Bộ trưởng Bộ Y tế: BHYT như hiện nay, đừng đòi hỏi chất lượng bác sĩ

16/03/2012 13:15
Ngọc Quang
(GDVN) - “Tôi xin lấy thí dụ, khám BHYT chỉ có 3 nghìn đồng/1 lần khám, thì đôi găng bác sĩ sử dụng có thể lại phải tiệt trùng và dùng lại, như vậy không thể tốt được".

Xung quanh vấn đề tăng viện phí và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế đã trả lời nhiều thắc mắc của độc giả cả nước.

BHYT giữa người giàu và người nghèo không công bằng

- Thưa Bộ trưởng, tại sao lại điều chỉnh giá dịch vụ y tế? Tăng giá như thế nào và khi nào thực hiện?

- Phải nói đây là yêu cầu rất bức thiết đáng lẽ phải làm từ lâu, nhưng còn nhiều khó khăn. Hiện nay mới ban hành thông tư này (Thông tư 04/2012 TTLT-BYT-BTC về việc tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh), bởi khung giá viện phí đã ban hành từ năm 1995, tại thời điểm đó cũng chỉ tính một phần giá. Một số dịch vụ của ngành y tế điều chỉnh năm 2006 cũng chỉ là điều chỉnh một phần. Từ đó đến nay, lương đã tăng 6,9 lần, giá nguyên liệu đầu vào của ngành y tế cũng đã tăng nhiều lần.

Người dân của chúng ta có thói quen chỉ mua bảo hiểm khi bị ốm và với mức giá khám chữa bệnh BHYT thấp như hiện nay thì nhiều người lựa chọn khám dịch vụ để được đảm bảo chất lượng. Thực tế với giá khám chữa bệnh BHYT quá thấp như hiện nay, chất lượng cơ sở vật chất tại các bệnh viện, trình độ chuyên môn của các bác sĩ cũng rất khó đòi hỏi vì đầu vào quá thấp không đủ đầu tư mà đầu tư đó chính là để phục vụ lại cho nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế giao lưu với độc giả cả nước sáng nay (16/3)
Bộ trưởng Bộ Y tế giao lưu với độc giả cả nước sáng nay (16/3)

Do giá chỉ tính một phần chi phí nên Nhà nước bao cấp hết cho cả người nghèo, người giàu. Giá thấp nên người có điều kiện kinh tế tìm đến chất lượng cao cũng khó, trong khi giá dịch vụ trả tiền cũng phải có một khung trần theo quy định, dẫn đến chất lượng cũng không thật sự cao. Do đó, nhiều người đã ra nước ngoài chữa bệnh, dù thực tế một số kỹ thuật của chúng ta còn tốt hơn của nước khác.
Tôi cho rằng, việc Nhà nước bao cấp cho người nghèo và người giàu với mức BHYT ngang nhau như hiện nay là không công bằng.

Thứ ba, với các cơ sở khám chữa bệnh, rất vất vả cho cán bộ y tế, kể cả cán bộ quản lý và các y bác sĩ, không có tiền để mua sắm trang thiết bị. Một đôi găng phải tái tiệt trùng do mức chi của BHYT có hạn, không thể động viên khuyến khích cán bộ y tế, đồng thời ảnh hưởng đến thái độ nhiệt tình của cán bộ.

Nguồn thu từ BHYT thấp, giá khám chữa bệnh với BHYT cũng thấp đã khiến cho các bệnh viện phải tìm cách đánh vật với quy trình hoạt động của cả bộ máy, vì không có đủ tiền mua sắm trang thiết bị… Tôi xin lấy thí dụ, khám BHYT chỉ có 3 nghìn đồng/1 lần khám, thì đôi găng bác sĩ sử dụng có thể lại phải tiệt trùng và dùng lại, như vậy không thể tốt được. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho chính người khám chữa bệnh thì chúng ta cần nâng mức viện phí, và số tiền ấy sẽ được đầu tư trở lại nhằm hiện đại hóa máy móc, nâng cao trình độ của các bác sĩ, y tá…

Không ai mong muốn mình mua BHYT để có lúc phải đi khám, nhưng theo tôi, tốt nhất là ai chưa tham gia BHYT thì nên tham gia ngay, vì điều đó không chỉ đảm bảo quyền lợi cho chính bản thân mình mà còn góp phần giúp cho những người nghèo, cận nghèo được hưởng dịch vụ khám chữa bệnh. BHYT là bảo hiểm văn minh của nhân loại, những người có điều kiện về kinh tế nên đóng góp nhiều hơn nữa, góp một phần nhỏ bé của mình hòa cùng sự nỗ lực của Chính phủ, của ngành Y tế nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

