"Các Bộ trưởng nên tự lái xe đến công sở để thấu hiểu nỗi tắc đường"

29/04/2012 06:22
Độc giả Nguyễn Huy
(GDVN) - "Có tự mình lái xe đến công sở trong giờ cao điểm, chứng kiến cảnh ùn tắc giao thông, ý thức tham gia giao thông của người dân thì các vị Bộ trưởng mới thấu hiểu và đưa ra phương án giải quyết đúng đắn, tối ưu...", độc giả Nguyễn Huy bày tỏ.
Xung quanh câu chuyện về vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM và đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, đã có rất nhiều ý kiến tranh luận, đóng góp, hiến kế...gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam.

Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải bài viết của độc giả Nguyễn Huy với nội dung hiến kế trong việc giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông Mời bạn đọc cùng theo dõi:

Câu chuyện ùn tắc giao thông là câu chuyện đã trở nên quá thường nhật ở các đô thị lớn ở nước ta là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh nên việc cùng nhau đóng góp các ý kiến tìm ra phương án tối ưu nhất để giải quyết vấn nạn này là điều được trông chờ nhất. Và trong những ngày qua, theo dõi báo chí, tôi thấy đã có rất nhiều những ý kiến, hiến kế của người dân đã được đưa ra nhằm đóng góp cho ngành GTVT trong việc giải quyết vấn nạn này. Tôi không biết, người đứng đầu ngành GTVT là Bộ trưởng Đinh La Thăng có đọc được những "kế sách" này không, nhưng với ý thức của một người công dân, hôm nay tôi vẫn xin nêu vài ý kiến mong muốn gửi tới Bộ trưởng cùng các ngành liên quan. Các ý kiến tôi sẽ cố gắng trình bày rất ngắn gọn.
Độc giả mong muốn Bộ trưởng Thăng cùng các Bộ trưởng, lãnh đạo các thành phố lớn nên thử tự mình cầm lái xe ôtô riêng đến công sở trong giờ cao điểm (Ảnh minh họa/ Internet).
Độc giả mong muốn Bộ trưởng Thăng cùng các Bộ trưởng, lãnh đạo các thành phố lớn nên thử tự mình cầm lái xe ôtô riêng đến công sở trong giờ cao điểm (Ảnh minh họa/ Internet).

Trước hết, tắc đường là vấn nạn của toàn xã hội đang phải gánh chịu và những hệ lụy của nó thì đã thấy rất rõ ràng, xin phép cho tôi không tiện nêu ra ở đây. Cái ý chính mà tôi muốn nêu ra ở đây là, thời gian vừa qua, chúng ta đã đưa ra rất nhiều những sáng kiến, giải pháp này nọ, tốn kém nhiều tỉ đồng nhằm giải quyết vấn nạn này, tuy nhiên, hiệu quả của nó thì vẫn là những điều mà đáng phải buồn.  Lý giải việc này, có nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi, nguyên nhân hàng đầu vẫn là những giải pháp đó mới chỉ là những giải pháp mang tính tình thế, có tầm nhìn hạn chế, chưa thực sự bám vào những nguyên nhân chính dẫn đến tắc đường thời gian qua. Nói như vậy, tôi cũng có một câu hỏi mong muốn được gửi đến các vị Bộ trưởng, các vị chủ tịch UBND của các thành phố lớn là không biết các Ngài đã từng tự cầm vô - lăng, để lái xe riêng chứ không phải đi xe công đến công sở chưa và hơn nữa là đi vào giờ cao điểm trong nội đô chưa (?). Nếu chưa, thì tôi khẩn khoản mong muốn các Ngài, hãy thử một lần tự mình lái xe riêng đến công sở trong giờ cao điểm. Tại sao lại vậy ư, vì có tự mình cầm tay lái trong giờ cao điểm đến công sở các Ngài mới thấy hết được cảnh ùn tắc giao thông nó diễn ra trầm trọng đến thế nào và những người dân khi tham gia giao thông trong thời điểm này phải căng thẳng, khó khăn đối phó ra sao. Và đồng thời thấy được ý thức tham gia giao thông của người dân hiện nay như thế nào. Cũng chắc chắn rằng, khi tự mình cầm lái trên đường khi ùn tắc các Ngài sẽ thấy được rõ ràng hơn những hạn chế, bất cập của hệ thống giao thông ở các đô thị hiện nay. Từ sự thấu hiểu, thực tế, tôi nghĩ rằng, việc đưa ra những phương án giải quyết đúng đắn, tối ưu vấn nạn ùn tắc giao thông là điều chắc chắn. Tôi còn nhớ, cách đây không lâu, sau khi có bức tâm thư của một độc giả gửi đến Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng mời ông đi thử xe buýt vào giờ tan tầm, ngay sau đó, Bộ trưởng đã thực hiện thị sát thực tế và có những ý kiến về hoạt động của xe buýt. Vì thế, tôi mong muốn, giờ đây, các vị Bộ trưởng, đặc biệt là Bộ trưởng Thăng cùng lãnh đạo UBND Tp Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh hãy sớm tự mình cầm vô - lăng xe riêng tham gia giao thông trong giờ cao điểm để đến công sở.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Thứ hai, cùng với đó tôi cho rằng, muốn giải quyết triệt để vấn nạn ùn tắc giao thông phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đó chú trọng đến 3 điểm: +/ Điểm thứ nhất: Phải xây dựng được qui hoạch chiến lược về giao thông có tầm nhìn dài hạn, trong đó xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với đầy đủ các loại hình, các loại phương tiện giao thông công cộng. Đây là việc cần thời gian và vốn lớn. Nhưng lại là điểm quan trọng nhất để giảm ùn tắc giao thông. +/ Điểm thứ hai: cần làm ngay, đó là tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ. Mức xử phạt ở các đô thị có thể tăng gấp 5 - 7, thậm chí hơn nữa so với mức hiện nay. Làm như vậy sẽ giúp răn đe, nâng cao ý thức chấp hành nghiêm luật giao thông đối với người dân. Đồng thời với xử phạt, chúng ta cũng tiến hành gửi giấy báo về từng địa phương, cơ quan, trường học nơi người vi phạm đang cư trú, làm việc, học tập. Các giấy báo này phải được niêm yết công khai, kể cả thông báo trên các trạm thông tin, đài truyền thanh của địa phương để răn đe. Bên cạnh đó, việc giám sát, xử lý thật nghiêm các cán bộ tham gia xử lý giao thông vi phạm, cố tình nhận tiền để bỏ qua lỗi là điều cũng rất cần thiết.
+/ Điểm thứ ba:
là thực hiện nay việc tái lập trật tự ở lòng đường, vỉa hè các tuyến đường, phố trong các đô thị. "Đường có thông, hè có thoáng" sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Cùng với đó, là nâng cao chất lượng, xây dựng chương trình đào tạo mới cho các trường, trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe hiện nay. Thực tế, chương trình đào tạo lái xe hiện nay của chúng ta còn quá nhiều bất cập, hạn chế, tình trạng "mua - bán" bằng vẫn diễn ra. Vì thế đây cũng là điều cần phải làm ngay. Ùn tắc giao thông và giải quyết nó là trách nhiệm của toàn xã hội. Khi mọi người tự ý thức được trách nhiệm của mình, thì chắc chắn việc giải quyết nó sẽ đơn giản hơn.Mọi ý kiến đóng góp, hiến kế xin mời bạn đọc gửi về:toasoan@giaoduc.net.vn
Độc giả Nguyễn Huy