Báo cáo sơ bộ kết quả phòng chống tham nhũng 2015

14/09/2015 05:00
Ngọc Quang
(GDVN) - Tổng thanh tra Chính phủ - ông Huỳnh Phong Tranh sẽ trình bày về kết quả phòng chống tham nhũng tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sáng nay (14/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 41. Theo dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi).

Bộ luật hình sự (sửa đổi) đã được Chính phủ đưa ra lấy ý kiến nhân dân và cũng là nội dung được thảo luận tại Quốc hội từ kỳ họp thứ 9. Một trong những vấn đề lớn nhất hiện còn nhiều ý kiến khác nhau đó là đề nghị bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh: Cướp tài sản; Phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Chống mệnh lệnh; Đầu hàng địch; Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Chống loài người, tội phạm chiến tranh; Vận chuyển trái phép chất ma túy.

Tuy nhiên, nhiều Đại biểu Quốc hội đã bày tỏ băn khoăn khi có nhiều tội danh được đề nghị bỏ án tử hình, trong khi tội phạm nguy hiểm có tính chất phức tạp lại gia tăng.

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, phải cân nhắc thận trọng khi phát triển theo hướng nhân đạo hóa trong Bộ luật hình sự, hạn chế bớt các hình phạt tử hình.

“Tôi cho rằng không phải cứ bỏ hình phạt tử hình mới là nhân đạo. Nhân đạo với một người, nhưng có khi lại vô nhân đạo với nhiều người. Tôi đồng ý với xu hướng giảm hình phạt tử hình nhưng không nên thái quá. Nếu bỏ hình phạt tử hình thì tức là giảm tới mức không còn sự trừng trị, luật không còn có ý nghĩa nữa”, ông Ngũ nói.

Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác thi hành án và Tổng thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo sơ bộ về kết quả công tác phòng chống tham nhũng 2015.

Những năm qua công tác chống tham nhũng chưa đạt được kỳ vọng của nhân dân. ảnh minh họa, dân trí.
Những năm qua công tác chống tham nhũng chưa đạt được kỳ vọng của nhân dân. ảnh minh họa, dân trí.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII; Cho ý kiến về dự án Luật dược (sửa đổi); Cho ý kiến về dự án Luật quy hoạch; Cho ý kiến về dự án Luật báo chí (sửa đổi); Luật về hội.

Cho ý kiến về dự án Luật ban hành quyết định hành chính; Cho ý kiến về dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi); Cho ý kiến về dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, nhân viên quốc phòng; Nghe Đoàn giám sát báo cáo; Chính phủ báo cáo (bổ sung) về kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO);

Cho ý kiến về dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm; Cho ý kiến về dự án Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp; Cho ý kiến về báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Cho ý kiến về việc ban hành Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế.

Cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2016; Nghe Đoàn giám sát báo cáo; Chính phủ báo cáo (bổ sung) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014; Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.

Một nội dung khác cũng rất quan trọng đó là nghe Đoàn giám sát báo cáo; Chính phủ báo cáo (bổ sung) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược (trọng tâm là các địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ).

Ngọc Quang