Chuyện ít biết về vị Phó thuyền trưởng Tàu ngầm 184 - Hải Phòng

17/08/2019 07:10
Đỗ Thơm
(GDVN) - Được trở thành một người lính phục vụ trên tàu ngầm là vinh dự và tự hào của bất cứ chiến sĩ nào. Vì thế, các chiến sĩ luôn nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Tự hào là chiến sĩ tàu ngầm 

Khi những chiếc tàu ngầm kilo hiện đại được trang bị cho Hải quân nhân dân Việt Nam với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo, nhiều người không khỏi thắc mắc những người lính như thế nào có thể được là chiến sĩ tàu ngầm.

Cuộc trò chuyện với Thiếu tá Trần Văn Phương - Phó thuyền trưởng Tàu ngầm 184 - Hải Phòng (Lữ đoàn Tàu ngầm 189, Quân chủng Hải quân) đã giúp chúng tôi hiểu rõ thêm về phẩm chất của những người lính hải quân.

Vừa qua tại Hội nghị 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (2014-2019) toàn quân, Thiếu tá Trần Văn Phương là một trong 119 cá nhân được vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Quốc phòng.

Bên lề hội nghị, Thiếu tá Trần Văn Phương đã có những chia sẻ về quá trình học tập, công tác của mình để có vinh dự là một chiến sĩ được công tác trên tàu ngầm 184 - Hải Phòng.

Thiếu tá Trần Văn Phương - Phó thuyền trưởng Tàu ngầm 184 - Hải Phòng (Lữ đoàn Tàu ngầm 189, Quân chủng Hải quân) trong lần ra Hà Nội dự Hội nghị 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Thơm
Thiếu tá Trần Văn Phương - Phó thuyền trưởng Tàu ngầm 184 - Hải Phòng (Lữ đoàn Tàu ngầm 189, Quân chủng Hải quân) trong lần ra Hà Nội dự Hội nghị 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Thơm

Vào cuối năm 2009, anh tốt nghiệp Học viện Hải quân với quân hàm Trung úy và được điều về công tác tại Vùng 3 Hải quân.

Tại đây, trên cương vị là Phó thuyền trưởng tàu tên lửa, Lữ đoàn 172, anh luôn tự ý thức phải nêu cao trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Năm 2010, trước yêu cầu chuẩn bị cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển lực lượng tàu ngầm cấp chiến dịch của Hải quân nhân dân Việt Nam, anh được lựa chọn đi đào tạo chuyên ngành Hàng hải tàu ngầm tại Nga.

Vị Phó thuyền trưởng Tàu ngầm 184 - Hải Phòng cho biết, anh may mắn được hai lần học tập tại nước Nga.

Lần đầu là vào năm 2010 khi được Quân chủng Hải Quân lựa chọn đi học chuyên ngành Hàng hải tàu ngầm. Sau khi kết thúc khóa học về nước được ít ngày, anh nhận được vinh dự lớn và cũng là thử thách mới khi được tuyển chọn vào Kíp tàu ngầm số 3 thuộc Lữ đoàn 189. Anh có thêm hai năm trở lại xứ sở bạch dương với nhiệm vụ mới không kém phần nặng nề, vất vả.

Nhớ về lần đầu được cử đi học tập tại nước Nga, anh chia sẻ: “Tâm trạng lúc đó của tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì được thủ trưởng các cấp tin tưởng giao nhiệm vụ mới. Lo vì không biết mình có đủ sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó không.

Khi đó, khó khăn của tôi là rào cản về ngôn ngữ với các chuyên gia và khác biệt về văn hóa.

Nhưng trở thành thủy thủ tàu ngầm chính là vinh dự, tự hào không chỉ của bản thân mà còn với gia đình. Đó còn là ước mơ của tất cả những sĩ quan trẻ mới ra trường như tôi khi đó.

Vì vậy, tôi luôn tự nhủ bản thân không lùi bước, tranh thủ mọi thời gian, cơ hội để tiếp thu kiến thức".

Trước khi nhận quyết định sang Nga 3 tháng, anh đã xin phép đơn vị cho đi học để bổ túc ngoại ngữ tại Trường Đại học Ngoại ngữ.

Chia sẻ về quá trình học tập ở Nga, Thiếu tá Phương cho biết, ngoài thời gian lên lớp, anh thường xuyên trò chuyện với các học viên một số nước như Ấn Độ.

Những ngày nghỉ anh tham gia hoạt động cộng đồng với các sinh viên Việt Nam, sinh viên Nga.

Ngoài ra, anh cũng tranh thủ đến các nơi tham quan và đi cùng các đoàn khách để nghe hướng dẫn viên Nga thuyết minh, nói chuyện.

Vì vậy, trong thời gian ngắn anh đã trau dồi được vốn ngoại ngữ và tự tin trong giao tiếp, phục vụ trực tiếp cho công việc học tập và huấn luyện tại nước bạn.

"Trong khi học về các thiết bị tàu ngầm, tôi ghi nhớ các nội dung cốt lõi, đánh dấu các vấn đề chưa hiểu để giờ ôn tập, nghiên cứu tài liệu trao đổi với các chuyên gia, các sĩ quan Nga qua đó giải quyết được nhanh chóng các vấn đề còn thắc mắc.

