Công tác chỉ đạo và điều hành của Bộ Nông nghiệp sát sao, đúng và trúng

25/12/2020 06:10
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 24/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, 24/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp.

Năm ngoái, Thủ tướng đã 17 lần dự các hội nghị, sự kiện của ngành nông nghiệp và năm nay, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng dự 31 lần. Trong suốt 5 năm qua, lãnh đạo Chính phủ dành nhiều thời gian cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Và hôm nay, Thủ tướng dự hội nghị tổng kết của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để chia sẻ với toàn ngành, với người nông dân về một năm đầy khó khăn, thử thách.

Thủ tướng phát biểu. Ảnh: Báo Nhân dân

Thủ tướng phát biểu. Ảnh: Báo Nhân dân

Năm nay cũng như 5 năm qua, thiên tai, nhân tai, dịch bệnh ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến nông nghiệp, nhưng đây cũng là năm đầy bản lĩnh và thắng lợi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, Việt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP xấp xỉ 3% (năm 2020), theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), là mức cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trên thế giới, có khoảng 1 tỷ người thiếu đói. Cảnh xếp hàng chờ lương thực ở một số nước như vậy khiến chúng ta suy ngẫm, tự hào về phát triển nông nghiệp Việt Nam. Thủ tướng cho rằng, trong đại dịch của thế giới, nông nghiệp Việt Nam bảo đảm an ninh lương thực trong nước, trở thành điểm tựa an ninh lương thực cho nhiều quốc gia, xuất khẩu nông nghiệp đạt rất cao, đặc biệt là sự lên ngôi của lúa gạo Việt Nam, vượt cả Thái Lan, Ấn Độ, soán ngôi số 1 thế giới về giá bán.

Nông nghiệp Việt Nam trong khó khăn một lần nữa cho thấy vai trò sống còn trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, một lần nữa khẳng định tiếp tục làm bệ đỡ của nền kinh tế quốc dân.

Năm 2020, ngành nông nghiệp đã thích ứng tốt với đại dịch, với thiên tai, sản xuất nông lâm thủy sản vẫn duy trì, phát triển, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng của gần 100 triệu dân và phục vụ xuất khẩu.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam

Thủ tướng đánh giá cao ngành nông nghiệp hoàn thành 4 chỉ tiêu quan trọng: Tăng trưởng GDP toàn ngành trên 2,65%. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 41,2 tỷ USD (tăng 2,5% so với năm 2019), thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, 5 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD, đặc biệt là gỗ đạt trên 12,8 tỷ USD, tôm 3,66 tỷ USD, rau quả 3,35 tỷ USD, hạt điều 3,24 tỷ USD và gạo 3,07 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 42%. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đạt trên 62%, vượt xa mục tiêu đề ra (mục tiêu đến năm 2020 là 50%).

Công tác chỉ đạo và điều hành của Bộ sát sao, đúng và trúng. Đặc biệt đồng chí Bộ trưởng rất sâu sát, kịp thời tham mưu, kịp thời xử lý, đặc biệt những vấn đề nhạy cảm.

Xây dựng nông thôn mới vượt trước kế hoạch đề ra. Thủ tướng cho rằng, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, quan trọng hơn nữa là đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét. Kể lại câu chuyện đến Hải Dương dự ngày hội đại đoàn kết dân tộc vừa qua, Thủ tướng chia sẻ, “thấy nông thôn mà toàn nhà lầu xe hơi”.

Tại hội nghị, Thủ tướng trân trọng biểu dương, đánh giá cao lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương, các cấp, các ngành có liên quan vượt khó, đổi mới sáng tạo, đóng góp quan trọng của thành tích chung của cả nước. Đặc biệt bà con nông dân chịu thương chịu khó vượt qua thiên tai, lũ dữ, bão lớn, dầm mưa, dãi nắng để cùng Chính phủ, các bộ, ngành vượt qua khó khăn để có thành công ngày hôm nay.

Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại, “thấy mừng mà cũng thấy lo” là tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa thực sự bền vững, nhất là khi chịu tác động của các cú sốc thiên tai, dịch bệnh. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, giao thông nông thôn còn nhiều bất cập so với yêu cầu. Thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp so với khu vực thành thị. Lao động nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lao động xã hội. Cho rằng tình trạng phá rừng tự nhiên còn diễn ra, Thủ tướng nêu rõ, phải xử lý nghiêm hành vi này, bất kể là ai, không có vùng cấm.

Về kế hoạch năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, biến nguy cơ thành thời cơ, nguy cơ là sự cực đoan của khí hậu, nhưng chúng ta có kinh nghiệm chống chọi lại với thiên nhiên và đặc biệt thời cơ rất lớn, đó là thị trường được mở ra với việc tham gia 14 hiệp định tự do (FTA), trong đó, có 3 hiệp định ký trong nhiệm kỳ này là CPTPP, EVFTA, RCEP.

Đối với các mục tiêu ngành nông nghiệp năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh, phải đạt tăng trưởng khoảng 3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản hơn 3%. Thủ tướng mong muốn toàn ngành phấn đấu làm sao đạt kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 44 tỷ USD.

Tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và tập trung nâng cao chất lượng rừng. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%; ít nhất 200 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 91%. Thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp; cả nước có gần 20.00 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó trên 16.500 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả.

Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập của người nông dân tăng gấp 1,5 lần hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng nông thôn còn dưới 5%.

Đặc biệt, Thủ tướng nhắc lại phát động và triển khai kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh ở đô thị và nông thôn.

Thủ tướng đề nghị, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Phải chuyển từ đánh bắt thủy sản là chủ yếu sang chiến lược nuôi trồng, nhất là nuôi trồng biển.

Thủ tướng nhất trí với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần ưu tiên bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2021- 2025 cho ngành nông nghiệp nói chung, phấn đấu đạt chỉ tiêu 5 năm sau cao gấp đôi 5 năm trước như định hướng tại Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 26/2012/QH13 của Quốc hội.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, trong đó ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông tin trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị, kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giải phóng lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng.

Phát triển thị trường, cần coi trọng cả xuất khẩu và thị trường trong nước, triển khai chương trình “Đưa hàng hóa từ nông thôn vào thành thị”. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai để chủ động chỉ đạo sản xuất.

Với truyền thống vượt khó của nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Thủ tướng tin rằng chúng ta sẽ xây dựng một nước có nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Nông dân sẽ ngày càng giàu có hơn. Nông thôn sẽ ngày càng văn minh, phồn vinh, thân thiện và đáng sống hơn.