Vào ngày 14/3 hàng năm, nhân dân Việt Nam lại hướng về đảo Gạc Ma, hướng về 64 chiến sĩ anh hùng đã lập nên vòng tròn bất tử, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ từng mét biển thiêng liêng của tổ quốc.
Năm nay, tại Lào, Séc, Ấn Độ, Campuchia… bà con Việt Kiều đã tổ chức các lễ cầu siêu tưởng nhớ về các anh hùng dân tộc.
Tình cảm thân thương của hàng triệu đồng bào xa quê dành cho các chiến sĩ anh hùng khiến cho Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu IV vô cùng xúc động.
Chia sẻ với chúng tôi, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói rằng, suốt 28 năm qua, ông luôn cảm thấy day dứt khi nghĩ tới những chiến sĩ anh dũng ngã xuống tại đảo Gạc Ma.
Và đó không chỉ là nỗi day dứt của riêng Tướng Thước, mà cũng là điều mà các thế hệ trẻ Việt Nam sau này sẽ luôn khắc ghi, để trân trọng cuộc sống hòa bình của ngày hôm nay, của ngày mai và mãi mãi sau này bằng sự quyết liệt trước kẻ thù.
Tướng Thước xúc động chia sẻ: “Trong số 64 chiến sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma 28 năm về trước, Quân khu IV chúng tôi đã có 32 chiến sĩ, và riêng tại tỉnh Nghệ An quê hương tôi có 9 anh em.
Mấy hôm nay, tôi liên tục điện thoại trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Quân khu IV để nói về việc này, đó là truyền thống vô cùng quý báu mà quân đội ta, nhân dân ta sẽ tiếp tục phát huy, quyết tâm không lùi bước trước kẻ thù.
Cho dù họ đã cướp đảo của ta, nhưng hành vi man rợ nổ súng thẳng vào các anh em của ta trong lúc ấy thì không bao giờ chúng tôi hết căm hận, nỗi đau ấy những người lính như chúng tôi không bao giờ nuốt trôi được.
Bà con ta ở nước ngoài cũng hướng về đất nước, tưởng nhớ tới những chiến sĩ anh dũng, vậy thì ở ngay trong nước người dân nghĩ gì, những người có trách nhiệm nghĩ gì và làm gì cho xứng đáng với tinh thần yêu nước?”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói rằng, suốt 28 năm nay ông luôn day dứt khi nghĩ về các chiến sĩ hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma. ảnh: giaoduc.net.vn |
Trong ngày kỷ niệm sự kiện các chiến sĩ anh dũng hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma, một lần nữa Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh, Trung Quốc luôn có dã tâm rất lớn độc chiếm Biển Đông, bất chấp tình hữu nghị láng giềng.
Những chia sẻ của Tướng Thước là hoàn toàn có cơ sở, vì không chỉ là chuyện xây dựng đảo đá trái phép hay đưa giàn khoan vào vùng biển của nước ta mà còn là rất nhiều lần xâm phạm chủ quyền khác khi nhìn lại lịch sử từ 50 năm trước.
Ngay từ tháng 4/1956 lợi dụng Việt Nam đang dồn sức cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, Trung Quốc đã dùng lực lượng Hải quân đánh chiếm nhóm đảo phía Đông thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, và chiếm giữ đảo Phú Lâm.
Tới năm 1974, tiếp tục lợi dụng lúc nước ta đang tập trung cho cuộc tổng tiến công thống nhất đất nước, Trung Quốc đổ quân ra Hoàng Sa vào ngày 19/1 chiếm đóng trái phép các đảo của nước ta, trắng trợn tuyên bố chủ quyền.
Sau khi chiếm giữ trái phép các đảo Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven, quân Trung Quốc tiếp tục chuẩn bị thực hiện ý đồ thôn tính 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.
