Báo Trung Quốc bàn cách đối phó chiến lược phong toả từ biển của Mỹ

17/03/2013 09:36
Đông Bình
(GDVN) - Chiến lược này sẽ gây tổn thất kinh tế to lớn đối với TQ thông qua ngăn chặn hoạt động của tàu chiến và tàu thương mại, ví dụ phong tỏa eo biển Malacca.
Biên đội hộ tống Trung Quốc làm nhiệm vụ ở vịnh Aden
Biên đội hộ tống Trung Quốc làm nhiệm vụ ở vịnh Aden

Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” vừa có bài viết cho rằng, các cơ quan nghiên cứu và Quân đội Mỹ coi Trung Quốc là đối tượng, luôn tìm cách nghiên cứu cách thức Quân đội Trung Quốc có thể đánh bại Quân đội Mỹ, từ đó đưa ra các biện pháp ứng phó.

Theo tư duy đó, để ngăn chặn chiến lược “chống can dự/ngăn chặn khu vực” của Trung Quốc, Mỹ đã đề ra tư tưởng chiến tranh mới – “Tác chiến hợp nhất trên biển-trên không”. Sau khi thâm hụt tài chính đe dọa đến cải cách mô hình tác chiến tiêu tốn nhiều tiền của này, các học giả Mỹ đã đưa ra cách thức đáp trả mới là “phong tỏa trên biển đối với Trung Quốc”.

Ngày 13/3, Mideculver, nhà nghiên cứu cấp cao thỉnh giảng Viện Brookings, Mỹ đã có bài viết “Mỹ phong tỏa trên biển đối với Trung Quốc?” trên trang mạng “Học giả Ngoại giao” Nhật Bản cho rằng, cách đây không lâu đã có rất nhiều tranh luận về khả năng Trung-Mỹ xảy ra xung đột ở châu Á.

Hiện nay, các nhà phân tích đã bắt đầu công khai viết các bài tựa như “Xung đột Trung-Mỹ nên tiến hành như thế nào”, điều này phát đi một tín hiệu rõ ràng là môi trường chiến lược của khu vực này đang thay đổi.

Mỹ cho rằng, những năm gần đây, Quân đội Trung Quốc được xây dựng theo tư tưởng chiến lược “chống can dự/ngăn chặn khu vực”, vì vậy Lầu Năm Góc đã đưa ra mô hình “tác chiến hợp nhất trên biển-trên không”.

Theo bài báo, các giới ở Mỹ đã thảo luận ngày càng nhiều về mô hình mới này, đồng thời bày tỏ nghi ngờ - sử dụng lực lượng thông thường tấn công các mục tiêu của Trung Quốc phải chăng sẽ làm cho xung đột tiếp tục mở rộng. Nhưng, hiện nay, ở Mỹ đã công khai thảo luận về một thủ đoạn khác, đó là phong tỏa Trung Quốc từ hướng biển.

Mỹ đề ra chiến lược "Tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" nhằm vào Trung Quốc
Mỹ đề ra chiến lược "Tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" nhằm vào Trung Quốc

Theo bài báo, trong một bài viết gần đây, học giả Mỹ Sean Mirski đề xuất, trong các cuộc xung đột và chiến tranh tương lai, chiến lược phong tỏa do Mỹ chủ đạo sẽ tạo ra tổn thất kinh tế to lớn đối với Trung Quốc.

Trước đây, trang mạng “Tin tức Quốc phòng” Mỹ cũng cho biết, Trường nghiên cứu sinh hải quân và Học viện chiến tranh hải quân Mỹ cùng đưa ra một “chiến lược không gian tác chiến ngăn chặn lẫn nhau” nhằm vào Trung Quốc, đây là một loại chiến lược chống can dự/ngăn chặn khu vực lẫn nhau.

Kế hoạch này dựa vào ưu thế trên đại dương của Hải quân Mỹ, đe dọa các hoạt động của tàu chiến Trung Quốc ở vùng biển xung quanh Trung Quốc, đồng thời ngăn chặn hoạt động của tàu thương mại Trung Quốc trên các đại dương. Nói cách khác, Mỹ sẽ hạn chế hoạt động tự do của tàu chiến và tàu thương mại Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp, thực ra chính là phong tỏa trên biển đối với Trung Quốc.

