Biển Đông khó lường và những hành động của Việt Nam

27/01/2015 06:47
TRẦN SƠN
(GDVN) - Sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 và việc Trung Quốc xây cất trái phép trên các đảo, đá ở Trường Sa, tình hình biển Đông đang diễn biến rất khó lường…

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã tăng cường ngoại giao quốc phòng trong tháng 12 năm 2014 và tháng 1 năm 2015, qua các chuyến viếng thăm hải quân, các cuộc đối thoại quốc phòng, và việc trao đổi các đoàn cấp cao – nhận định từ Tạp chí The Diplomat.

Hai tàu chiến của Hàn Quốc, tàu khu trục Choe Yeong (DDH 981) và tàu hậu cần Cheonji (AOE 57), đã đến thăm Thành phố Hồ Chí Minh trong bốn ngày, từ ngày 3 đến ngày 6/12.

Tàu khu trục tên lửa ROKS Choi Young tại cảng TP HCM. Điều đặc biệt là trên tàu này hiện có 1 học viên Việt Nam đang học tập và tham gia chương trình huấn luyện hải quân trên tàu. Chuẩn Đô đốc Jungsoo Chun mong muốn sẽ có thêm nhiều học viên Việt Nam học tập và huấn luyện tại Hàn Quốc trong thời gian tới. (Ảnh: QĐND)
Tàu khu trục tên lửa ROKS Choi Young tại cảng TP HCM. Điều đặc biệt là trên tàu này hiện có 1 học viên Việt Nam đang học tập và tham gia chương trình huấn luyện hải quân trên tàu. Chuẩn Đô đốc Jungsoo Chun mong muốn sẽ có thêm nhiều học viên Việt Nam học tập và huấn luyện tại Hàn Quốc trong thời gian tới. (Ảnh: QĐND)

Trong những ngày đầu năm 2015, Việt Nam đã đón hai đoàn đại biểu quân sự, một từ Indonesia và một từ Campuchia. Chuẩn Tướng Haryoko Sukarto, Giám đốc Trung tâm “Nghiên cứu chiến lược” của các lực lượng vũ trang Indonesia, đã có các cuộc thảo luận, làm việc với Viện Chiến lược Quân sự của Việt Nam. 

Tướng Sukarto cũng đã gặp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Tướng Nguyễn Chí Vịnh vào tháng 1. Tướng Vịnh đã yêu cầu hai bên đề ra một kế hoạch hành động cụ thể cho sự hợp tác trong tương lai, bao gồm đẩy mạnh việc trao đổi các đoàn đại biểu. Ông cũng đề nghị đối thoại quốc phòng song phương của hai nước được nâng cấp lên cấp thứ trưởng.

Ngay sau chuyến thăm của Sukarto, Việt Nam đã đón tướng Tea Banh, Bộ trưởng quốc phòng Campuchia, từ ngày 4 đến ngày 5/1. Tướng Banh đã gặp tướng Vịnh và Bộ trưởng Quốc phòng Đại tướng Phùng Quang Thanh. Hai bên đã đạt thỏa thuận về hợp tác trong tương lai về giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và chia sẻ thông tin, trao đổi nhân sự, và tư vấn cho nhau trong các diễn đàn đa phương. Cả hai bên đã đồng ý thiết lập một cơ chế đối thoại thường niên về chính sách quốc phòng ở mức thứ trưởng càng sớm càng tốt.

Ngày 08 tháng 1, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tổ chức các cuộc họp hợp tác quốc phòng hàng năm lần thứ ba với Nhóm Công tác Quốc phòng Bộ Quốc phòng của Vương quốc Anh. Đoàn Anh tuyên bố sẽ tăng chương trình Anh ngữ của mình cho nhân viên quân sự Việt Nam lên gấp ba lần, bắt đầu từ tháng 3/2015 và nhận hai sĩ quan cấp cao Việt Nam tham dự một khóa học đào tạo của Học viện Quốc phòng tại Shrivenham. Hai bên cũng tăng cường hợp tác trong ba lĩnh vực mới: trao đổi dữ liệu độ sâu, tương tác không gian địa lý, và an ninh mạng.

