Báo Hàn Quốc bàn về khả năng Trung Quốc sử dụng tàu hộ vệ ở biển Đông

08/07/2012 06:01
Đông Bình (nguồn báo Phương Đông, Trung Quốc)
(GDVN) - Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội nâng cấp tàu hộ vệ lớp Lupo cho Venezuela để phát triển tàu hộ vệ mới phục vụ cho xung đột biển Đông.
Trung Quốc phát triển tàu hộ vệ hạng nhẹ 056 có khả năng săn ngầm và triển khai ở biển Đông. Trung Quốc đã hạ thủy 2 chiếc tàu hộ vệ loại này.
Trung Quốc phát triển tàu hộ vệ hạng nhẹ 056 có khả năng săn ngầm và triển khai ở biển Đông. Trung Quốc đã hạ thủy 2 chiếc tàu hộ vệ loại này.

Tờ “Phương Đông” Trung Quốc dẫn bài viết từ trang mạng quân sự Hàn Quốc “Diễn đàn Hải quân Cao Ly” phân tích về việc Trung Quốc có thể thay thế Nga nâng cấp tàu hộ vệ lớp Lupo cho Venezuela.

Bài viết cho rằng, mặc dù tàu hộ vệ lớp Lupo của Venezuela là tàu cũ mua của Italia từ giữa thập niên 1970, nhưng tư tưởng “tàu hộ vệ trọng pháo” này có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay.

Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội nâng cấp loại tàu chiến này để có được công nghệ cần thiết, nghiên cứu phát triển ra tàu hộ vệ “trọng pháo” của họ, giành ưu thế trong chiến tranh có thể xảy ra với các nước Đông Nam Á trên biển Đông.

Trong khi đó, việc tính toán sáng suốt như thế nào về vai trò tăng giảm của hạm pháo và tên lửa trong tác chiến biển Đông sẽ trở thành tiêu chuẩn quan trọng đo lường công nghiệp quân sự Trung Quốc có phát triển sáng suốt hay không.

Mượn cơ hội nâng cấp tàu cho Venezuela để phát triển tàu hộ vệ “trọng pháo”

Ngày 3/7, trang mạng Trung tâm Phân tích Mậu dịch Vũ khí Thế giới của Nga tiết lộ, Venezuela đang tiếp xúc với Trung Quốc, hy vọng Trung Quốc thay thế Nga nâng cấp cho họ 6 tàu hộ vệ lớp Lupo mua của Italia.

Thương vụ này một khi được thực hiện không chỉ báo hiệu Trung Quốc sẽ lần đầu tiên mở ra thị trường bán tàu chiến ở Nam Mỹ, điều quan trọng hơn là, về công nghệ, Trung Quốc lần đầu tiên đã tiếp cận được phong cách phát triển của một loại tàu hộ vệ hoàn toàn mới, đó là “tàu hộ vệ trọng pháo” của châu Âu thịnh hành vào thập niên 70, 80 của thế kỷ trước.

Tàu hộ vệ lớp Lupo kiểu cũ, do Italia chế tạo.
Tàu hộ vệ lớp Lupo kiểu cũ, do Italia chế tạo.

Đại diện loại tàu này không chỉ là tàu hộ vệ lớp Meko nổi tiếng do Đức chế tạo, mà còn là tàu hộ vệ lớp Lupo kinh điển của Italia.

Như vậy, bằng việc tiến hành nâng cấp tàu hộ vệ lớp Lupo cho Venezuela, có thể sẽ rất có lợi cho Trung Quốc nghiên cứu phát triển loại tàu chiến tương tự.

Mọi người đều biết, sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, là một trong những khu vực bị tàn phá nghiêm trọng nhất, các nước châu Âu không chỉ đã trải qua một quá trình khôi phục lâu dài về phương diện kinh tế, mà trên phương diện hải quân, việc chế tạo tàu chiến chủ lực cũng chỉ có thể tập trung vào tàu khu trục/hộ vệ cỡ vừa và nhỏ.

Nhưng xuất phát từ nhu cầu phòng thủ đối với Hải quân mạnh của Liên Xô cũ, các nước châu Âu buộc phải nghiên cứu phát triển “tàu hộ vệ trọng pháo” có khả năng hỏa lực mạnh, trên cơ sở bảo đảm sự cân bằng về tính năng tổng thể, chính tàu hộ vệ lớp Lupo đã xuất hiện trong môi trường đó.