Khi huấn luyện trực tiếp trên tàu ngầm cùng với các chuyên gia Nga, tôi nắm chắc cách bố trí các thiết bị cũng như thành thạo các thao tác vận hành, sử dụng các thiết bị đó.

Đồng thời so sánh giữa thực tế và lý thuyết khi tổ chức, thực hiện bố trí các mảng chiến đấu, đấu tranh bảo vệ tàu ngầm với sự hiệp đồng các vị trí trên tàu.

Qua những chuyến đi biển, các hạn chế và khuyết điểm được chuyên gia Nga chỉ ra, bản thân tôi rút kinh nghiệm và tìm ra cách khắc phục.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bản thân tôi luôn xác định đặt nghiêm kỷ luật lên hàng đầu. Phấn đấu xây dựng và giữ gìn Lữ đoàn "3 đặc biệt": Tinh thần đặc biệt, đoàn kết đặc biệt và kỷ luật đặc biệt.

Chính vì vậy, trong một thời gian ngắn, tôi và đồng đội đã hoàn thành khóa huấn luyện chuyển giao kết quả tốt, được chuyên gia Nga đánh giá cao.

Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh người sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam khiêm tốn, cầu thị và hăng say học tập cũng như hòa đồng, thân thiện với bạn bè quốc tế", Thiếu tá Phương chia sẻ.

Trung tá Nguyễn Danh Tuệ: Vui vì học sinh có bữa cơm no để học chữ
Trung tá Nguyễn Danh Tuệ: Vui vì học sinh có bữa cơm no để học chữ

Về nước nhận nhiệm vụ, để bảo đảm tài liệu phục vụ huấn luyện, bản thân anh cũng đã trực tiếp biên soạn 2 tài liệu và tham gia hiệu chỉnh 10 đầu tài liệu tiếng Nga (trên 900 trang) về chuyên ngành tàu ngầm.

Anh cũng triển khai thực hiện nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.

Các tài liệu và sáng kiến đều được thẩm định, đánh giá cao và ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn khai thác và hoạt động của tàu ngầm, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tiết kiệm nguồn kinh phí.

Cảm ơn gia đình là hậu phương vững chắc

Chia sẻ về quá trình phấn đấu, công việc, ở anh chúng tôi nhận thấy sự chính xác, nghiêm túc với giọng nói nhanh, gọn, dứt khoát. Nhưng khi được hỏi về gia đình, hậu phương của anh và những người lính tàu ngầm có gì đặc biệt, giọng anh có chút trầm lại.

Anh chia sẻ, hiện tại gia đình đang sinh sống ở Đà Nẵng. Mỗi chuyến đi của anh thường kéo dài 3-4 tháng.

"Nếu không có nhiệm vụ đặc biệt, tôi được tranh thủ về nhà 5-7 ngày. Tuy nhiên, nhiệm vụ của đơn vị có những đợt kéo dài 6 tháng.

Không phải với riêng tôi, mà với tất cả các chiến sĩ tàu ngầm đều tương tự như vậy.

Thực sự tôi phải cảm ơn gia đình, vợ con, bố mẹ hai bên nội ngoại đã tạo hậu phương vững chắc để tôi yên tâm hoàn thành nhiệm vụ", Thiếu tá Phương xúc động chia sẻ.

Anh cho biết, đã xuống tàu ngầm là các thiết bị liên lạc, sóng điện thoại không có.

Tất cả là hoạt động bí mật cho nên chính vợ con, bố mẹ cũng không thể biết các anh đi khi nào và về khi nào, đã xuống tàu ngầm là "biến mất".

Anh Phương chia sẻ một kỷ niệm vui: "Khi vợ tôi mang bầu, tôi có hứa là khi bà xã sinh em bé, tôi sẽ cố gắng về và chăm con cùng vợ, nhưng khi vợ sinh đơn vị lại có nhiệm vụ đột xuất nên tôi phải đi.

Thời điểm vợ sinh em bé, không thể liên lạc được với tôi. Tất cả tôi phải nhờ nội ngoại hai bên.

Đến khi tôi cập cảng mới nhận được tin nhắn của gia đình cho biết con trai đã chào đời được 10 ngày. Lúc đó, tôi có báo cáo chỉ huy đơn vị xin phép về tranh thủ được 5 ngày".

Từ lúc yêu nhau, rồi kết hôn, vợ tôi đã rất hiểu tính chất công việc của chồng. Vì thế, tôi mới có thể toàn tâm toàn ý cùng các chiến sĩ trong đơn vị hoàn thành nhiệm vụ.

Nhưng cũng có lúc, vợ tôi vẫn nói đùa là nếu mà còn như lần sinh con đầu thì sẽ không sinh em bé thứ 2".

Dù có những thử thách, Thiếu tá Phương khẳng định: “Được trở thành một người lính phục vụ trên tàu ngầm là niềm vinh dự và tự hào của bất cứ chiến sĩ nào. Chính vì thế, dù thế nào, chúng tôi cũng không lùi bước, sẽ bằng mọi nỗ lực để hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo".

Đỗ Thơm