Sách Đạo Đức Kinh của Lão Tử còn hay đã bị đốt?

25/06/2015 05:06
Xuân Dương
(GDVN) - Lão Tử được công nhận là tác giả Đạo Đức Kinh. Đây là cuốn sách lưu truyền qua nhiều thế kỷ, tương truyền do Lão Tử chắp bút trước khi ẩn thân trong sa mạc.

Lão Tử (người cùng thời với Khổng Tử nhưng lớn tuổi hơn Khổng Tử), được công nhận là tác giả Đạo Đức Kinh.

Đây là cuốn sách lưu truyền qua nhiều thế kỷ, tương truyền do Lão Tử chắp bút trước khi ẩn thân trong sa mạc. Cũng có thể một số phần của Đạo Đức Kinh do môn đồ đời sau cóp nhặt ghép thêm vào.

Những chương trích dẫn trong bài viết này có tham khảo bản dịch Đạo Đức Kinh sang tiếng Việt của Nguyễn Hiến Lê [1] và Nguyễn Văn Thọ. [2] Người viết chỉ lược dịch các câu trong Đạo Đức Kinh theo ý chứ không theo nguyên bản vì cần diễn giải cho dễ hiểu hơn.

Mặt khác bài viết chỉ mượn ý một vài chương trong số 81 chương của Đạo Đức Kinh mà nói chuyện ngày nay chứ không nhằm mục đích giới thiệu sự uyên thâm về ngôn từ trong tác phẩm này.


Sách Đạo Đức Kinh của Lão Tử còn hay đã bị đốt? ảnh 1

"Một thế kỷ bị sỉ nhục", hậu duệ Khổng Tử vẫn không nhớ lời ngài dạy!

(GDVN) - Chữ “Đạo” dành cho bậc chính nhân quân tử, ấy là đạo lý, đạo nghĩa, đạo đức, cũng lại dành cho kẻ tiểu nhân, đó là đạo văn, đạo tặc, đạo lịch sử, đạo đồng chí.

Báo điện tử Chính phủ ngày 9/4/2015 đưa tin: Tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “nhiệt liệt chào mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc, bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng chuyến thăm là dấu mốc, sẽ góp phần quan trọng tăng cường tin cậy, hữu nghị, thúc đẩy hợp tác giữa hai Đảng, hai nước, đưa quan hệ Việt-Trung phát triển lên tầm cao mới”. [3]

Lãnh đạo cao nhất nhà nước Trung Quốc phát biểu như thế nhưng truyền thông Trung Quốc không những không thể hiện những điều ông Tập nói mà còn làm ngược lại.

Tại địa chỉ https://www.youtube.com/...ngày 17/6/2015 lưu truyền một phim hoạt hình do người Trung Quốc sản xuất.

Bộ phim này có tên “Thật không thể ngờ - Việt Nam: Diễn biến lịch sử của khỉ mắt trắng”. Được biết bộ phim hoạt hình này do mạng giải trí Tmeng.cn – Bắc Kinh, Trung Quốc dàn dựng.

Chương thứ 81 Đạo Đức Kinh, Lão Tử cho rằng “Tín ngôn bất mỹ. Mỹ ngôn bất tín - Lời nói chân thực thì không hoa mĩ, lời nói hoa mĩ thì không chân thực”.

Những gì mà bộ phim do một đơn vị có trụ sở ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc đưa ra phải chăng là để giải thích, rằng lời của ông Tập chỉ là “lời hoa mĩ” do đó truyền thông và người dân Trung Quốc phải làm những gì mà ông Tập nghĩ trong đầu chứ không như ông nói khi tiếp khách?

Nếu quả như vậy thì phải chăng truyền thông Trung Quốc đang muốn chứng minh, rằng đôi khi những điều lãnh đạo nước họ nói chỉ là dối trá?

Còn người hiểu biết tất sẽ nhận ra bộ phim Trung Quốc này bôi nhọ, miệt thị người Việt hay bôi nhọ, miệt thị chính lãnh đạo của họ?

Còn nếu lời ông Tập là chân thực, không hoa mĩ  thì vì sao chính quyền Trung Quốc lại dung túng cho truyền thông nước mình bôi nhọ “tình hữu nghị, hợp tác giữa hai Đảng, hai nước” bằng cách để bộ phim hoạt hình trên lan truyền trên các mạng giải trí Trung Quốc?

