Chủ tịch Hội HN Việt - Trung: "Không ai có quyền dạy ai bài học"

05/07/2011 00:40
(GDVN) - "Là người Việt Nam, dứt khoát chúng ta không cho phép ai xúc phạm chúng ta và cũng chẳng ai là người có thể dạy cho ai bài học cả".

(GDVN) - "Là người Việt Nam, dứt khoát chúng ta không cho phép ai xúc phạm chúng ta và cũng chẳng ai là người có thể dạy cho ai bài học cả", ông Đoàn Mạnh Giao, nguyên Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc khẳng định.

{iarelatednews articleid='5329,5248,5081,4884,4824,4625,4546,4230,4069,4001'}

"Ta không mắc mưu những kẻ mang tư tưởng cực đoan, sô vanh"
PV: Là chủ tịch Hội Hữu nghị việt Nam – Trung Quốc, ông đánh giá thế nào về những hành vi gây hấn vừa qua từ phía Trung Quốc?
Ông Đoàn Mạnh Giao: Là công dân Việt Nam, thái độ của tôi cũng giống những người Việt Nam khác đó là bất bình và tức giận. Đường lưỡi bò 9 điểm không có cơ sở pháp lý nào cả. Vừa rồi tàu Trung Quốc lại cắt cáp 2 tàu thăm dò của PVN lại càng dấy lên các tầng lớp xã hội một sự phẫn nộ. Đó là tình cảm tất yếu của những người Việt Nam yêu nước.  
Ông Đoàn Mạnh Giao - Chủ tịch Hội HN Việt - Trung
Ông Đoàn Mạnh Giao

Tôi ở Trung Quốc 14 năm nên rất hiểu con người và văn hóa Trung Quốc. Tôi cũng có rất nhiều bạn bè Trung Quốc nhưng rất bất bình với cách hành xử từ phía Trung Quốc. 

Ở đây tôi không nói chính phủ mà có thể chỉ là cơ quan cấp dưới. Trong khi lãnh đạo cấp cao của hai nước đã nói rất nhiều đến quan hệ “mười sáu chữ” và “bốn tốt’…  nhưng phía Trung Quốc lại để tàu Hải giám ngăn cản hoạt động hợp pháp của Việt Nam tại biển Đông như vậy.
Không chỉ có vậy mà tướng Trung Quốc lại còn lớn tiếng dọa “cho Việt Nam một bài học lớn hơn”. Tôi nghĩ đó không phải là tiếng nói chính thống từ lãnh đạo cấp cao nhất mà chỉ là tiếng nói cực đoan từ một bộ phận.
Trước tình hình đó, tất cả người dân Việt Nam cần phải tỉnh táo. Thể hiện lòng yêu nước là đúng nhưng phải bình tĩnh. Ta không mắc mưu của một số lời lẽ hô hào của những kẻ cực đoan, mang tư tưởng sô vanh nước lớn.
"Người TQ hỏi tôi: Tại sao Việt Nam mua vũ khí để đánh lại TQ"
Ông Đoàn Mạnh Giao: Báo chí Trung Quốc cũng có nhiều tờ đưa thông tin sai. Tôi xin kể câu chuyện thế này: Vào ngày 2/9/2010, tôi cùng 1 đoàn của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch trong đó có Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh sang Trung Quốc dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập quan hệ Việt Nam -  Trung Quốc và cũng là Quốc khánh Việt Nam. Phía bạn có đưa chúng tôi xuống Thượng Hải làm lễ kéo cờ Việt Nam rất trọng thể.
Sau đó họ tổ chức cho đoàn Việt Nam du ngoạn trên sông Hoàng Phố, Lúc tôi ra ngoài hút thuốc, có rất nhiều thủy thủ thấy có một quan chức Việt Nam ra ngoài, biết tôi nói được tiếng Trung Quốc nên họ chất vấn: không hiểu tại sao phía chính phủ Việt Nam lại đi mua tàu ngầm, máy bay và vũ khí hiện đại để chuẩn bị đánh lại phía Trung Quốc?
Thế thì tôi cũng hỏi lại: “Các bạn nghe tin này ở đâu?” Họ trả lời: “Trên báo chí của chúng tôi đăng”.
Tôi cũng rất bình tĩnh trả lời là: Thứ nhất nếu các báo đăng thì các bạn không nên tin tất cả những gì báo chí nói. Tôi đặt lại câu hỏi: Đất nước tôi vừa trải qua mấy mươi năm chiến tranh, diện tích lại nhỏ hơn các bạn nhiều lần, dân số ít hơn đất nước các bạn 15 lần thì dại gì mà chúng tôi lại đi gây chiến với một nước khổng lồ hơn hẳn chúng tôi về tiềm lực quân sự và kinh tế. Nếu ở địa vị các bạn là lãnh đạo một quốc gia như thế, các bạn có phát động chiến tranh chống lại một nước khổng lồ như thế không?
Còn việc mua sắm vũ khí, chả phải riêng Việt Nam mà nước nào cũng thế, trước kia chúng tôi chưa có tiền và vì nghèo nên chúng tôi mua sắm ít, còn bây giờ chúng tôi khấm khá hơn thì chúng tôi mua nhiều để bảo vệ chủ quyền đất nước. Bảo vệ chủ quyền dân tộc, bảo vệ lãnh thổ thì chẳng phải Việt Nam mà hơn 160 quốc gia trên thế giới, nước nào cũng làm thế.
Ví dụ rõ nhất là các bạn: Các bạn có tàu ngầm, hàng không mẫu hạm mà các bạn vẫn mua các loại máy bay hiện đại của Nga… Ngân sách quân sự của các bạn rất lớn. Có phải là để các bạn xâm chiếm Việt Nam đâu. Chúng tôi không bao giờ nói các bạn mua vũ khí để đánh chúng tôi cả. Thế tại sao khi chúng tôi mua vũ khí  lại nói là chuẩn bị đánh các bạn”. Thế thì tất cả họ đều cười.
Tôi không tin những nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ chuẩn bị có một cuộc “dạy cho Việt Nam một bài học”. Tôi tin họ có đầu óc tỉnh táo để không làm điều đó vì nhiều lẽ: Thứ nhất là: Trung Quốc đang cần một môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế. Thứ hai: họ muốn thế giới nhìn nhận Trung Quốc như một quốc gia hòa bình, không theo đuổi chủ nghĩa bá quyền. Đó là một cam kết chính trị rất cao của nhà lãnh đạo cao cấp Trung Quốc.
Thứ ba: quan hệ quốc tế bây giờ không cho phép họ làm như vậy. Đây không phải là lúc cho quyết định này. Thứ tư là Việt Nam – Trung Quốc có một lịch sử gắn bó nên tôi không tin các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại muốn có hành động gây tổn hại lớn đến hòa bình. Ta cũng không muốn như vậy vì sẽ chẳng có nước nào thắng nếu điều đó xảy ra.
"... chẳng ai là người có thể dạy cho ai bài học"
PV: Ông có bất ngờ về những hành vi gây hấn của Trung Quốc không?
Ông Đoàn Mạnh Giao: Việc các tàu Trung Quốc gây hấn thường xuyên xảy ra năm nào cũng có. Chẳng qua 2 vụ xảy ra gần đây xảy ra gần đây liên tiếp nghiêm trọng hơn và đã bị dư luận thế giới phản đối. Tôi không bất ngờ nhưng bức xúc hơn. Tôi nghĩ họ không bao giờ từ bỏ ý đồ và chúng ta, chúng ta quyết không bao giờ chịu mất lãnh thổ do cha ông để lại.
Ông Đoàn Ngọc Giao bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào
Ông Đoàn Mạnh Giao gặp Chủ tịch
Trung Quốc Hồ Cẩm Đào
PV: Có nhiều nhà ngoại giao và quân sự Việt Nam đã cho rằng chúng ta cần phải quốc tế hóa vấn đề và tuyên truyền nhiều hơn?
Ông Đoàn Mạnh Giao: Trong thời gian vừa qua báo chí đã lên tiếng rất đúng, kịp thời. Như vậy là rất tốt. Tuy nhiên chúng ta cần công khai hóa hơn nữa.
 