Vũ khí mang tính đại diện nhất chính là 1 khẩu pháo 127 mm Oto và 8 quả tên lửa chống hạm Otomat trang bị trên thân tàu chưa đến 3.000 tấn. Những trang bị hỏa lực này cũng tương đối mạnh so với các tàu hộ vệ của Trung Quốc và Liên Xô vốn nhất quán coi trọng sức mạnh tấn công.

Xét theo đó, Trung Quốc hoàn toàn có thể áp dụng tư tưởng thiết kế tương tự cho tàu kế tiếp của tàu hộ vệ 056, phát triển “tàu hộ vệ trọng pháo”. Mà loại tàu chiến này có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết vấn đề biển Đông.

Tàu hộ vệ lớp Lupo cũ kỹ của Venezuela.
Tàu hộ vệ lớp Lupo cũ kỹ của Venezuela.

Lúc mới ra đời, tàu hộ vệ 056 đã gây nghi ngờ, đó là tàu hộ vệ này mặc dù trang bị rất nhiều công nghệ tiên tiến, nhưng về vũ khí trang bị, so với tàu chiến có cùng trọng tải của các nước Đông Nam Á hoàn toàn không chiếm ưu thế.

Tuy vậy, nó vẫn chiếm ưu thế trong đối đầu trên biển tương lai. Bởi vì, các nước Đông Nam Á thiếu hệ thống tác chiến hoàn bị như Trung Quốc, trong tình hình thiếu sự bảo đảm hiệu quả của các công nghệ khác, tàu chiến công nghệ cao khó phát huy được hiệu quả cần thiết, đặc biệt là khả năng do thám và tấn công tầm xa.

Vì vậy, trong tương lai gần, đối đầu giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trên biển Đông vẫn sẽ dừng lại ở đối đầu cự ly gần trong tầm nhìn, mà trong môi trường này, Trung Quốc phải lựa chọn phát triển tàu khu trục “không chính thống”, trong khi “tàu hộ vệ trọng pháo” thực sự là trang bị quan trọng có thể giúp Trung Quốc giành ưu thế trong xung đột biển Đông hiện nay.

Bài báo lấy tàu hộ vệ lớp Gepard do Nga chế tạo (Việt Nam đã trang bị 2 tàu hộ vệ là Lý Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng) làm ví dụ, mặc dù tàu này được trang bị tên lửa chống hạm dưới tốc độ âm thanh có tầm phóng hơn 120 km là SS-N-25 Switchblade, sau này có thể thay thế trang bị tên lửa chống hạm siêu âm có tầm phóng trên 300 km là SS-N-26 Yakhont, nhưng điều đáng chú ý là, loại tàu chiến này hoàn toàn không có khả năng tiến hành dẫn đường toàn bộ hành trình cho tên lửa và tiến hành dò có hiệu quả đối với mục tiêu trong tầm phóng của tên lửa.

"Tàu hộ vệ trọng pháo" Lupo do Italia chế tạo.
"Tàu hộ vệ trọng pháo" Lupo do Italia chế tạo.

Vì vậy, vai trò của những tên lửa này trong thời chiến rất có thể chỉ phóng mù quáng về hướng cơ bản của kẻ thù, khả năng răn đe có hạn. Một khi tàu chiến của hai bên đi vào tầm nhìn, ưu thế về tầm phóng, tốc độ và uy lực của tên lửa chống hạm sẽ không thể phát huy, khi đó hạm pháo truyền thống sẽ trở thành trang bị có hiệu quả nhất - báo Phươn Đông, TQ bình luận..

Báo chí Trung Quốc cho hay, do bị ảnh hưởng bởi xu thế phát triển tàu hộ vệ cơ bản của thế giới, tàu hộ vệ trang bị ở khu vực Đông Nam Á đều chỉ trang bị 1 hạm pháo 76 mm có thể tấn công các mục tiêu mặt nước. Lúc đó, nếu Trung Quốc trang bị “tàu hộ vệ trọng pháo” có hạm pháo 127 mm tương tự như tàu hộ vệ lớp Lupo, thì chắc chắn sẽ chiếm ưu thế rõ rệt trong đối đầu trên biển có thể xảy ra với các nước Đông Nam Á.

