Bất ngờ phát hiện một thành lũy cổ bằng đá

19/06/2011 00:27
Một đoạn thành lũy cổ bằng đá vừa được các nhà khảo cổ học phát hiện trên địa bàn xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Một đoạn thành lũy cổ bằng đá vừa được các nhà khảo cổ học phát hiện trên địa bàn xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Thành lũy cổ được nhóm nghiên cứu phát hiện nằm ở đỉnh Đèo Bụt thuộc địa bàn xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh. Thành lũy nằm theo trục từ  tây sang đông với chiều dài hơn 1km và được gép bằng những phiến đá liếp kích thước to nhỏ không đều nhau. Phía nam, mặt đứng thành lũy tạo theo phương thẳng đứng (độ cao bình quân 3,5m - 4 m), phía bắc chân thành lũy được mở rộng ra, cách nhau 5m lại được tạo một ô hình vuông (70cm x 70cm) xuyên từ mặt bắc sang mặt nam của thành và cứ 20 m có ghép lớp đá theo kiểu tam cấp để lên mặt lũy. Mặt trên thành lũy khá bằng phẳng, nơi rộng nhất là 2m, nơi hẹp nhất từ 1,2m  1,5m.
Thành lũy cổ vừa được phát hiện tại Hà Tĩnh
Thành lũy cổ vừa được phát hiện tại Hà Tĩnh
Khảo cứu ban đầu được biết, thành lũy cổ trên là một đoạn còn lại trong hệ thống lũy cổ Lâm Ấp (thời kỳ Đại Việt - Chăm Pa) kéo dài từ tây sang đông với độ dài khoảng trên 30 km do chúa Lâm Ấp là Phạm Văn  (345-375) khởi công xây dựng để bảo vệ biên giới. 
Lũy bắt đầu từ địa phận làng Ngưu Sơn tổng Hoằng Lễ (nay là xã Kỳ Nam, Kỳ phương)  kéo tận lên làng Xuân Quan, Xuân Sơn tổng Vọng Liêu (nay là xã Kỳ Lạc), chỗ được ghép bằng đá, chỗ đắp bằng đất và xây dựng dựa vào dãy Hoành Sơn. Đến giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh (đợt thứ 5 - 5/1655-5/1659)  thì hệ thống lũy này được chúa Trịnh Toàn củng cố thêm nên người dân còn gọi là lũy ông Ninh (Ninh Quận công - Trịnh Toàn). 
Theo ông Nguyến Tiến Thiệu cán bộ chuyên trách văn hóa xã Kỳ Lạc cho biết thêm, trước đây lũy đá này này được cây rừng bao phủ. Thời kỳ xây đập Kim Sơn (xã Kỳ Hoa) người dân trong vùng đã khai thác đá của thành lũy để kè bờ đập và trong quá trình xây dựng đường điện bắc - nam, một cột trụ của đường điện nằm sát điểm đầu vị trí Đèo Bụt nên một phần thành lũy bị phá vỡ. Những năm gần đây, việc phân lô khu vực trồng và bảo vệ rừng nên việc khai thác đá không còn tái diễn, thành lũy cổ này được người dân và chính quyền địa phương quan tâm bảo vệ.
Đây là một phát hiện khá lý thú chuyên ngành khảo cổ học nói riêng và giới nghiên cứu lịch sử nói chung trong việc khám phá, nghiên cứu về những dấu tích thành lũy cổ Việt Nam. Việc xác định cụ thể niên đại, kỹ thuật, vật liệu xây dựng và vai trò của thành lũy cổ trên trong các giai đoạn lịch sử đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam và Trung tâm Viễn Đông bác cổ triển khai chương trình nghiên cứu.
Theo Trường Vũ - Việt Anh/ANTĐ