Biển Đông: Trung Quốc đang vơ vét tối đa trước khi Tòa PCA ra phán quyết

16/01/2016 06:56
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc cho rằng cuối cùng ai mạnh kẻ đó thắng, tất cả sẽ dựa vào "kiểm soát trên thực tế" chứ chả phải dựa vào "yêu sách lịch sử".

Financial Times ngày 15/1 đưa tin, Trung Quốc đã tăng cường xây dựng 3 đường băng (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Washington tháng 9 năm ngoái với cam kết "không quân sự hóa Biển Đông". Điều này cho thấy những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông hiệu quả dường như còn hạn chế.

Trung tâm đường băng Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Xu Bi, ảnh chụp vệ tinh ngày 21/12/2015, Financial Times.
Trung tâm đường băng Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Xu Bi, ảnh chụp vệ tinh ngày 21/12/2015, Financial Times.

Hình ảnh chụp từ vệ tinh mới nhất mà Financial Times có được về hai bãi đá Xu Bi và Vành Khăn cho thấy, Bắc Kinh đang sắp hoàn thành 2 đường băng ở đây sau khi đã xây xong đường băng trên đá Chữ Thập và vừa cho bay thử nghiệm (bất hợp pháp) tại đường băng này.

Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ cho hay: "Các đường băng tại Xu Bi và Vành Khăn đã gần như hoàn thành. Công việc bồi đắp xây dựng ở Vành Khăn diễn ra nhanh gấp đôi những gì Trung Quốc đã làm ở Chữ Thập."

Các chuyến bay thử nghiệm mà Trung Quốc tiến hành (bất hợp pháp) ngoài đá Chữ Thập đầu tháng này đã dấy lên lo ngại từ Hoa Kỳ. Các quan chức Mỹ tin rằng, Trung Quốc đang tiến hành các chuyến bay để kiểm tra đường băng sử dụng cho máy bay chiến đấu và làm căn cứ cho các hoạt động không minh bạch.

Một quan chức cấp cao trong chính phủ Tổng thống Obama giấu tên nói với Financial Times, hành vi bay thử nghiệm của Trung Quốc là nhằm mục đích thúc đẩy yêu sách "chủ quyền" (vô lý, phi pháp và bành trướng) của Trung Quốc ở Biển Đông. Nó đang làm trầm trọng thêm căng thẳng và xói mòn sự ổn định trong khu vực.

Trung Quốc đã mất ít nhất 7 tháng để xây dựng đường băng tại Chữ Thập, nhưng đường băng ở Vành Khăn chỉ mất có 4 tháng. Tốc độ xây dựng tại Xu Bi và Vành Khăn là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh vẫn tiếp tục quân sự hóa ở Biển Đông bất chấp phản đối của Hoa Kỳ và các nước láng giềng.

Gregory Poling cho rằng, những diễn biến mới nhất này sẽ cung cấp cho Trung Quốc ưu thế lớn hơn so với Philippines. Ông đặt vấn đề, phải chăng việc Bắc Kinh gấp rút đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, tăng tốc xây dựng ở một vùng biển hẻo lánh xa lục địa là nhằm chạy đua với thời gian trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết vụ kiện lưỡi bò giữa năm nay?

Máy bay Trung Quốc hạ cánh bất hợp pháp xuống đá Chữ Thập đầu tháng này, ảnh: The Wall Street Journal.
Máy bay Trung Quốc hạ cánh bất hợp pháp xuống đá Chữ Thập đầu tháng này, ảnh: The Wall Street Journal.

Tháng 10 năm ngoái Trung Quốc đã thua vòng đầu tiên khi PCA ra phán quyết, Tòa đủ thẩm quyền thụ lý vụ kiện của Philippines và tiếp tục tiến trình tố tụng phần 2, xem xét các nội dung vụ kiện. Mặt khác, khi có một đường băng và căn cứ không quân ở Vành Khăn, Trung Quốc sẽ dễ (chiếm quyền) kiểm soát bãi Cỏ Mây, nơi Philippines đang có một tiểu đội thủy quân lục chiến chốt giữ trên xác con tàu cũ.

Bình luận về những diễn biến này, học giả Rahul Mishra từ Trung tâm Đông - Tây, Washington viết trên The Indian Express ngày 15/1, những phát biểu của ông Tập Cận Bình rằng Trung Quốc không theo đuổi quân sự hóa Biển Đông đã mâu thuẫn với thực tế.

Tất cả những gì Trung Quốc đang làm hiện nay là nhằm mục đích thay đổi tối đa hiện trạng trên Biển Đông trước phán quyết của PCA. Trung Quốc cho rằng cuối cùng thì ai mạnh kẻ đó thắng, tất cả sẽ dựa vào "kiểm soát trên thực tế" chứ chả phải dựa vào "yêu sách lịch sử", dù cho Philippines có thắng kiện đi nữa.

Rõ ràng điều này đang gây lo lắng nghiêm trọng ở Đông Nam Á. Trong khi đó Bắc Kinh tuyên bố sẽ tiếp tục có hành động leo thang. Theo Tân Hoa Xã ngày 15/1, chính quyền cái gọi là "Tam Sa" đang kêu gọi tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng xây dựng bất hợp pháp ở Hoàng Sa và một số thực thể ở Trường Sa (2 quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam).

Đồng thời trong năm 2016 Trung Quốc sẽ mở các chuyến bay (bất hợp pháp) thường xuyên ra đảo Phú Lâm, các chuyến tàu khai thác du lịch, mở các trạm phát sóng wifi trên các thực thể ở Hoàng Sa.

Trước các hoạt động ngày càng leo thang manh động của phía Trung Quốc, thiết nghĩ các bên liên quan cần có các biện pháp phản đối và ngăn chặn, trong đó biện pháp pháp lý, truyền thông, đấu tranh ngoại giao - chính trị trên mọi diễn đàn và cấp độ có ý nghĩa và vai trò hết sức quan trọng - PV.

Hồng Thủy