Báo Đài Loan: Giá dầu giảm là do Mỹ, EU, A Rập âm mưu giật dây

13/01/2015 14:36
Bình Nguyên
(GDVN) - Wantchinatimes cho rằng các quốc gia phương Tây, Mỹ cùng đồng minh A Rập Xê Út âm mưu thao túng, giật dây - hạ giá dầu xuống mức cực thấp.

Trang Wantchinatimes ở Đài Loan, tờ báo có chủ trương, khẩu hiệu đưa tin là “biết Trung Quốc thông qua Đài Loan” ngày 12/1/2015 vừa qua có đăng tải một bài phân tích, nhận tình về tình cảnh của nền kinh tế Nga hiện nay đồng thời chỉ ra những gì mà Trung Quốc và đảo Đài Loan có thể sẽ phải đối mặt trong  bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt, đặc biệt là khi chính quyền Mỹ đang xây dựng một hệ thống kinh tế toàn cầu mới có khả năng làm lu mờ hệ thống Tổ chức thương mại thế giới WTO, trong đó nhấn mạnh sự kết nối đặc biệt giữa hai bờ lục địa Á, Mỹ - Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương/TPP.

Theo bình luận của báo Đài Loan, hiện nay, Nga tiếp tục phải hứng chịu hậu quả của việc giá dầu thế giới giảm cộng với các đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ và các nước châu Âu liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Đông Ucraine.

Nền kinh tế của Nga đã, đang phải đối mặt với thảm cảnh nghiêm trọng từ nửa cuối năm 2014 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Những hậu quả nghiêm trọng nhất đối với Nga hiện nay đó là tỷ giá đồng ruble đã tụt đến 45% so với giá trị đồng USD,  trong khi đó tỷ lệ lạm phạm đã chạm mốc 9,4 % kéo theo GDP tụt giảm lần đầu tiên trong vòng 5 năm trở lại đây.

Tổng thống Vladimir Putin, người vốn được xem là một trong những người đàn ông mạnh mẽ, quyền lực nhất nước Nga cũng đã buộc phải chấp nhận thực tế, đồng thời nhà lãnh đạo cao nhất của Xứ Bạch Dương cũng đã thừa nhận rằng phải mất ít nhất 2 năm nữa nền kinh tế do Moscow điều hành mới có khả năng phục hồi.

Theo bình luận của Wantchinatimes, hiện có hai lý do chính được nhiều học giả, chuyên gia nhắc đến để giải thích cho sự sụp đổ của nền kinh tế Nga. Đầu tiên, chắc chắn nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng tiêu cực, nghiêm trọng từ sự kiện giá dầu thô thế giới liên tục giảm mạnh (Đến ngày 13/1/2015 hôm nay theo truyền thông quốc tế giá dầu đã tiếp tục giảm đến mức dưới 50 USD/1 thùng).

Thứ hai, cũng liên quan đến việc giá dầu giảm, Wantchinatimes cho rằng các quốc gia phương Tây, Mỹ cùng đồng minh A Rập Xê Út âm mưu thao túng, giật dây - hạ giá dầu xuống mức cực thấp để làm nền kinh tế của Nga suy yếu bởi nền kinh tế do Moscow điều hành vốn lệ thuộc phần lớn vào hoạt động khai thác, xuất khẩu dầu mở, đặc biệt, thị trường chính của Nga lại là các nước EU.

Theo bài bình luận ký tên bút danh là Ban Biên Tập của báo Đài Loan, Nga đã phải gánh hậu quả thất bại trong cuộc chơi hội nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu cũng như hệ quả của việc không cân bằng được những rủi ro khi đưa mình tham gia vào cuộc khủng hoảng địa chính trị ở Ucraine.

Liên quan đến sự kiện nền kinh tế Nga bị lâm vào tình trạng khó khăn, trang Wantchinatimes cho rằng các vấn đề mà Nga đang gặp phải không tác động nhiều đến nền kinh tế của Trung Quốc và đảo Đài Loan.

Tuy nhiên, bài báo này cho rằng, nhìn vào thực tế hiện trạng nền kinh tế của nước Nga hiện nay, cũng sẽ rút ra được nhiều vấn đề mà Trung Quốc, thậm chí ngay cả Đài Loan có thể sẽ gặp phải trong bối cảnh cạnh tranh môi trường quốc tế ngày càng khốc liệt.

Điểm yếu của nền kinh tế Trung Quốc và Đài Loan hiện nay cũng tương tự như của Nga chỉ có điều vấn đề gặp phải không hoàn toàn giống như Moscow gặp phải.

Cả Trung Quốc và Đài Loan đều có thể hứng chịu những rủi ro lớn bởi kinh tế của TQ và Đài Loan cũng chủ yếu dựa vào công nghiệp đơn lẻ.

