ Cấp tiến có nhiều biểu hiện thân thiện nhưng vẫn chưa hoàn toàn chiếm được lòng tin của Trung Quốc.

Để phủ đầu người đứng đầu tương lai của Đài Loan, Bắc Kinh đã phát đi một thông điệp rõ ràng rằng, nếu Đài Loan không tôn trọng quan điểm đồng thuận “Một Trung Quốc”, thì mọi giao dịch thương mại sẽ bị ảnh hưởng.

Năm 1996, để phản đối ứng cử viên Lý Đăng Huy, Trung Quốc đã cho khởi động một loạt tên lửa dọc eo biển Đài Loan ngay trước kỳ bầu cử, nhưng hành động này lại mang đến kết quả ngược, và ông này đã thắng cử với một tỷ lệ ủng hộ còn cao hơn trước.

Cùng thời điểm này, Mỹ đã triển khai rất nhiều tàu hải quân tiến sâu vào eo biển Đài Loan để phô trương sức mạnh và tăng cường cam kết. Đây chính là một khía cạnh cần phải xem xét trong bối cảnh hợp đồng vũ khí lần này: sự cân bằng giữa Bắc Kinh và Washington.

Trong những năm qua, nhiều nước trong khu vực đã tăng cường thắt chặt an ninh với Mỹ, không chỉ riêng với các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philipine mà còn cả Ấn Độ. Điều này xuất phát từ những lo ngại do sự quyết đoán của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp hải đảo, và việc Trung Quốc tăng cường bảo vệ Bình Nhưỡng.

Nhưng ngay cả khi nhiều nước Châu Á đã nhận được sự bảo đảm an ninh của Mỹ thì vẫn còn nhiều quan ngại về khả năng duy trì sức mạnh của Mỹ ở khu vực. Dù Chính quyền Obama được cho là đã có nhiều bước đi đúng đắn, nhưng nền kinh tế tiếp tục suy yếu và món nợ công khổng lồ vẫn còn là mối lo.

Đối với nhiều người Mỹ, việc quân đội nước này hiện diện ở Châu Á thực sự là một cuộc chơi xa xỉ và cần phải cắt giảm. Khi mà cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần thì dư luận nước này lại dấy lên câu hỏi tại sao Mỹ chi tiêu quá nhiều tiền cho sự hiện diện của mình ở Châu Á và sẽ hiện diện ở đây đến bao giờ.

Mỹ có thể đảm bảo an ninh cho các đồng minh Châu Á tới bao giờ khi mà gánh nặng ngân sách đang ngày một phình to? - ảnh minh họa
Mỹ có thể đảm bảo an ninh cho các đồng minh Châu Á tới bao giờ khi mà gánh nặng ngân sách đang ngày một phình to? - ảnh minh họa

Vì thế, không chỉ Đài Loan, mà các đồng minh khác của Mỹ ở Châu Á phải đặt câu hỏi Mỹ sẽ phản ứng để bảo vệ mình như thế nào. Các đồng minh này rồi sẽ nhận được một bài học về giá trị của sự độc lập trong quan hệ với Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc.

Đáng chú ý, hợp đồng vũ khí Mỹ - Đài lần này đã nhẹ nhàng đi rất nhiều khi Mỹ quyết định chỉ nâng cấp thay vì bán vũ khí mới cho Đài Loan. Hơn nữa, ngay cả khi việc nâng cấp này hoàn thiện, thì theo các chuyên gia, Trung Quốc vẫn sẽ duy trì lợi thế quân sự hơn hẳn so với Đài Loan. Với thực tế này, chính quyền Obama không thể nhắm mắt làm ngơ mà không lo bị sói mòn quan hệ với Đài Loan.

Về phần mình, Bắc Kinh hiện cũng giới hạn phản ứng ở mức độ ngoại giao, thay vì những phát biểu đao to búa lớn hoặc đe dọa hành động trả đũa. Bắc Kinh cũng đủ tỉnh tảo để hiểu rằng, bối cảnh hiện nay, phản ứng như vậy là vừa đủ.

Hướng đến cái ô an ninh của Mỹ trong khi vẫn tăng cường trao đổi thương mại với Trung Quốc đang là bước đi phổ biến của các đồng minh Mỹ ở khu vực. Đó là thực tế hiện nay, không chỉ với Đài Loan, mà tất cả các đồng minh khác của Mỹ đều nhận thấy rằng, để thay đổi nó đột ngột là rất khó.  

Chấn Hưng (tổng hợp)