Cán bộ dự án "nuôi muỗi" ra "tối hậu thư gỡ bài" với phóng viên

04/03/2016 07:10
XUÂN QUANG
(GDVN) - Cán bộ dự án "Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam” đề nghị phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam gỡ bài để tránh tình huống đáng tiếc…

Sau bài viết “Việt Nam từng chủ động nuôi chủng muỗi Aedes, trung gian truyền virus Zika, được đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 18/2/2015, một người giới thiệu là cán bộ dự án "Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam” (trực thuộc quản lý của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương) đã có “phản hồi” không chính thức.

Trong email cá nhân gửi phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cán bộ dự án này cho rằng, một số nội dung phản ánh trong bài báo là sai sự thật.

Sốt xuất huyết là bệnh phổ biến ở Việt Nam, trong đó muỗi Aedes aegypti là tác nhân truyền bệnh chính (ảnh: eliminatedengue.com)
Sốt xuất huyết là bệnh phổ biến ở Việt Nam, trong đó muỗi Aedes aegypti là tác nhân truyền bệnh chính (ảnh: eliminatedengue.com)

Bức thư được gửi đi từ địa chỉ email mang tên bà Đào Anh Thư có nội dung: “Vào ngày 16/02/2016, cán bộ dự án đã viết email, trả lời các câu hỏi liên quan đến hoạt động của dự án để hỗ trợ phóng viên viết bài báo đăng trên trang Báo điện tử Giáo dục Việt Nam số ra ngày 18/02/2016.

Đồng thời, cán bộ dự án đã đề nghị phóng viên đổi tên tiêu đề bài báo nhưng phóng viên giải thích lại là không thể thay đổi được.

Tuy nhiên, tiêu đề “Việt Nam từng chủ động nuôi chủng muỗi Aedes, trung gian truyền virus Zika” là một tiêu đề không rõ ràng và không chính xác.” 

Điều đáng nói là mặc dù vị đại diện dự án không nêu được căn cứ để chứng minh cho nhận định của mình, nhưng vẫn ra "tối hậu thư": “Lãnh đạo Ban quản lý dự án ‘Hướng tới loại trừ sốt

Cán bộ dự án "nuôi muỗi" ra "tối hậu thư gỡ bài" với phóng viên ảnh 2

Việt Nam từng chủ động nuôi chủng muỗi Aedes, trung gian truyền virus Zika

xuất huyết tại Việt Nam” đề nghị phóng viên gỡ bỏ bài báo này xuống khỏi Báo Giáo dục Việt Nam trước ngày 04/03/2016. 

Sau thời hạn này, nếu bài báo vẫn còn trên trang điện tử của Báo, lãnh đạo Ban quản lý dự án sẽ trực tiếp liên lạc đến Toà soạn để làm việc, đồng thời tránh tình huống đáng tiếc xảy ra”, bà Đào Anh Thư tỏ ra mất bình tĩnh.

Liên quan tới tiêu đề, nội dung bài viết, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam khẳng định những thông tin phản ánh trong bài viết nêu trên là có cơ sở.

Xin được nhấn mạnh rằng, Tòa soạn tìm hiểu và đăng tải bài viết “Việt Nam từng chủ động nuôi chủng muỗi Aedes, trung gian truyền virus Zika là thực hiện trách nhiệm xã hội của báo trước nguy cơ dịch Zika có thể tràn vào Việt Nam.

Cho đến thời điểm này, dịch Zika chưa vào Việt Nam theo khẳng định của cơ quan y tế. Tuy nhiên, kết quả tìm hiểu của chúng tôi cho thấy từ năm 2005, trên đảo Trí Nguyên (Nha Trang, Khánh Hòa) đã có dự án nuôi thả một loại muỗi có tên Aedes aegypti.

Tên loài muỗi này, trùng với loài được cho là trung gian truyền bệnh Zika trên thế giới.

Nhiều nhà khoa học lo ngại, mặc dù ở Việt Nam chưa có bệnh Zika, nhưng rất có thể đã có vật trung gian truyền bệnh được thả nuôi từ lâu. Mối quan tâm của họ hướng tới loài muỗi đã được nuôi thả nêu trên.

Nhân dân trên đảo Trí Nguyên cũng nhận xét rằng, loài muỗi được thả rất khỏe, đốt rất đau và dị biệt so với muỗi bản địa.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết dự án "nuôi muỗi" trên do Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa thực hiện.

Tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam khẳng định đã thực hiện bài viết một cách chuẩn mực, đa chiều, đúng quy định.

Trong trường hợp các bên liên quan có trao đổi thêm, hoặc có ý kiến, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu.

Việc bà Đào Anh Thư có "tối hậu thư yêu cầu gỡ bài" mà không đưa ra được các lập luận, bằng chứng khoa học thể hiện thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam không đồng tình với cách làm việc này.

XUÂN QUANG