Chuyến từ thiện Pả Vi giúp mình có thêm động lực làm việc

24/12/2011 06:00
Kim Ngân
(GDVN) - “Chứng kiến những hoàn cảnh của các em, mình thấy quý trọng những gì mình đang có và là động lực để làm việc tốt hơn…”

Đó là lời tâm sự của bạn đọc Vũ Tiến Việt Dũng về chuyến đi từ thiện Pả Vi, huyện Mèo Vạc, Hà Giang với báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cách đây một tuần. Mặc dù về Việt Nam được hơn hai tháng nhưng Việt Dũng đã rất hào hứng tham gia chương trình. Không những thế, Dũng còn huy động cả nhà chung tay góp sức để mang quần áo ấm, chăn ấm đến cho các em vùng cao.

Hạnh phúc khi được chơi với các em

Mặc dù đã nhìn thấy những hình ảnh nghèo khổ, khó khăn của những người kém may mắn nhiều ở trên báo, đài. Nhưng khi chứng kiến tận mắt những gì ở Pả Vi mới thấy cuộc sống của những người dân vùng cao khó khăn, khắc nghiệt hơn rất nhiều, đặc biệt là ở điểm trường lẻ Mã Pì Lèng. Ở đó không có điện, không khí lạnh lẽo, người dân ở tạm bợ nghèo khó…

“Cảm thấy hạnh phúc vì được chơi và tặng quà với các em. Vui hơn nữa là mình mang được cả tình cảm không chỉ của mình mà của bà mình, bác mình, mẹ mình gửi gắm đến học sinh vùng cao trong chuyến đi này”, Tiến Dũng chia sẻ.

Được biết, trước ngày lên đường, cả nhà Tiến Dũng đều chung tay hì hục chuẩn bị quần áo ấm, chăn màn đóng gói đồ đạc ủng hộ cho mình để mang đến tòa soạn báo Giáo dục hai lần để mang chút sẻ chia, yêu thương cho những người dân miền núi.

Đây là lần đầu tiên Tiến Dũng đi với đoàn từ thiện báo Giáo dục Việt Nam lên vùng cao mang quần áo ấm, “bữa cơm có thịt” đến các em vùng cao. “Mình tham gia vì mình muốn chứng kiến và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Sau chuyến đi mình thấy quý trọng những gì mình đang có và là động lực để mình làm việc tốt hơn”.
Hình ảnh về ngôi nhà của ba bà cháu ở Mã Pì Lèng khiến Dũng nhớ mãi. Một ngôi nhà đầy tăm tối, nền đất, ngọn lửa là điểm sáng duy nhất trong ngôi nhà tạm bợ, xập xệ ấy. Dũng tâm sự: “Mặc dù bà cụ không biết nói tiếng Kinh, nhưng bà rất hiếu khách đón tiếp mình. Thật sự lúc đó cảm xúc không thể nói ra thành lời, mình trăn trở không biết làm gì để thay đổi tư duy thói quen, tư tưởng của họ”.

Những ngôi nhà tạm bợ, xập xề như thế này của người dân Pả Vi liệu có chống chọi nổi mùa đông giá buốt?

Bộc lộ cảm xúc trong đêm lửa trại ở Pả Vi, Tiến Dũng chia sẻ: “Mình đứng một chỗ và thấy các em chạy quanh đốm lửa. Thấy khuôn mặt rạng rỡ, sung sướng, cười hạnh phúc, tràn trề sự ấm áp trong đêm giá rét tím tái ở Pả Vi…”

Từ Pả Vi đến Lớp học Hy vọng

Độc giả Tiến Dũng không chỉ là người duy nhất cảm nhận được sự khó khăn, thiếu thốn ở nơi địa đầu của tổ quốc. Còn rất nhiều cảm xúc, ấn tượng đọng lại trong lòng của mỗi thành viên tham gia đoàn từ thiện Pả Vi.

Dũng chia sẻ rằng anh có tượng về người dân Pả Vi hiền lành, chân chất có tinh thần vượt qua khó khăn, đưa Pả Vi giàu có; về những đứa trẻ không mạnh dạn, nhưng hiếu khách mặc dù không hiểu hết tiếng Kinh.

Những đứa trẻ mặc dù không biết rõ tiếng Kinh, còn nhút nhát nhưng rất hiếu khách và luôn mong muốn  học thật giỏi

“Mình mong muốn chia sẻ hơn nữa không chỉ với người dân Pả Vi mà còn người những người dân vùng cao ở sống trên đất nước mình”, Dũng nói.

Không dừng lại ở Pả Vi, trái tim sẻ chia, yêu thương của Dũng tiếp tục hướng đến đến với Lớp học Hy vọng – Lớp học đặc biệt trong Bệnh viện Nhi Trung ương là nơi các bệnh nhân nhí có thể cắp sách đến trường, được vui chơi như bao trẻ em khác.

Đến với lớp học trong thời tiết lạnh giá, khi giáng sinh đang về, Dũng muốn góp chút niềm vui, chia sẻ đến với các em học sinh đặc biệt này. 

Nhân dịp Noel, Tiến Dũng ủng hộ lớp học 100 Euro để động viên các em cố gắng học tập, khỏe mạnh để trở về nhà đi học.

Với các em, Dũng chỉ mong  rằng: “Các em có một giáng sinh vui vẻ, đầm ấm và hạnh phúc. Nhìn những khuôn mặt rạng rỡ của các em, anh tin rằng mọi đau đớn bệnh tật sẽ phải lùi bước. Anh mong các em sẽ có một tương lai tươi sáng”.

Theo sự thống nhất giữa Bệnh viện Nhi Trung ương và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, toàn bộ nguồn ủng hộ cho Lớp học Hy vọng sẽ do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam quản lý.

Mọi sự ủng hộ Lớp học Hy vọng xin gửi về:

- Quỹ Tấm lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn

Kim Ngân