Bí ẩn thung lũng trường thọ

19/06/2011 23:22
(GDVN) - Xứ Mường chưa bao giờ thôi mê đắm đối với những người trót mang trong mình thú phiêu lưu hồ hải.
(GDVN) - Xứ Mường chưa bao giờ thôi mê đắm đối với những người trót mang trong mình thú phiêu lưu hồ hải. Tôi đã có một buổi chiều say cùng Mường Chậm (Lũng Vân - Tân Lạc - Hòa Bình), để thấy rằng ở đây cái gì cũng… chậm.
Không biết điều đó là thật hay tại buổi chiều se sắt gió như hôm nay, trên nóc nhà của xứ Mường này tôi bỗng nhiên có cảm nhận ấy. Hoặc cũng có thể, lạc bước vào thung lũng mây trắng một lần, trầm mình giữa bao lớp lang huyền thoại về đệ nhất Mường từ những ngày còn bời lời bạc lạc nên lắng nghe rất rõ bước đi của thời gian. Và cũng biết đâu, được diện kiến và cúi mình trước những bậc cao nhân của cõi tu tiên, cảm giác về thời gian, không gian như ngắn, như gần lại. Mà cũng có thể là vì tất cả những lí do trên…
Hai mẹ con cụ Nhang và De đã 108 và 80 tuổi
Hai mẹ con cụ Nhang và De đã 108 và 80 tuổi
Chuyện cũ đất Mường
Người Mường tự xa xưa vẫn bảo: "Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động". Đó là sự đánh giá về bốn Mường nổi tiếng nhất của xứ Mường Hòa Bình. Nổi tiếng cả về văn hóa, kinh tế, sự phì nhiêu cũng như sự hà khắc của các quan lang thổ ti đất đó.
Tính về địa giới hành chính, Mường Chậm Lũng Vân chính là nóc nhà của đệ nhất Mường Bi. Nhớ buổi ban trưa, ngồi với chủ tịch UBND xã Lũng Vân Hà Đức Thọ, ông Thọ bảo cách đấy mấy năm, khi con đường vượt Dốc Mùn chưa làm, từ chợ Bờ Tân Lạc vào Mường Chậm, với điều kiện cái chân vẫn khỏe, cái đầu vẫn tỉnh táo để đi bộ thì mất hai ngày sẽ vào tới nơi.
Lũng Vân lúc ấy chỉ có mây trắng và núi đá ôm trùm giữa lút thút sương mù, cứ ngỡ đưa tay là chạm tới trời vậy.
Tôi đã may mắn khi có dịp ôn lại lịch sử xứ Mường ngay giữa đất Mường. Không phải bằng văn bản sử sách mà bằng giọng kể của một người già, sinh ra và lớn lên trên đất này, thuộc áng mo "đẻ đất đẻ nước" như gan như ruột mình, đó là trưởng bản Hượp Đinh Văn Nưng.
Chuyện kể rằng tự thuở hồng hoang, khi trời đất còn bời lời bạc lạc đã xảy ra một cơn đại hồng thủy chưa từng có. Nó bất thần đổ ập xuống trong một đêm mưa gió bão bùng. Nước chảy thành suối, thành sông. Đất lở bồi thành đồng bằng. Đá lăn chất đầy thành gò, thành đống, thành đồi, thành núi. Từ dưới đất mọc lên một cây si (tiếng Mường gọi là cây Pi).
Cây si lớn như thổi trở thành to lớn, cành lá che kín cả bầu trời. Cây si bị sâu đục ăn làm cho gãy cành rụng lá. Từ gốc cây si đẻ ra một đôi chim. Chim Ây là đực, Chim Ứa là cái. Đôi chim rủ nhau bay lên cành cây si làm tổ. Cành si gãy. Chim bay lên cây đa làm tổ. Cây đa đổ. Chim Ây và Ứa lại rủ nhau bay lên núi đá lấy cỏ làm thành tổ Hang Hao. Chim Ứa đẻ ra trăm ngàn quả trứng. Trứng chim nở ra thành muôn loài muôn vật. Còn lại một trăm cái trứng thì nở ra con người. Đó là người Mường và người Kinh.