- Cụ thể, mức tăng và tăng như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Mức tăng thì chúng tôi nghĩ rằng trong cấu thành của giá có 7 yếu tố, lần này mới tính 3 yếu tố trực tiếp như: thuốc, vật liệu tiêu hao, máu, dịch truyền; điện, nước, xăng dầu; duy tu bảo trì máy móc. Chưa tính tiền lương, chưa tính khấu hao, mức tăng phổ biến từ 2-4 lần, có một số ít dịch vụ tăng 6 lần do đặc thù khám chữa bệnh.

Về thời gian thực hiện thì Thông tư 04 có hiệu lực từ 15/4, tuy nhiên để thực hiện được thì các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế phải trình mức thu để Bộ duyệt, các bệnh viện trực thuộc sở y tế các tỉnh thì trình sở duyệt. Tôi nghĩ là khoảng tháng 5-7 năm nay sẽ thực hiện.

- Nhà nước đã cân nhắc tính toán thế nào khi tăng viện phí đúng vào lúc kinh tế khó khăn như hiện nay, thưa Bộ trưởng?

- Đối tượng chúng ta vẫn lo lắng nhất vẫn là các hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số… Hiện nay, Nhà nước hỗ trợ người nghèo khám chữa bệnh tới 95%, còn với cận nghèo là 70%.

Ngoài ra, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 14 điều chỉnh quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo. Đối tượng dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn và nghèo mà mắc bệnh hiểm nghèo như chạy thận nhân tạo, ung thư… được hỗ trợ một phần tiền ăn,  đi lại, chữa bệnh... Tôi nghĩ rằng, đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, của Nhà nước ta, đó là sự ưu việt của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

"Không có chuyện xé rào ở các bệnh viện"

- Thưa Bộ trưởng, có ý kiến cho rằng việc Bộ Y tế tăng viện phí chỉ là hình thức hợp lý hóa các khoản thu mà các bệnh viện đã “xé rào” từ lâu. Vì thế, vấn đề người dân băn khoăn hơn cả là sự minh bạch trong viện phí. Có quan điểm cho rằng, nếu đã nằm trong hệ thống y tế công lập, mọi thứ được Nhà nước đầu tư từ A-Z thì BV tuyệt đối không được thu tiền của người bệnh bằng các dịch vụ với chi phí tăng thêm. Liệu Bộ Y tế có thể kiểm soát được vấn đề lạm dụng làm ảnh hưởng đến túi tiền, đến đời sống của người bệnh?

- Tôi xin trả lời ý thứ nhất, Nhà nước có đầu tư từ A-Z không? Đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế hiện nay, chúng tôi xin trả lời thẳng thắn là không. Đối với tuyến Trung ương, ngân sách hiện nay có những bệnh viện gần như tự chủ hoàn toàn, hoặc có những bệnh viện thì Bộ Y tế chỉ cấp khoảng 10-30%, chủ yếu chỉ cấp tiền lương cơ bản.

Mỗi lần tăng lương cơ bản thì phụ cấp tăng theo, lãnh đạo các bệnh viện cả Trung ương và tuyến tỉnh đều rất lo. Vì tuyến Trung ương hỗ trợ khoảng 10-20%, tuyến tỉnh, NSNN hỗ trợ từ 30-50%, chỉ có tuyến huyện hỗ trợ khoảng 80%; còn lại là phải thu, mà nguồn thu đó chủ yếu từ BHYT và dịch vụ y tế khám theo yêu cầu, nhất là ở tuyến trên. Do đó, nói là lo từ A-Z là không có.

Các bệnh viện tuyến trung ương liên tục bị quá tải nhiều năm qua do điều kiện khám chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện chưa đáp ứng được yêu cầu
Các bệnh viện tuyến trung ương liên tục bị quá tải nhiều năm qua do điều kiện khám chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện chưa đáp ứng được yêu cầu

Vấn đề thứ 2 là chuyện “xé rào”, sự thật này là có, nhưng không phải là xé rào, đấy là những trường hợp đi khám dịch vụ, tức là người không tham gia BHYT, họ tham gia dịch vụ, tiền công khám khoảng 30.000 đồng/1 lần, giá khám bệnh dịch vụ thu theo giá thị trường. Còn những bệnh nhân có BHYT, giá này đã có sự thống nhất nên tiền khám cũng chỉ được BHYT thanh toán 3000 đồng/1 lần, thuốc cũng nằm trong danh mục, dịch vụ trong khung giá nên không thể xé rào. Còn đối với khám dịch vụ (điều trị tự nguyện) thì thu ít nhất cũng phải đủ bù chi.