Khi mà cả thế giới đều biết đến bộ phim này, chẳng lẽ giới lãnh đạo một đất nước có đạo quân tin tặc hùng hậu như Trung Quốc lại không thể biết?

Chương 79 “Nhiệm khế” trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử dạy: “Hữu đức tư khế, vô đức tư triệt - Kẻ có đức thường cho người khác, kẻ vô đức thích triệt hạ người khác”.

Phải chăng Lão Tử muốn dạy hậu duệ người Hoa, rằng miệt thị người khác chỉ là kẻ vô đức, kẻ mà cái ngu làm mất trí khôn?


Sách Đạo Đức Kinh của Lão Tử còn hay đã bị đốt? ảnh 2

Hoàn Cầu Thời báo có hiểu lời dạy của Khổng Tử?

(GDVN) - Chính quyền Trung Quốc đầu tư khá nhiều tiền của nhằm quảng bá Khổng Tử ra toàn thế giới, còn Hoàn Cầu Thời báo thì lại đang sổ toẹt vào các tư tưởng của ngài.

Nói “ngu làm mất khôn” bởi vì trong bộ phim kể trên, các tác giả đã dùng những từ ngữ xấc xược, vô lễ với nhiều thế hệ tiền bối cách mang Việt Nam, ở đó có người mà chính lớp tiền bối của những người lãnh đạo Trung Quốc hiện nay vẫn luôn luôn thể hiện sự tôn trọng.

Bộ phim vẽ người Việt đội nón lá cầm gậy chống lại thực dân Pháp (hình con gà với chữ F) và đế quốc Mỹ (người da màu đội mũ cờ sọc) trong khi Trung Quốc là siêu nhân áo đỏ với chữ “C” trước ngực.

Phải chăng thế hệ trẻ người Hoa ngày nay không biết khi người Việt đánh Pháp và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 thì nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa ra đời.

Khi Trung Quốc mang quân xâm lược Việt Nam năm 1979 thì lực lượng vũ trang Việt Nam đánh trả chỉ là bộ đội địa phương và dân quân tự vệ chứ không phải bộ đội chủ lực, vậy cái kẻ siêu nhân yêng hùng mang chữ “C” trước ngực ấy vỗ ngực vì cái gì?

Bom Mỹ có bao nhiêu rơi hết trên đất Việt nên mới không rơi trên đất Trung Quốc, đạo lý ấy trẻ con cũng hiểu.

Gần đây, trước sự phản đối mạnh mẽ của dư luận Việt Nam và quốc tế về hành động cướp đảo và bồi đắp ngoài Biển Đông, Trung Quốc và Mỹ đã có một thỏa thuận.

Như bình luận của Alexei Maslov, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phương Đông của Nga: “việc một thỏa thuận lớn như vậy xuất hiện trong bối cảnh quan hệ Trung-Mỹ gia tăng căng thẳng do những bất đồng ở Biển Đông cho thấy nó đã được chuẩn bị từ trước một cách bí mật”. [4]

Lão Tử nói “Hòa đại oán, tất hữu dư oán. An khả dĩ vi thiện -  Hòa được oán thù (với nước)  lớn, vẫn còn oán khác (với nước nhỏ), như thế sao gọi là việc thiện”.

Nói nôm na, hòa hoãn với nước lớn để rảnh tay chèn ép nước nhỏ, tạo nên oán thù với nước nhỏ không thể coi là hành vi của người chân thật.

Phải chăng một lần nữa, người Trung Quốc muốn nói với người Mỹ “người không động đến ta thì ta không động đến người”? Phải chăng người ta đang muốn lặp lại câu chuyện năm 1979 không phải trên đất liền mà là trên biển?

Vậy thì người Việt, muốn gìn giữ hòa bình cho đất nước mình, không còn cách nào khác là phải chuẩn bị cho chiến tranh.

Hãy bớt mua xe công sang trọng, bớt tiền mua đồ xa xỉ mà dành tiền mua xe tăng, tên lửa, tàu ngầm… Ăn đói, mặc rách không có gì đáng sợ, nô lệ cho ngoại bang mới là điều tủi hổ nhất mà một dân tộc phải chịu đựng.

