Biển Đông: Một nước ASEAN muốn làm trung gian hoà giải TQ- Philippines

19/05/2012 17:04
Việt Dũng (Theo Liên hợp Buổi sáng, Singapore)
(GDVN) - Có nguồn tin cho biết, đây không phải là sự sắp xếp cố ý, hội nghị được sắp xếp theo chữ cái liên quan đến tên quốc gia, Trung Quốc là C, tiếp theo chính là Philippines với chữ F.
Tàu Hải giám-75 của Trung Quốc.
Tàu Hải giám-75 của Trung Quốc.

Trang mạng Chinapress đưa tin, sau khi tham dự Hội nghị chuyên đề của Diễn đàn Hải quân Tây Thái Bình Dương, Tư lệnh Hải quân Malaysia Abdul Aziz cho rằng, sự đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough làm cho tình hình tranh chấp chủ quyền ở biển Đông căng thẳng, và khiến cho an ninh trên biển Đông không ổn định.

Ông cho rằng, hiện là lúc để Trung Quốc và Philippines có một kênh để đối thoại, đây cũng là biện pháp tốt nhất để giải quyết tranh chấp.

Ông nói: “Malaysia hoàn toàn không đứng về bên nào trong vấn đề này, trong khi tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines khiến cho tình hình đã trở nên rất nguy hiểm, vì vậy giữa Trung Quốc và Philippines có lẽ cần một bên thứ ba làm trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán. Bên thứ ba này chắc chắn phải có khả năng gánh vác sứ mệnh này”.

Abdul Aziz cho biết, một nước thành viên ASEAN làm bên thứ ba này là phù hợp nhất, ông cho rằng Malaysia có khả năng này.

Ông còn cho biết, ngoài phương án trên, Hội nghị lãnh đạo Hải quân ASEAN cũng là một kênh tương đối thích hợp. Hội nghị này sẽ được tổ chức tại Brunei vào tháng 9 năm này.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Malaysia Ahmad Zahi cũng cho biết, sẽ đưa tranh chấp chủ quyền biển Đông vào thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tổ chức vào ngày 28 tháng này.

Indonesia cũng sớm cho biết sẵn sàng cung cấp một kênh đàm phán.

Tàu Ngư chính 310 của Trung Quốc.
Tàu Ngư chính 310 của Trung Quốc.

Một loạt diễn biến này cho thấy, các nước thành viên ASEAN đang tìm cách thực hiện hành động để làm giảm tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines ở biển Đông. Do vấn đề quyền đánh bắt cá, tàu thuyền hai nước Trung Quốc và Philippines đã đối đầu trên vùng biển bãi cạn Scarborough từ ngày 10/4 đến nay.

Tại Hội nghị chuyên đề Diễn đàn Hải quân Tây Thái Bình Dương bắt đầu tổ chức từ ngày 16/5, Đoàn đại biểu Hải quân Trung Quốc và Philippines đã được sắp xếp ngồi với nhau, nhưng hai bên không trao đổi tại hội nghị.

Có nguồn tin cho biết, đây không phải là sự sắp xếp cố ý, hội nghị được sắp xếp theo chữ cái liên quan đến tên quốc gia, Trung Quốc là C, tiếp theo chính là Philippines với chữ F.

Phó tư lệnh hạm đội Hải quân Philippines Soares cho biết, Chính phủ Philippines đã đưa tranh chấp bãi cạn Scarborough giao cho Bộ Ngoại giao thông qua các biện pháp ngoại giao đàm phán với Trung Quốc. “Hiện nay tôi không có gì có thể nói, hãy để giải quyết bằng các biện pháp ngoại giao. Hải quân Philippines sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền trên biển của Philippines”.

Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc.
Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc.

Philippines cũng công bố lệnh cấm đánh bắt cá

Kế tiếp sau việc Trung Quốc công bố lệnh cấm đánh bắt cá vô lý trong vòng 2 tháng rưỡi trên biển Đông, Philippines cũng công bố lệnh cấm đánh bắt cá, từ ngày 16/5, cấm ngư dân Philippines đến bãi cạn Scarborough đánh bắt cá trong 2 tháng.

Cục trưởng Cục Nghề cá và Tài nguyên thủy sản Philippines Perez cho biết, công bố lệnh cấm này là để ngăn chặn ngư dân đánh bắt quá mức ở vùng biển này, đồng thời cũng là để đảm bảo an toàn cho ngư dân trong mùa mưa sắp tới, đồng thời làm giảm quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines gây ra bởi sự kiện đối đầu tại bãi cạn Scarborough.

Cục Ngư chính Khu vực Nam Hải (biển Đông) – Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng sớm đưa ra tuyên bố vô lý là, từ ngày 16/5, một phần vùng biển thuộc biển Đông bước vào giai đoạn mùa nghỉ đánh bắt cá 2 tháng rưỡi. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough cũng thuộc phạm vi của lệnh cấm vô lý này.

Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố không chấp nhận lệnh cấm phi lý này của Trung Quốc, đồng thời chỉ trích Trung Quốc có lệnh cấm phi lý liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Nhưng Tổng thống Philippines cũng đã ra lệnh công bố lệnh cấm của họ.

Hải quân Philippines chuẩn bị tiếp nhận tàu tuần tra lớp Hamilton thứ hai của Mỹ.
Hải quân Philippines chuẩn bị tiếp nhận tàu tuần tra lớp Hamilton thứ hai của Mỹ.

Mặc dù lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc và Philippines đã có hiệu lực, nhưng hai nước vẫn có nhiều tàu cá ở lại vùng biển bãi cạn  Scarborough. Ngoài ra, ngư dân Philippines còn có kế hoạch tiếp tục đến bãi cạn Scarborough để phản đối hành vi xâm lược của Trung Quốc.

Người phát ngôn của tổ ngư dân này cho biết: “Họ có kế hoạch đợi ở đó ít nhất 3 ngày, nếu không bị cấm, họ còn dự định đánh bắt cá ở đó”.

Còn theo người phát ngôn Hải quân Philippines, cấm đánh bắt cá có nghĩa là “bất cứ ai đều không được đánh bắt cá ở đó, nhưng chúng tôi không cấm bất cứ ai đến đó”.

Sau khi tham dự Hội nghị chuyên đề Diễn đàn Hải quân Tây Thái Bình Dương, Tư lệnh Hải quân Malaysia Abdul Aziz cho biết, tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines đã làm cho tình hình trở nên rất nguy hiểm, vì vậy giữa Trung Quốc và Philippines có lẽ cần có một bên thứ ba làm trung gian để phối hợp đàm phán. Nước thành viên ASEAN thích hợp với cương vị này, và Malaysia có khả năng này.

Người dân Philippines biểu tình chống Trung Quốc xung quanh vấn đề bãi cạn Scarborough.
Người dân Philippines biểu tình chống Trung Quốc xung quanh vấn đề bãi cạn Scarborough.
Việt Dũng (Theo Liên hợp Buổi sáng, Singapore)