Là nước có khả năng tự nghiên cứu phát triển, sản xuất vũ khí trang bị hoàn chỉnh, Trung Quốc chắc chắn muốn tự vạch ra phương hướng phát triển vũ khí trang bị chủ lực trong đó có tàu chiến. Như vậy, trong tình hình biển Đông hiện nay, “tàu hộ vệ trọng pháo” có trở thành trọng điểm phát triển của Trung Quốc trong thời gian tới hay không? Báo Trung Quốc nói rằng: Câu trả lời là phủ định một phần, bởi vì trước khi giải quyết vấn đề này, phải nhắc lại 2 nguyên tắc quan trọng, đó là:

(1) “Tàu hộ vệ trọng pháo” quá nhiều chức năng, không phù hợp với xu thế phát triển tàu khu trục/hộ vệ cơ bản của thế giới.

(2) Cuộc khủng hoảng ở biển Đông là một phần trong trò chơi quyền lực nước lớn, hoàn toàn không căng thẳng kéo dài như thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tàu hộ vệ lớp Lupo kiểu cũ.
Tàu hộ vệ lớp Lupo kiểu cũ.

Trên cơ sở đó, “tàu hộ vệ trọng pháo” thực sự cần phát triển, nhưng nếu tiến hành chế tạo quy mô lớn như tàu hộ vệ 054A, trong ngắn hạn, Trung Quốc có thể có được lợi khí trên biển ngăn chặn có hiệu quả đối với các nước Đông Nam Á, nhưng nếu cuộc khủng hoảng ở biển Đông lập tức dịu lại khi Trung Quốc giành chiến thắng trong cuộc đấu đá quyền lực quốc tế, thì ý nghĩa thực tế của lô tàu chiến có chức năng quá mạnh này sẽ mất giá mạnh, gây ra lãng phí nghiêm trọng.

Để tránh xảy ra tình trạng này, công nghiệp quân sự Trung Quốc cần để cho “tàu hộ vệ trọng pháo” hỗ trợ hết khả năng cho sự phát triển của các tàu chiến khác.

Trên “tàu hộ vệ trọng pháo”, hai vũ khí công nghệ đã đóng vai trò trụ cột, đó là hạm pháo cỡ lớn và tên lửa chống hạm mini. Việc nghiên cứu phát triển hạm pháo cỡ lớn là thách thức tương đối lớn với Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc không chỉ chưa từng nghiên cứu phát triển hạm pháo cỡ lớn tự động hóa cao, mà còn chưa có kinh nghiệm trang bị loại hạm pháo này cho tàu chiến hạng nhẹ.

Nhưng một khi Trung Quốc tiến hành thu nhỏ hạm pháo 127-130 mm và trang bị cho tàu chiến, tàu khu trục/hộ vệ cỡ lớn của Trung Quốc sẽ trang bị loại hạm pháo này có điều kiện, từ đó bổ sung rất lớn cho tình trạng quá yếu của trang bị hỗ trợ tàu nổi cỡ lớn của Trung Quốc hiện nay.

Tàu hộ vệ lớp Lupo.
Tàu hộ vệ lớp Lupo.

Còn công nghệ tên lửa chống hạm mini càng quan trọng. Hiện nay, tàu chiến mặt nước cỡ lớn trên thế giới đều dùng phương thức ống phóng để dự trữ và phóng tên lửa chống hạm, chỉ có tàu hộ vệ lớp Talwar Nga chế tạo cho Ấn Độ và tàu hộ vệ lớp Shivalik do Ấn Độ tự sản xuất đã trang bị tên lửa chống hạm phóng thẳng.

Nhưng dù là phương thức nào, ở mức độ rất lớn, tên lửa chống hạm đều tách rời hệ thống tác chiến chỉnh thể của tàu chiến cao cấp, biện pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề này chính là đưa tên lửa chống hạm tích hợp vào hệ thống phóng thẳng. Để thực hiện mục tiêu này, bước thứ nhất cần làm là thu nhỏ tên lửa chống hạm.

Do thân tàu của “tàu hộ vệ trọng pháo” hạn chế, tên lửa chống hạm chắc chắn phải được thu nhỏ. Do đó, “tàu hộ vệ trọng pháo” có thể đóng vai trò thúc đẩy quan trọng đối với sự phát triển của tàu chiến chủ lực, nhưng tiền đề của tất cả là khả năng phát triển hệ thống, sự sáng suốt quy hoạch tổng thể của công nghiệp quân sự Trung Quốc.

Tàu hộ vệ lớp Lupo của Hải quân Venezuela.
Tàu hộ vệ lớp Lupo của Hải quân Venezuela.
Đông Bình (nguồn báo Phương Đông, Trung Quốc)