Tới tháng 10/1987, tình hình quần đảo Trường Sa rất phức tạp, Trung Quốc đơn phương đưa tàu chiến hoạt động ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Vào đầu tháng 3/1988, Trung Quốc tăng cường lực lượng hải quân xuống khu vực các đảo của ta, gồm nhiều tàu khu trục tên lửa, tàu hộ vệ tên lửa, tàu pháo, tàu đổ bộ…
Chúng ta cũng xác định rằng đảo đá Gạc Ma giữ vai trò, vị trí vô cùng quan trọng, nếu để hải quân Trung Quốc chiếm giữ được đảo này thì họ sẽ khống chế đường tiếp viện của Việt Nam cho các căn cứ tại quần đảo Trường Sa.
Vì vậy, chúng ta quyết tâm bảo vệ đảo đá Gạc Ma. Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam đã có chỉ thị cho Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146 và Trung đoàn công binh 83 chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ra Trường Sa.
Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo
Ngày 12/3/1988, Tàu 605 thuộc Lữ đoàn 125 do đồng chí Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng, xuất phát từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao.
Vào lúc 5 giờ ngày 14/3/1988, Tàu 605 đến Len Đao và cắm cờ Tổ quốc lên đảo, khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ đảo của ta.
Chuyện của người lính trở về từ Gạc Ma (kỳ cuối): Những ngôi mộ gió Trường Sa |
Đến 9 giờ ngày 13/3/1988, tàu HQ-604 do đồng chí Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng và tàu HQ-505, do đồng chí Vũ Huy Lễ làm Thuyền trưởng được lệnh từ đảo Đá Lớn tiến về Gạc Ma, trên tàu chở hai phân đội công binh (70 người) thuộc Trung đoàn công binh 83 và 4 tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146, do đồng chí Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng chỉ huy và 4 chiến sĩ đo đạc của Đoàn đo đạc và biên vẽ bản đồ (thuộc Bộ Tổng Tham mưu).
Sau khi hai tàu của ta thả neo được 30 phút, tàu hộ vệ của Trung Quốc từ Huy Gơ tiến về phía Gạc Ma, cách tàu của ta 500m. Tiếp đó, Trung Quốc áp sát Tàu 604 của ta, dùng loa gọi sang tàu của ta khiêu khích.
Lúc này có 4 tàu của Trung Quốc, trong đó có một tàu hộ vệ tên lửa, một tàu hộ vệ hạm và hai hải vận hạm thay nhau chạy quanh đảo Gạc Ma, nhưng hai tàu 604 và 505 của ta kiên trì neo đậu bảo vệ đảo, không để mắc mưu kẻ địch.
Trước tình hình căng thẳng do hải quân Trung Quốc gây ra, lúc 21 giờ ngày 13/3/1988, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân chỉ thị cho các đồng chí Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội quyết giữ vững các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.
Ngay trong đêm 13/3/1988, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho lực lượng công binh khẩn trương xuống thuyền chuyển vật liệu xây dựng trận địa chiến đấu ngay trên các mỏm đá.
Thực hiện mệnh lệnh, tàu 604 cùng lực lượng công binh Trung đoàn 83 chuyển vật liệu lên đảo đá Gạc Ma. Lúc này lực lượng của Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ, cắm cờ Tổ quốc và triển khai 4 tổ bảo vệ đảo.
Lúc này, Trung Quốc điều thêm hai tàu hộ vệ hạm, trang bị pháo 100mm tăng cường cho lực lượng hải quân, tiếp tục gây sức ép đòi các lực lượng của ta rút khỏi đảo đá Gạc Ma.
Ban chỉ huy tàu 604 nhận định, Trung Quốc có thể dùng vũ lực can thiệp và quyết định chỉ huy bộ đội bình tĩnh xử trí, thống nhất thực hiện theo phương án tác chiến đề ra, quyết tâm bảo vệ Gạc Ma.
Sáng ngày 14/3/1988, đồng chí Trần Đức Thông – Lữ đoàn Phó Lữ đoàn 146 phát hiện thấy 4 chiếc tàu lớn của Trung Quốc đang tiến lại gần.
Ngay lập tức, một tổ 3 người gồm Thiếu úy Trần Văn Phương và hai chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh được cử lên đảo bảo vệ cờ tổ quốc mà chúng ta đã cắm.