Với Trung Quốc, nền kinh tế của nước này chủ yếu dựa trên của cải và đầu tư bất động sản. Năm 2013, các khoản đầu tư từ bất động sản chiếm đến 20% tổng đầu tư tài sản cố định của nền kinh tế. Cũng trong năm đó, khi hiện tượng bong bóng bất động sản ở Nhật Bản vỡ hàng loạt thì tổng tài sản đầu tư trong lĩnh vực này của Nhật Bản chỉ chiếm 9% tổng GDP.

Năm 2014, thị trường bất động sản Trung Quốc chứng kiến hiện tượng suy thoái không kiểm soát buộc nhà chức trách nước này phải can thiệp nhằm hâm nóng lại sức mua đang giảm mạnh. Theo dự báo của các chuyên gia, cho đến bây giờ, thị trường bất động sản của TQ cũng chưa thấy có dấu hiệu khởi sắc và nhiều bằng chứng cho thấy nó sẽ khó phục hồi trong tương lai gần.

Tương tự, nền kinh tế của đảo Đài Loan cũng là nền kinh tế dựa trên cơ cấu công nghiệp đơn lẻ. Sức khỏe của nền kinh tế Đài Loan chủ yếu dựa vào ngành công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, viễn thông – ngành nghề phụ thuộc rất lớn vào vấn đề bản quyền quốc tế, làm chủ công nghệ chủ chốt của nước ngoài…

Đối với các doanh nghiệp ở Đài Loan, hậu quả là thu lợi nhuận thấp là xu hướng có thể trông thấy. Chỉ phụ thuộc vào ngành công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin hoàn toàn có thể sẽ phải gánh lấy rủi ro một khi tình hình thị trường thay đổi, khó lường.

Lợi thế của Đài Loan là phát triển các mô hình dịch vụ nhỏ nhưng chất lượng thông qua việc nhấn mạnh khả năng xuất khẩu cũng như thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Về phần mình, Trung Quốc cũng đã nhận ra rằng nước này cần sử dụng mạng lưới kinh tế để tái cấu trúc lại các ngành công nghiệp truyền thống để tạo ra các cơ hội đầu tư, việc làm mới. Tuy nhiên, để làm được điều này, Trung Quốc cần phải cởi bỏ các rào cản về luật pháp, cơ chế - một trong những biện pháp rất khó đối với cơ chế chính trị của TQ hiện nay mới hy vọng có thể tạo thêm được không gian phát triển.

Một vấn đề nữa được Wantchinatimes rút ra từ sự kiện nền kinh tế Nga suy yếu đó chính là vấn đề toàn cầu hóa. Nền kinh tế năng lượng của Nga trước đây không mong muốn gia nhập hệ thống thương mại quốc tế nhưng cuối cùng đã gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế/WTO vào cuối năm 2012.

Mặc dù kể cả sau khi đã gia nhập WTO thì Nga vẫn công cân bằng được các nguy cơ, rủi ro chiến lược của mình. Nga vốn quá lệ thuộc vào việc xuất khẩu năng lượng cho thị trường châu Âu mà gần như không chú ý đến tiềm năng từ thị trường châu Á.

Chỉ một vài năm trở lại đây, Nga thực sự mới ngó đến thị trường tiêu thụ năng lượng ở Đông Á. Chính vì vậy nên khi bị Mỹ và các đồng minh áp đặt trừng phạt kinh tế thì Moscow mới miễn cưỡng, khó khăn tìm kiếm nơi tiêu thị khí đốt sản xuất được.

Với TQ, mặc dù là một nền kinh tế được xếp hạng lớn thứ hai chỉ sau Hoa Kỳ nhưng Bắc Kinh đã và sẽ luôn phải đối mặt với khả năng cạnh tranh trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là xuất phát từ phía Mỹ - nước từ trước đến nay luôn là người dẫn đầu, có quyền lực để thiết lập các quy tắc thương mại quốc tế.

Sau khi tầm quan trọng của Tổ chức thương mại thế giới đang suy giảm dần thì Hoa Kỳ đang xây dựng một hệ thống thương mại mới mang tên hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng lần này Hoa Kỳ đã điều chỉnh thái độ có vẻ nhập nhằng hơn trước khả năng liên quan của TQ.

Theo bình luận của Wantchinatimes, tình cảnh của Nga khiến cho Trung Quốc cảnh giác nhưng mặc dù biết lợi ích của Trung Quốc xung đột với Mỹ nhưng có lẽ Bắc Kinh nhận ra rằng cách tốt nhất trong quan hệ với Mỹ là cạnh tranh nhưng không xung đột để thu được những lợi ích theo toan tính của chính mình.

Bình Nguyên