Chúng ta không giấu nhân dân điều gì cả. Làm như vừa rồi cũng đã là tốt rồi. Nhưng chúng ta cần công khai hóa mạnh hơn nữa.
Trung Quốc với tư cách là một nước lớn thì Trung Quốc phải thương lượng trên cơ sở chân thành chứ vừa thương lượng vừa dọa dẫm thì không bao giờ xong.
Trong quan hệ quốc tế không ai được dùng những lời lẽ sô vanh, mạt sát, xúc phạm đến danh dự của một quốc gia nào cả. Là người Việt Nam, dứt khoát chúng ta cũng không cho phép ai xúc phạm chúng ta cả và cũng chẳng ai là người có thể dạy cho ai bài học cả.
Phía ta phải biết kiềm chế. Tôi ủng hộ việc chúng ta bày tỏ thái độ phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền dân tộc miễn rằng chúng ta không quá khích và phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Nếu như chỉ là phản ứng ở cấp thấp thì vấn đề không giải quyết ổn thỏa được. Theo tôi ngoài tuyên truyền thì lúc này là lúc thích hợp để lãnh đạo cấp cao của hai nước gặp nhau thực hiện đúng như những gì từng thỏa thuận với nhau.
PV: Thời gian vừa qua, nhiều học giả lên tiếng cho rằng, tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong giới trẻ ở hai quốc gia có thể “giết chết” tình hữu nghị giữa Việt Nam - Trung Quốc. Ông nhìn nhận gì về vấn đề này?
Ông Đoàn Mạnh Giao: Không phải. Lòng yêu nước của nhân dân ta là tất yếu. Người lãnh đạo cũng như các cơ quan hữu quan không nên làm thui chột đi tình hữu nghị và coi đó chuyện gì đó ghê gớm lắm. Đồng thời phải hướng dẫn bảo vệ chủ quyền và tính đến chỗ không đẩy vấn đề lên mức làm cho xấu thêm.
Tôi nghĩ rằng hai bên không nên sử dụng những từ ngữ thóa mạ dân tộc khác. Chúng ta cần phân biệt lòng yêu nước của nhân dân ta với sự lợi dụng của các đối tượng phản động ở nước ngoài.
PV: Là Chủ tịch hội Hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, ông có nghĩ đã đến lúc, Hội đóng một vai trò tích cực hơn trong việc thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước đồng thời phải có những động thái nhằm giúp nhân dân Trung Quốc hiểu được chủ quyền hợp pháp của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?
Ông Đoàn Mạnh Giao: Khi đã có tuyên bố của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nên hội Hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc không đưa ra tuyên bố nữa. Đương nhiên trách nhiệm của hội Hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc cũng như các hội hữu nghị khác là thặt chặt tình cảm gắn bó giữa hai quốc gia đi kèm với đó là bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam.
Tôi và đại sứ Trung Quốc vẫn là bạn bè của nhau, vẫn hỏi han nhau. Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo đủ sáng suốt để trân trọng mối quan hệ quý báu của hai dân tộc.
Cảm ơn ông!
Tuệ Minh