Hợp tác quốc phòng cũng đã gia tăng đáng kể trong mối quan hệ của Việt Nam với Nga, Ấn Độ và Hoa Kỳ.

Việt Nam-Nga

Ngày 04 tháng 12/2014, tại nhà máy đóng tàu Admiralty ở St Petersburg, các quan chức Nga và Việt Nam đã ký một thỏa thuận nghiệm thu kỹ thuật chính thức bàn giao tàu ngầm thứ ba trong sáu tàu của dự án 636, một dự án tàu ngầm tấn công tiên tiến lớp Kilo cho hải quân Việt Nam. Tàu ngầm mới, có tên HQ 183 Hải Phòng, hiện đang được vận chuyển đến vịnh Cam Ranh và dự kiến sẽ đến vào cuối tháng này.

Cờ tổ quốc tung bay trên Tàu HQ-183 Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: NLĐ)

Cờ tổ quốc tung bay trên Tàu HQ-183 Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: NLĐ)

Tàu ngầm lớp Kilo thứ tư, HQ 185 Đà Nẵng, hiện đang trải qua thử nghiệm trên biển, trong khi các tàu ngầm thứ năm, HQ 186 Khánh Hòa, đã được hạ thủy vào ngày 28/12. Việc đóng tàu ngầm thứ sáu, HQ 187 Bà Rịa-Vũng Tàu, bắt đầu vào cuối tháng 5 năm 2014 và dự kiến sẽ được giao trong năm 2016.

Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga nói với hãng thông tấn Interfax (Nga): "Mặc dù Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận về việc bán vũ khí và đạn dược cho Việt Nam vào tháng trước, Nga vẫn là đối tác ưu tiên của chúng tôi trong lĩnh vực này."

Việt Nam-Ấn Độ

Từ ngày 17 đến ngày 20/12/2014, Việt Nam đón đoàn Đại biểu quân sự cấp cao Ấn Độ thăm nước ta. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tham mưu trưởng Ấn Độ từ năm 2007, khi hai nước nâng quan hệ lên tầm đối tác chiến lược. Tướng Suhag và đối tác của mình, Tướng Nguyễn Quốc Khánh, đã xem xét lại các hoạt động hợp tác quốc phòng gần đây và nhất trí về một kế hoạch tương lai của hợp tác bao gồm trao đổi các đoàn, giáo dục và đào tạo, trao đổi thông tin và các hoạt động gìn giữ hòa bình.

Vào tháng 16/1/2015, Ấn Độ đã tổ chức Đối thoại quốc phòng với Việt Nam tại thủ đô New Delhi. Thứ trưởng Quốc phòng Shri RK Mathur đại diện Ấn Độ và Tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, đại diện phía Việt Nam.

Tướng Vịnh được các phương tiện truyền thông Ấn Độ trích lời, nói: "Vì tình hình an ninh khu vực đã có sự thay đổi mạnh mẽ, cho nên cần thiết có một sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước chúng ta. Chủ yếu là về quan hệ đối tác chiến lược."

Tướng Vịnh từ chối bình luận công khai về việc Ấn Độ có nên đóng một vai trò trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông hay không. Tuy nhiên, ông nói: "Các quốc gia cần phải được tôn trọng về vấn đề chủ quyền. Chúng tôi sẽ không rút lui về chủ quyền ... (mặc dù), chúng tôi tin rằng sự khác biệt phải được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế một cách hòa bình ... Cộng đồng quốc tế muốn thấy một Ấn Độ mới và mạnh mẽ, có thể đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực."

Hai bên đã đạt được thỏa thuận tiếp tục hợp tác về các vấn đề an ninh khu vực chiến lược trong các diễn đàn đa phương như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Ấn Độ và Việt Nam hiện đang đồng chủ tịch Nhóm Công tác Chuyên gia ADMM+ về rà phá bom mìn nhân đạo.