Trung Quốc cử hai xuồng chở 8 lính có vũ khí lao thẳng về phía đảo. Đồng chí Trần Đức Thông ra lệnh cho các thủy thủ tàu 604 tiến về đảo, hình thành tuyến phòng thủ, không cho đối phương tiến lên.
Sau đó, Hải quân Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm chở 40 quân đổ bộ lên đảo tiến vào giật cờ Việt Nam.
Hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội dũng cảm giành lại cờ, nhưng lính Trung Quốc đã nổ súng khiến Hạ sỹ Lanh bị thương và Thiếu úy Trần Văn Phương hy sinh.
Trước khi hy sinh, đồng chí Trần Văn Phương đã hô: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”.
Mặc dù lực lượng của Trung Quốc rất đông và có đầy đủ vũ khí áp đảo phía ta, nhưng các chiến sĩ bộ đội vẫn quyết tâm chống lại quân xâm lược, bảo vệ đảo.
Đến 7h30 ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã dùng hai chiến hạm bắn pháo 100mm vào tàu 604 của ta, khiến tàu hư hỏng nặng; rồi cho quân đổ bộ lên đảo.
Trước tình hình đó, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy tàu, sử dụng các vũ khí tại chỗ đánh trả quyết liệt, buộc đối phương phải nhảy xuống biển, bơi về tàu.
Các chiến sĩ Hải quân vừa chiến đấu, vừa băng bó vết thương, cứu chữa thương binh và hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ cờ.
Lúc này, Trung Quốc dùng pháo hạng nặng liên tiếp nhả đạn về phía tàu 604 của ta.
Tàu 604 chìm dần xuống biển, Lữ đoàn phó Trần Đức Thông và thuyền trưởng Vũ Phi Trừ cùng một số thủy thủ đã anh dũng hy sinh tại đảo đá Gạc Ma.
Con gái và vợ liệt sĩ Trần Văn Phương trong một buổi lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma. Ảnh: Hồng Phúc |
Lúc này, tại đảo đá Cô Lin bên cạnh, tàu HQ-505 của ta đã cắm xong hai lá cờ trên đảo.
Phát hiện tàu 604 bị chìm, thuyền trưởng tàu 505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo ủi bãi.
Phát hiện thấy ta cơ động lên bãi, hai tàu của Trung Quốc quay sang tấn công tàu 505. Bất chấp hiểm nguy, Tàu 505 chạy hết tốc độ, trườn lên được hai phần ba thân tàu thì bốc cháy.
Đến 8h15 ngày 14/3/1988, bộ đội trên tàu 505 vừa tiến hành dập lửa cứu tàu, bảo vệ đảo, vừa đưa xuồng đến cứu vớt cán bộ, chiến sĩ thuộc tàu 604 vừa bị Trung Quốc đánh chìm.
Chiến sĩ của Tàu HQ-505 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở đảo Cô Lin, và cho đến ngày nay lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam vẫn tung bay phấp phới trên đảo Cô Lin.
Ở hướng đảo Len Đao, 8h20 ngày 14/3/1988, tàu của Trung Quốc bắn chìm tàu HQ-605 của ta. Cán bộ, chiến sỹ của Tàu HQ-605 phải dìu nhau bơi về đảo Sinh Tồn (đến 6 giờ ngày 15/3/1988 mới đến đảo).
Tại đảo Len Đao, sau trận chiến Gạc Ma, chúng ta đấu tranh kiên quyết khiến Trung Quốc lui quân, và ta bảo vệ thành công Len Đao đến ngày hôm nay.
Trước khi tiễn chúng tôi ra về, lật giở từng trang tài liệu còn lưu giữ trong suốt cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc thiêng liêng, Tướng Thước nhắn nhủ: “Thật khó để thấy có một dân tộc nào trải qua nhiều chiến tranh đau khổ như Việt Nam.
Trong thương đau, trong bom đạn mà những người lính nhỏ bé vẫn thật phi thường. Thà hy sinh mạng sống chứ không chịu khuất phục trước kẻ thù. Tôi rất mong rằng các bạn trẻ người Việt Nam trên khắp thế giới luôn nhớ điều đó”.