Vấn đề thứ 3, Bộ Y tế có kiểm soát được không? Không phải hiện nay, mà từ trước tới nay, Bộ đã triển khai một số biện pháp như xây dựng hướng dẫn điều trị chuẩn và quy trình chuyên môn. Trong mỗi bệnh viện đều có hội đồng chuyên môn, hội đồng về thuốc và điều trị bệnh viện, đơn vị giám sát của Bảo hiểm, Bộ Y tế cũng có thanh tra. Tại Sở Y tế các tỉnh cũng có các đơn vị tương ứng. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ tiến tới khoán, thanh toán trọn gói cho ca bệnh. Hiện nay đã làm thí điểm, còn khoán theo định suất đã làm đối với 40% số bệnh viện huyện. Tuy nhiên, lộ trình này phải làm dần dần, ở các nước khác nhanh nhất cũng phải mất 10 năm. Chúng ta cần phải thực hiện từng bước thận trọng để tránh được vấn đề lạm dụng kỹ thuật.

- Thưa Bộ trưởng, vấn đề là liệu các bệnh viện có lạm dụng chỉ định các xét nghiệm không cần thiết làm khổ cho người bệnh hay không? Hiện nay, ở một số bệnh viện có hiện tượng các bác sĩ chỉ định người bệnh đi chụp CT sọ não trong khi họ chỉ bị đau chân, đau tay; có trường hợp bác sĩ chỉ định bệnh nhân điều trị thuốc đắt gấp hàng chục lần nhưng không nằm trong danh mục thanh toán BHYT thay vì có thể sử dụng thuốc vừa tiền và có trong danh mục được thanh toán. Vậy có cách nào giám sát  để người dân yên tâm?

Theo tôi, với bệnh nhân khám chữa bằng chế độ BHYT, việc lạm dụng này sẽ khó hơn, vì có quy trình điều trị, danh mục vật tư, giá dịch vụ… rất chặt chẽ, nếu chi phí quá cao thì cũng không được bảo hiểm thanh toán. Như tôi vừa nói là cần phải xây dựng quy trình chuẩn về khám chữa bệnh, các bệnh viện phải có bộ phận giám sát. Bộ Y tế cũng sẽ tính tới việc thành lập một hội đồng giám sát độc lập về vấn đề này.

- Đúng là mọi thứ đều cần kinh phí thì thì mới làm được, nhưng có một thứ không cần kinh phí, đó là nụ cười, sự ân cần ,niềm nỡ ,vui vẻ đối với bệnh nhân. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?

- Nghề y đòi hỏi phải đáp ứng được 3 yêu cầu: Y lý, y thuật, y đức. Vì vậy, để khám chữa bệnh tốt, người thầy thuốc ngoài dược phẩm, trang thiết bị còn có tấm lòng.

Tình trạng thiếu nụ cười xảy ra tương đối nhiều, nhưng chủ yếu ở những nơi quá tải, tất nhiên bên cạnh vấn đề khách quan thì cũng có chuyện cán bộ nhân viên chưa tự trau dồi, chưa thực sự ân cần, niềm nở với người bệnh. Bộ Y tế đang cố gắng thay đổi tình trạng này, gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ Y tế đã được ban hành.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Điểm nóng:
Công ty của nữ đại gia tổ chức siêu đám cưới nợ bao nhiêu tiền?

Bản di chúc có chữ "Tuyệt đối bí mật" của Bác Hồ

Chủ tịch TP Hà Nội: Đổi giờ, vẫn tắc! Sự thật về chuyện "con đại gia" tổ chức lễ rước dâu bằng xe trâu

Cụ rùa hồ Gươm lại nổi gần 1 giờ

Bút tích "độc" bằng tranh của Bác Hồ (P1)
Nữ sinh trở dạ trong lớp học muốn trở thành sinh viên đại học Vượt ngục chấn động:Lấy bàn chải đục cửa, trám tường bằng giấy vệ sinh

Ngọc Quang