Tướng Mathur và tướng Vịnh cũng đồng ý rằng các ưu tiên hợp tác quốc phòng trong tương lai sẽ bao gồm trao đổi đoàn, giáo dục và đào tạo, trao đổi hải quân, công nghệ tiên tiến, công nghiệp quốc phòng và công nghệ thông tin. Ấn Độ sẽ trợ giúp Việt Nam trong việc chuẩn bị tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Economic Times, Tướng Vịnh nói rõ về hợp tác quốc phòng trong tương lai:

"Một lĩnh vực hợp tác đáng chú ý là về công nghiệp quốc phòng. Chúng tôi (Việt Nam - Ấn Độ) có khả năng hợp tác trong ngành đóng tàu, hiện đại hóa hệ thống vũ khí, nghiên cứu và ứng dụng các hệ thống quốc phòng công nghệ cao.”

Có nguồn tin nói rằng Ấn Độ sẽ cung cấp khoản tín dụng 100 triệu USD cho Việt Nam để đóng 4 tàu tuần tra hiện đại tại một nhà máy đóng tàu quân sự của Ấn Độ.

Việt Nam-Hoa Kỳ

Ngày 24 tháng 12/2014, tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Ted Osius, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, cho hay: "Trong lĩnh vực an ninh hàng hải, chúng ta có thể có sự hợp tác quan trọng. Phía Việt Nam sẽ quyết định những vũ khí nào (của Mỹ) là thích hợp nhất cho những thách thức chiến lược của mình. "

Đại sứ Osius, sau đó, đã tiết lộ rằng ông nghe nói chính phủ Việt đã "suy nghĩ rất sâu sắc và cẩn thận về những vũ khí thích hợp nhất, và chúng tôi (Mỹ) rất tôn trọng những quyết định của chính phủ Việt Nam đưa ra”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp đại sứ Ted Osius. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp đại sứ Ted Osius. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 19/1, Tướng Vincent Brooks, chỉ huy quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, đã đến thăm và làm việc với Việt Nam để thảo luận với người đồng cấp Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Hai bên đã kiểm điểm tiến độ thực hiện của Biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương, từ năm 2011. Họ cũng đặt ưu tiên cho tương lai bao gồm cả hợp tác hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn, quân y, và chia sẻ kinh nghiệm về gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Tướng Brooks cũng đã gặp gỡ với Tướng Đỗ Bá Tỵ, tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tướng Tỵ cho rằng Việt Nam và Hoa Kỳ cần đẩy mạnh việc trao đổi đoàn ở các cấp và tăng cường hợp tác trong việc chia sẻ thông tin, tìm kiếm cứu nạn hàng hải, hoạt động cứu hộ trên biển, và đào tạo tiếng Anh. Ông cũng đề nghị phía Hoa Kỳ hỗ trợ thêm trong việc "khắc phục hậu quả sau chiến tranh" như nhiễm độc dioxin từ chất da cam trong chiến tranh Việt Nam.

Một ngày sau khi Tướng Brooks rời Hà Nội, Patrick Dewar, phó chủ tịch điều hành của hãng Lockheed Martin đã thăm Hà Nội và gặp gỡ Tướng Trương Quang Khánh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Tướng Khánh bày tỏ sự đánh giá cao của mình về vai trò Lockheed Martin trong hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Đã có dự đoán cho rằng Việt Nam đang quan tâm đến việc mua máy bay trinh sát và công nghệ khác liên quan đến lĩnh vực giám sát biển, trong đó có máy bay trinh sát P-3C Orion do Lockheed Martin sản xuất.

Sau vụ Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan 981, có ý kiến cho rằng Trung Quốc đã sử dụng đòn nghi binh thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế để thực hiện âm mưu thay đổi hiện trạng ở quần đảo Trường Sa. Ý đồ xây căn cứ hải quân và không quân của Bắc Kinh ở Trường Sa không ngoài mục đích nhằm khống chế biển Đông, hiện thực hóa tham vọng “đường chín đoạn”. Tình hình biển Đông, vì vậy, rất khó lường trong thời gian sắp tới. Trong bối cảnh đó, sự tăng cường năng lực quốc phòng của Việt Nam là cần thiết và cấp bách.

TRẦN SƠN