Nhớ ơn cây si, người Mường đã đặt cho vùng đất này là Mường Pi. Về sau người ta gọi chệch ra thành Mường Bi. Đó cũng chính là vùng Mường Bi ngày nay - một Mường lớn và trù phú nhất trong 4 mường Bi - Vang - Thàng - Động của xứ Mường Hoà Bình.
Cũng theo ông Nưng, vùng đất ông đang ở ban đầu có tên Mường Chậm sạu đổi thành Lũng Vân. Cũng có thể tại nơi đây, địa thế như một thung lũng nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá quanh năm chỉ có sương mù và mây trắng nên lâu ngày thành quen, dân bản gọi bằng cái tên ấy.
Chuyện ấy đúng sai như nào ông không dám chắc nhưng sự tích Mường Chậm thì ông nhớ, nhớ như nhớ về nguồn gốc của tổ tiên mình, dẫu rằng, đó là một câu chuyện buồn và đầy nước nước mắt.
Ông Nưng bảo, trải qua nhiều năm nhiều tháng, nhiều sự thay đổi nên ở Lũng Vân bây giờ có nhiều dòng họ, thậm chí có cả người xứ khác đến sinh sống, lấy vợ làm nhà và nhiều dòng họ sống đan xen, nhưng gốc tích ở đây, phải là người mang họ Bùi. Bởi sự tích Mường Chậm gắn với một đôi vợ chồng mang họ Bùi.
Ông cũng bảo thêm: Là người Mường Hoà Bình, ai cũng biết Mường Chậm là xứ mường trẻ nhất, nằm ở địa thế sâu, xa nhất. Nó là kết quả cuộc trốn chạy của một nhà dân thường.
Thuở ấy, nhà lang xứ Mường Bống ở đất Lạc Sơn cho đắp một con đập dẫn nước về các thửa ruộng bậc thang lẩn khuất giữa các khe núi. Từ khi có con đập, lũ trẻ thường rủ nhau tắm và chui luồn trong cái cống dẫn nước bắc ngang qua chân núi.
Một nhà dân thuộc họ Bùi vô tình đan cái ngõ hàu (như chiếc đó dưới xuôi) chặn một đầu bên kia miệng cống. Mải nô đùa, luồn lách, 9 đứa trẻ bị giắt vào ngõ hàu và không may đều chết ngạt. Nhà lang phạt vạ, bắt nhà họ Bùi đan đủ 9 cái ngõ hàu, mỗi năm nộp lúa, ngô, vàng bạc… đầy 9 cái ngõ hàu để nộp vạ cho nhà Lang...
Không chịu được sự hà khắc, sau một mùa lên rẫy, trong một đêm tối trời, nhà họ Bùi đã gùi chín gùi lúa mới bồng bế nhau bỏ Mường, trốn khỏi nhà Lang.
Tác giả và cụ Đinh Thị Nhang năm nay đã 108 tuổi
Tác giả và cụ Đinh Thị Nhang năm nay đã 108 tuổi
Họ đi miết cho tới khi lạc vào một vùng hoang vu, cây cối rậm rạp. Nghe tiếng cuốc kêu, đoán vùng này có nước, họ mới dừng chân ở lại.... Mường Chậm được hình thành như thế. Cuộc sống bình yên trên vùng đất mới của dòng họ Bùi bắt đầu như vậy.
Một năm sau, người vợ của nhà họ Bùi đi xúc cá, được một quả trứng. Bỏ đi đâu bà cũng bắt đúng quả trứng ấy. Lấy làm lạ, bà mang về cho gà ấp, quả trứng nở ra một con rắn. Con rắn hiền lành chẳng bao giờ làm hại ai cả.. Lớn lên, con rắn bò về cái lằn nước nơi trước kia người vợ nhà họ Bùi vớt được quả trứng. Trước khi lặn xuống nước, rắn bảo: “Con trả ơn nuôi dưỡng của bố mẹ bằng cách mở rộng đất cho bố mẹ cấy cày”.