Mideculver cho rằng, điểm yếu lệ thuộc vào “huyết mạch” dầu mỏ trên biển của Trung Quốc đã tác động ảnh hưởng đến chính sách quốc phòng, năng lượng và đối ngoại của Bắc Kinh trong 10 năm qua. Vì vậy, bất kể Hải quân Mỹ có kế hoạch phong tỏa Trung Quốc ở eo biển Malacca và các “điểm ùn tắc” khác hay không, Trung Quốc đều giả định Mỹ sẽ làm như vậy và sẵn sàng cho điều đó.

Bài báo cho rằng, chỉ về lý thuyết, Mỹ có thể khiến cho Trung Quốc chịu tổn thất nặng nề trong một cuộc xung đột, dù sao dẫu không tính tới cán cân sức mạnh thông thường giữa Trung-Mỹ thì Mỹ cũng có ưu thế hạt nhân tuyệt đối.

Nhưng, “phân tích kỹ một chút, Trung Quốc có thể không phải lo ngại như vậy”. Vấn đề quan trọng là, hành động phong tỏa của Mỹ tạo ra bao nhiêu rủi ro, trả giá và thiệt hại cho Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước bị cuốn vào xung đột khác, và họ phải chăng sẵn sàng tham gia vào một cuộc xung đột trên biển ở châu Á.

Mỹ điều tàu tuần duyên đến chốt chặn ở eo biển Malacca
Mỹ điều tàu tuần duyên đến chốt chặn ở eo biển Malacca

Mideculver cho rằng, “Tác chiến hợp nhất trên biển-trên không” và “Tư tưởng tác chiến can dự liên hợp” đã từng thảo luận về rủi ro của cuộc xung đột Mỹ-Trung và thừa nhận nếu thực hiện chiến lược này, Mỹ phải gánh chịu tổn thất quân sự to lớn trong xung đột, điều này sẽ làm nảy sinh một vấn đề nan giải: Rốt cuộc bao nhiêu rủi ro sẽ là điều Mỹ không thể tiếp nhận? Tương tự, chủ ý phong tỏa Trung Quốc cũng là như vậy.

Mirski thừa nhận, bất cứ ý đồ nào muốn coi chặn “huyết mạch” kinh tế Trung Quốc là chiến lược đều sẽ rơi sâu vào “vũng bùn” chính trị toàn cầu, đồng thời buộc Mỹ và đối tác phải trả giá to lớn.

Các chuyên gia phương Tây cho rằng, Hải quân Mỹ có thể thực sự có khả năng phong tỏa các tuyến đường hàng hải đi tới Trung Quốc, nhưng đồng thời các tuyến đường trên đất liền vẫn thông suốt, trong khi đó Trung Quốc chắc chắn sẽ bị chọc tức, vì vậy phong tỏa trên biển hoàn toàn không phải là một chiến lược quân sự sáng suốt và hoàn hảo.

Mideculver cho rằng, chiến lược phong tỏa Trung Quốc của Mỹ cần có các đồng minh như Ấn Độ và Nhật Bản và có sự hợp tác của Nga trong việc từ chối cung cấp tuyến đường năng lượng khẩn cấp trên đất liền. Hơn nữa, Mỹ và đồng minh rốt cuộc có sẵn sàng gây thiệt hại rất lớn cho kinh tế toàn cầu và bản thân, lấy phong tỏa làm vũ khí chiến tranh hàng đầu để chiến thắng Trung Quốc hay không?

Theo bài báo, vấn đề của Mỹ là, nếu nói quan điểm sử dụng răn đe hạt nhân chống lại Trung Quốc là “không hợp lý”, thì “tác chiến hợp nhất trên biển-trên không” đối mặt với rủi ro to lớn và tính không xác định về chính trị, trong khi đó chiến lược phong tỏa dễ gây ra sức ép kinh tế và ngoại giao toàn cầu, như vậy chiến lược quân sự của Mỹ tại châu Á thực sự có thể dựa vào cái gì?


Đông Bình