Báo Mỹ: Không gian đàm phán Trung-Nhật ít, nguy cơ chiến tranh rất cao

22/01/2013 08:29
Việt Dũng
(GDVN) - Báo Mỹ nhận định như vậy bằng một loạt căn cứ, đồng thời chỉ ra, khả năng xung đột quân sự Trung-Nhật sẽ tăng cao.
Máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản.
Máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản.

Trang mạng tin tức thương mại Mỹ vừa có bài viết cho rằng, tình hình căng thẳng giữa Trung-Nhật trong vấn đề đảo Senkaku đang trầm trọng hơn.

Gần đây, mọi động thái của ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ tiếp tục làm giảm khả năng thông qua con đường ngoại giao để giải quyết tranh chấp.

Thứ nhất, Trung Quốc đưa ra bản đồ mới. Sau lễ tạ ơn chưa đến một tuần, Trung Quốc đã công bố hộ chiếu mới có in hình “đường lưỡi bò” (biển Đông), bang Arunachal của Ấn Độ… vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của các nước láng giềng, bị nhiều nước phản đối mạnh mẽ.

Hiện nay, có tin cho biết, trong bản đồ quốc gia phiên bản năm 2013 của Cục thông tin địa lý đo vẽ bản đồ quốc gia Trung Quốc còn cố tình “nhét” vào 130 hòn đảo tranh chấp. Bản đồ mới sẽ công bố vào cuối tháng 1/2013.

Được biết, Trung Quốc có ý đồ thông qua công bố bản đồ mới này để hy vọng tăng cường ý thức lãnh thổ quốc gia cho người dân của họ (về những vùng đất, vùng biển mà họ muốn bành trướng), gây ra thái độ chống Nhật trong nhân dân Trung Quốc.

Máy bay chiến đấu J-10 của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-10 của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc

Thứ hai, Bộ Tổng Tham mưu Trung Quốc công bố “Chỉ thị huấn luyện quân sự toàn quân năm 2013”. Được biết, chỉ thị mới yêu cầu Quân đội Trung Quốc “bám sát mục tiêu có khả năng tác chiến, đánh thắng, lấy nhiệm vụ chuẩn bị đấu tranh quân sự để định hướng, ra sức tăng cường huấn luyện quân sự chiến đấu thực tế, làm tốt công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, nâng cao khả năng tác chiến, đánh giá hiệu quả huấn luyện dựa theo yêu cầu chiến đấu thực tế”.

Tuyên bố cứng rắn này có sự khác biệt rõ rệt so với các chỉ thị huấn luyện quân sự những năm trước. Chỉ thị những năm trước nghiêng về yêu cầu phối hợp giữa các cơ quan, bộ phận của Quân đội Trung Quốc. Đặc biệt, việc sử dụng hai chữ “đánh trận/tác chiến” chưa từng xuất hiện trước đây.

Đối với vấn đề này, hãng Reuters cho rằng, quan chức cấp cao của Quân đội Trung Quốc sử dụng ngôn từ ngày càng cứng rắn.

Thứ ba, Mỹ lựa chọn “đứng ngoài” giữa hai nước Trung Quốc và Nhật Bản. Ngày 17/1, các quan chức quốc phòng và ngoại giao Nhật Bản và Mỹ đã tổ chức hội nghị đánh giá, điều chỉnh “Phương châm quốc phòng của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật”, đây là lần đầu tiên trong 15 năm qua hai bên kiểm điểm, chỉnh sửa phương châm này. Sau đó 1 ngày, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kín đáo cảnh báo Trung Quốc không nên gây hấn với Nhật Bản về đảo Senkaku.

Ngày 18/1/2013, khi gặp gỡ Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố: Đảo Senkaku thuộc về Nhật Bản, nên thích hợp với Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật.
Ngày 18/1/2013, khi gặp gỡ Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố: Đảo Senkaku thuộc về Nhật Bản, nên thích hợp với Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật.

Ngày 18/1, khi gặp gỡ Ngoại trưởng Nhật Bản, bà Hillary Clinton cho biết, Mỹ cho rằng, hòn đảo Senkaku thuộc về Nhật Bản, vì vậy đảo Senkaku thích hợp với Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật.

Theo truyền thông Trung Quốc, tuyên bố của bà Hillary Clinton đã thực sự từ bỏ thái độ trung lập của Mỹ tại khu vực này. Đáp lại, sau tuyên bố của bà Clinton vài giờ, tàu Trung Quốc lại xâm phạm vùng biển đảo Senkaku. Ba tàu hải giám Trung Quốc đã đến vùng biển này “tuần tra” 5 giờ rồi rút đi.

Tất cả những điều đó là những “điềm báo chẳng lành”, theo tạp chí “The Economist” Anh thì hai nước Trung Quốc và Nhật Bản hầu như đang đi “một con đường không thể đảo ngược”, “Trung Quốc và Nhật Bản đang rơi vào một cuộc chiến tranh”.

Thứ tư, Trung Quốc yêu cầu xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài. Tờ “The Japan Times” cho rằng, căn cứ ở nước ngoài của Trung Quốc không chỉ sử dụng để tiếp tế và bảo vệ tuyến đường thương mại.

Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc cũng cho rằng, Hải quân Trung Quốc muốn xây dựng 18 căn cứ hải quân ở nước ngoài. Tuy đây chỉ là một tuyên bố phi chính thức, nhưng xét thấy tình hình biến đổi bất thường hiện nay của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sự suy đoán này đáng được quan tâm.

Cuối cùng, bài báo chỉ ra, “chủ nghĩa dân tộc” của người dân hai nước Trung Quốc và Nhật Bản đã tạo ra không gian đàm phán rất nhỏ cho các nhà lãnh đạo hai nước. Không đàm phán, khả năng xung đột giữa hai nước trong tương lai sẽ tiếp tục tăng cao.

Trung Quốc ngày càng mạnh về kinh tế và quân sự, nên ngày càng gia tăng đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ ở xung quanh, có tranh chấp lãnh thổ với hầu hết các nước láng giềng.
Trung Quốc ngày càng mạnh về kinh tế và quân sự, nên ngày càng gia tăng đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ ở xung quanh, có tranh chấp lãnh thổ với hầu hết các nước láng giềng.

Việt Dũng