Một đêm mưa gió, sấm chớp đùng đùng, nước ngập cả Mường, kéo đổ cây, cuốn cả nhà... Đúng lúc ấy, con rắn hiện lên bảo với ông lão họ Bùi: “con sẽ đi dập dòng nước dữ cứu Mường nhưng lúc con đi, bố phải nhắm mắt đọc câu thần chú “con tôi làm được” và không được mở mắt nhìn. Nếu không con sẽ chết ngay!”. Nói rồi, con rắn lao vào dòng nước dữ trong đêm giông gió. Người cha nghe theo, nhắm mắt đọc câu thần chú.
Nhưng rồi cuối cùng vì sự tò mò, ông mở mắt ra và nhìn thấy một con giao long khổng lồ đang hút từng đụn nước vào bụng, vừa hút, vừa lấy thân mình khoét núi cho nước thoát đi...
Sau này, người cha vì quá buồn phiền, ân hận rồi sầu muộn mà qua đời. Trước khi mất ông có dặn lại với các con, đất xứ này cái tay chăm làm, cái chân siêng đi sẽ sống sung túc được. Ngoài ra, từ nay trở đi, rắn và chim cuốc là hai loài vật không bao giờ được ăn...
Lơ đãng thả một khói thuốc lào, ông Nựng hồi tưởng lại những câu chuyện mà người cha thân sinh ra mình, cụ Đinh Văn Ăm đã kể đến mức ông nhớ từng chi tiết nhỏ. Cụ Ăm có 45 tuổi Đảng, huân chương kháng chiến hạng 3 mất cách đây hai năm thọ 97 tuổi. Nhưng ở Lũng Vân, đó chưa phải là người được xếp vào thượng thọ. Người được cả chính quyền và nhân dân tôn là bậc đại thụ phải kể đến cụ bà Đinh Thị Hệu. Tuy rằng khi chúng tôi có mặt ở đây, cụ Hệu cũng đã về cõi hạc khi đã đển lại 113 năm ở cõi nhân gian.
Và thung lũng tuổi trời
Theo trưởng bản Hượp Đinh Văn Nưng, ở Lũng Vân nếu tính các bậc cao niên trên 80 tuổi thì ông… chịu. "Nhiều quá, cái đầu không nhớ hết được." Rồi ông lấy các ngón tay ra bấm, cũng mất vài lượt, tính sơ sơ đã trên 50 cụ được ông Nưng nhắc đến. "Còn muốn biết bí quyết sống lâu của các bố các mế, nhà báo phải đến tận nơi để hỏi thôi, ta không biết trả lời như nào cho đúng được".
Theo chân ông Nưng, chúng tôi tới thăm gia đình mế Đinh Thị Nhậng ở xóm Nghẹ. Nhà mế Nhậng ở tít trên một quả đồi. Ông Nưng bảo, những khi nắng ấm, vẫn thấy cụ nhẩn nha dạo chơi ngoài ngõ, thi thoảng, buồn chân tay cụ còn đi bộ xuống đường trò chuyện với bà con rồi lại leo ngược quả đồi lên nhà. Qua cái Tết Canh Dần này, mế Nhậng sẽ tròn 108 tuổi.
Khi chúng tôi đến, đúng hôm trời mưa phùn gió bấc, mế chẳng đi đâu mà ngồi quanh bếp lửa để sưởi ấm. Bằng cái giọng lơ lớ của người không có nhiều vốn tiếng Kinh, mế nhìn tôi cười bảo: "Rét không, có năm ở đây tuyết rơi trắng trời rồi đấy. Cái lu nước để ngoài sân đóng băng hết cả. Mọi người lại phải khiêng vào bỏ trên bếp cho tan băng ra."
Theo ông Nưng, nhiệt độ ở Lũng Vân rất khác với những vùng khác, thường là chênh lệch khoảng 5 - 7 độ. Mùa đông thì giá buốt, mùa hè thì rất nóng nên từ khi sinh ra ở đất này, con người đã phải chấp nhận và tự thích nghi với môi trường sống để tạo cho mình một sức khỏe cũng như sức đề kháng.
Đang mế Nhậng thì con gái Mế đi rừng về. Con gái mế Nhậng là… cụ Bùi Thị Đe. Sở dĩ chúng tôi phải mạo muội gọi "cụ" bởi năm nay cụ Đe cũng đã ngoài 80 tuổi, cũng đã là cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng cụ Đe vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Hay nói cho công bằng thì chưa hề thấy có một dấu hiệu tuổi già nào ở người phụ nữ Mường này.