Chương 77 “Thiên đạo” Lão Tử viết: “Thiên chi Đạo, tổn hữu dư nhi bổ bất túc. Nhân chi đạo tắc bất nhiên, tổn bất túc nhi phụng hữu dư. Thục năng hữu dư dĩ phụng thiên hạ? Duy hữu đạo giả - Đạo của trời là lấy chỗ thừa bù chỗ thiếu, đạo của người ngược lại, lấy chỗ thiếu bù chỗ thừa. Đem cái thừa mà bù đắp cho thiên hạ chỉ có thể là người có Đạo”.

Cũng trong chương này Lão Tử còn viết “Thị dĩ thánh nhân, vi nhi bất thị. Công thành nhi bất xử, kỳ bất dục kiến hiền - Thánh nhân làm mà không cậy công. Công thành không ở lại; không muốn ai thấy công của mình”.

Kể công giúp đỡ người khác mà cố tình quên sự giúp đỡ của người khác với mình thì không phải là thánh nhân, chỉ là phường tiểu nhân không đáng để so bì.

Như lời Lão Tử, chỉ người có đạo mới đạt đến cái tầm đem cái thừa của mình mà “bù đắp cho thiên hạ”, thừa mà giữ khư khư, không biết đến kẻ khó, người yếu, không phải là kẻ có đạo, tức là vô đạo.

Những kẻ của ăn của để dư thừa mà còn đi cướp của thiên hạ, nhất là lại cướp của “đồng đạo” thì còn dưới kẻ “vô đạo” một bậc.

Kẻ vô đạo thì làm gì có “đồng đạo”, vậy nên “đồng đạo” với kẻ “vô đạo” là tự mình hại mình, là đưa sói vào nhà, hại con, hại cháu.

Là một nước nhỏ bên cạnh một nước lớn, sống trong thời đại các nước mạnh luôn dùng bom đạn để thể hiện “cơ bắp” của mình, sự mềm mỏng trong bang giao là cần thiết, tuy nhiên mềm mỏng không có nghĩa là hèn yếu.

Nếu ai đó nghĩ rằng cậy nước lớn họ có thể bắt nạt bất kỳ nước nhỏ nào thì họ cần tâm niệm một điều, rằng trong đó không có Việt Nam. Họ cần nhớ lời Lão Tử, rằng “Cường lương giả bất đắc kỳ tử - Dùng bạo lực sẽ chết bất đắc kỳ tử”.

Sử ký Tư Mã Thiên ghi lại lời Lão Tử khuyên Khổng Tử khi chia tay: “người giàu sang tặng nhau tiền bạc, người nhân nghĩa tặng nhau lời nói”.

Dùng lời thô thiển nói với bạn bè, không phải là người nhân nghĩa. Cho nên, dù đọc những dòng chữ mà truyền thông Trung Quốc sử dụng bôi nhọ mình, người Việt không đáp trả tương xứng vì đó không phải là đạo lý của người Việt.

Đạo Đức Kinh chỉ có khoảng 5.000 từ, cốt lõi của nó chỉ gói gọn trong câu “tri nhân giả trí, tự tri giả minh - biết đánh giá người khác chỉ mới gọi là biết,  tự biết đánh giá mình thì mới là sáng suốt”.

Người viết thấy tiếc, sao truyền thông Trung Quốc, con cháu của Lão Tử ngày nay, những người đang cổ xúy cho lòng ghen ghét, thù địch giữa hai dân tộc vẫn chưa biết đánh giá người khác chứ đừng nói đến tự đánh giá chính mình.

Thay cho lời kết, xin mượn lời Lão Tử “Thị dĩ binh cường tắc bất thắng, mộc cường tắc chiết. Cố kiên cường xử hạ, nhu nhược xử thượng - Binh mạnh sẽ không thắng, cây cứng sẽ bị chặt. Cho nên cậy mạnh chỉ là hạ sách, mềm mại mới là thượng sách”./.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://nhantu.net/TonGiao/DaoDucKinh/DDK76.htm

[2] http://www.banthedao.net/giaolydaolao/daoduckinh.pdf

[3] http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Hoi-dam-cap-cao-hai-Tong-Bi-thu-Viet-Nam-Trung-Quoc/224316.vgp

[4] http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Hoc-gia-Nga-Thoa-thuan-hop-tac-quan-su-TrungMy-da-duoc-chuan-bi-bi-mat-post159287.gd

Xuân Dương