Theo cụ Đe, bà con ở đây từ trước sống ở Lũng Vân hầu như biệt lập với bên ngoài. Cá bắt dưới suối, lúa lấy trên nương, tự sản tự tiêu và khái niệm "ô nhiễm môi trường" thì chưa bao giờ xuất hiện ở đây.
Cụ Đe cũng bảo, bí quyết trường thọ có được ở đây cũng một phần nữa là nhờ vào cây thuốc nam. Trước đây, khi chưa có sự giao lưu và khám phá của người vùng khác thì đây thực sự là một "khu vườn" của những cây thuốc nam quý.
Mấy năm trở lại đây, tiếng lành đồn xa, nhiều người đã đặt chân đến đất này để săn tìm các dược liệu quý cho Đông y, thậm chí có nhà văn hóa còn khẳng định rằng, Lũng Vân là nơi có nhiều cây thuốc quý nhất của tỉnh Hòa Bình. "Ăn uống thì cũng chẳng có gì đặc biệt đâu. Cụ tôi thời trẻ phải mấy tháng mới có được miếng thịt, chủ yếu chỉ ăn cá suối và rau rừng thôi. Có lúc hết gạo cũng phải ăn cả củ nâu củ sắn thay cơm đấy chứ. Nhưng người Mường Lũng Vân, sáng nào trước khi lên nương cũng ăn một bát xôi thật đầy, ăn xôi chắc cái bụng và khỏe đôi chân đôi tay lắm"- cụ Đe giải thích thêm với chúng tôi.
Cụ cũng nói thêm rằng ở đất này, 70 - 80 tuổi chưa phải là tuổi nghỉ ngơi, chính vì vậy mà hôm nay, biết chúng tôi đến chơi mà cụ không kịp về đón tiếp vì vướng vụ cấy trên nương.
Theo cụ Đe, lao động cũng giúp con người sống lâu sống khỏe và cứ chăm chỉ lao động đến khi nào cơ thể báo hiệu nên dừng lại thì dừng chứ không căn cứ vào tuổi tác.
Trưởng bản Đinh Văn Nưng thì bảo, vùng đất ông đang ở cũng chưa bao giờ có khái niệm nước máy, tất cả đều dùng vào nước tự nhiên. "Ở đây ba dòng suối, suối Hượp, suối Trong và suối Miêu tạo thành một hợp lưu dòng chảy, dân làng bao đời cứ đến đó múc nước về sinh hoạt. Ăn uống, pha trà, cất rượu đều lấy từ nguồn nước đó".
Cũng theo ông Nưng, ở Lũng Vân, trà uống hàng ngày các ông đều tự trồng tự sao, nước không đắng mà có vị ngọt, rất tốt cho gan, thận. Còn rượu thì không phải nói, ở cái vùng đất chưa đến 1000 hộ dân là Lũng Vân này nhưng thương hiệu rượu Hượp đã dành giải nhất trong cuộc thi rượu do tỉnh Hòa Bình tổ chức năm 2007. Và theo người đàn ông này, nếu uống rượu Hượp đều đặn và đủ liều lượng sẽ đem lại cho con người một sức khỏe dẻo dai và cường tráng.
Tạm kết
Tôi cũng không muốn làm phiền ông trưởng bản cứ đưa hết ngón tay này đến ngón tay khác để đếm tổng kết xem ở Lũng Vân này có khoảng bao nhiêu bậc cao niên (cứ tạm lấy thước đo) là trên 90 tuổi. Bởi ông không nhớ hết và cũng chưa bao giờ thống kê. Ông chỉ nhớ rằng cứ dịp cuối năm, cùng với các cán bộ của ủy ban xã Lũng Vân, các ông lại chia nhau tỏa về các bản để mang những tấm lụa mà Chủ tịch nước trao tặng cho các cụ sống lâu sống thọ. Những hôm ấy là những ngày mà bản làng đông vui như những ngày hội và có lẽ, đó là điều kỳ thú và phúc phận nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho mảnh đất nằm sát "cổng trời" này.
Nguyễn Văn Quân