Đại học công lập tuyển sinh đa ngành, nhưng rất khó kiểm soát chất lượng

27/09/2021 06:39
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Lê Trường Tùng nhấn mạnh, phải kiểm soát chặt việc mở ngành, chất lượng kém thì cần yêu cầu nhà trường dừng đào tạo ngành đó.

Hiện nay, đa số các trường đại học công lập đều hướng tới đào tạo đa ngành vì nhiều nguyên nhân khác nhau và điều đáng nói là chỉ tiêu tuyển sinh của những ngành mới mở cao hơn rất nhiều so với ngành học mũi nhọn truyền thống của trường.

Theo thông tin từ website của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, chỉ tiêu tuyển sinh các ngành như Quản trị kinh doanh, luật, marketing, Kế toán, Công nghệ thông tin... dao động từ 150 đến 380. Trong khi đó, những ngành "truyền thống" như Khí tượng khí hậu học, Thủy văn học, Kỹ thuật địa chất... chỉ tiêu tuyển sinh chỉ dừng lại ở con số 40.

Đối với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trong khi những nhóm ngành như Công nghệ kỹ thuật ô tô, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử... đều hơn 200 chỉ tiêu thì nhóm ngành Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan, Khoa học đất - dinh dưỡng cây trồng... chỉ có 40 chỉ tiêu.

Vấn đề đặt ra là, liệu các trường đại học công lập mở nhiều ngành nghề đào tạo như vậy có còn phù hợp với sứ mệnh thành lập và chiến lược phát triển, hay mục tiêu chính là tuyển được nhiều người học trong bối cảnh tự chủ tài chính?

Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Thành viên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nhân lực, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT. (Ảnh: Thùy Linh)

Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Thành viên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nhân lực, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT. (Ảnh: Thùy Linh)

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Thành viên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nhân lực, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho biết, mô hình trường đại học đa ngành là xu hướng chung trên toàn cầu.

Trong quá trình phát triển, các trường dần chuyển sang dạy đa ngành nhưng vẫn giữ tên trường truyền thống, chẳng hạn như Học viện Nông nghiệp có dạy công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa cũng có mở ngành dạy về lĩnh vực kinh doanh…

Việc dạy đa ngành cho phép các trường cung cấp dịch vụ giáo dục cho đối tượng đông đảo hơn, sinh viên có điều kiện được học toàn diện hơn, phối hợp với nhau khởi nghiệp dễ dàng hơn khi trong nhóm khởi nghiệp cùng trường có cả sinh viên kỹ thuật và sinh viên kinh tế, cho phép hình thành các liên ngành.

Ở một số nước tiên tiến, sinh viên được phép chỉ cần học 2/3 chương trình tại khoa mình, còn 1/3 số tín chỉ được phép lựa chọn tự do từ các khoa khác – và chỉ những trường đa ngành mới làm được điều này.

Tuy nhiên, việc mở đa ngành cũng đặt ra bài toán rất khó cho các trường làm sao thực sự đảm bảo chất lượng đào tạo.

Không dễ kiểm định chất lượng

Theo Tiến sĩ Lê Trường Tùng, khi các cơ sở giáo dục đại học hoạt động theo cơ chế tự chủ thì việc mở ngành là quyền quyết định của từng trường. Tự chủ tạo ra một hành lang pháp lý, các trường sẽ tự đối chiếu với những tiêu chuẩn được đặt ra để thực hiện mở ngành, nhà trường có trách nhiệm giải trình và chịu sự hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước.

Song, dù tự chủ hay không, tự mở ngành hay trình cơ quan khác cho phép mở ngành, thì nguyên tắc chung là các trường đều có trách nhiệm đảm bảo về chất lượng đào tạo.

Theo quy định của Luật Giáo dục Đại học 2018, tất cả các ngành ngay sau khóa đầu tiên tốt nghiệp phải được kiểm định chất lượng, nếu kết quả không đạt thì không được tiếp tục tuyển sinh ngành đào tạo đó.

“Tuy nhiên, chúng ta có hàng trăm trường đại học, mỗi trường mở vài chục ngành, số lượng cần kiểm định lên tới vài chục ngàn, nhưng qua mấy năm chỉ mới kiểm định chưa tới 500 ngành, nên Bộ Giáo dục khó làm chặt chẽ theo quy định đó.

Rõ ràng, chủ trương đã đề cập đến việc những ngành có vấn đề, không đảm bảo chất lượng thì phải ngừng tuyển sinh. Nếu thực hiện chặt chẽ, chuẩn chỉnh quy định này thì chúng ta sẽ tạo điều kiện để đảm bảo về chất lượng.

Dẫu vậy, việc áp dụng quy định vào thực tế còn khó khăn, nếu có thể thì khoảng 3-5 năm nữa chúng ta mới thực hiện được”, thầy Tùng nhận định.

Điều cần lưu ý là khi mở ngành, các trường cũng cần tính đến số lượng tuyển sinh, khả năng đầu tư cơ sở vật chất, việc làm sinh viên khi tốt nghiệp và việc đảm bảo chất lượng như thế nào. Càng nhiều ngành thì việc kiểm định, đảm bảo chất lượng càng yêu cầu tốn nhiều công sức, nguồn lực.

Điều tiết quy mô trường công để hướng vào chất lượng chuyên sâu

Chiến lược phát triển giáo dục đại học được thể hiện ở nhiều khía cạnh, trong đó một trong các nội dung quan trọng là đảm bảo tài chính. Nhưng với tình hình ngân sách eo hẹp hiện nay, không thể dựa vào ngân sách nhà nước để phát triển giáo dục đại học một cách toàn diện.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng chia sẻ: “Việc chuyển các trường công sang phương thức hoạt động tự chủ tài chính là giải pháp đang được thực hiện, nhưng một hệ thống giáo dục đại học của một quốc gia mà chủ yếu dựa vào học phí của người học thì khó phát triển bền vững được.

Nhà nước vẫn phải chi cho giáo dục đại học, và một trong các cách để giảm bớt áp lực ngân sách nhà nước chính là phát triển mạnh hệ thống giáo dục ngoài công lập, không phải như hiện nay, khi 85% sinh viên vào đại học công”.

Ngân hàng Thế giới cũng đã từng đưa ra khuyến cáo, để phát triển trường tư thì nên hạn chế quy mô trường công. Khi đó một trong những giải pháp là các trường công nên tuyển sinh đúng ngành theo sứ mệnh của trường đó, bỏ bớt những ngành không thiết yếu, không đảm bảo chất lượng, “dành đất” cho trường tư phát triển.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng nhận định: “Cần để trường tư chiếm một tỷ lệ quy mô nhất định, có thể khoảng 30%, sau đó để các trường cạnh tranh công bằng theo cơ chế chung. Trường nào đào tạo tốt, đảm bảo chất lượng, tạo dựng được uy tín thì sinh viên sẽ lựa chọn học tập.

Thực ra điều quan trọng là chủ trương có muốn phát triển hệ thống trường đại học tư hay không. Nếu chúng ta đặt mục tiêu tỷ lệ trường tư/trường công là 30/70 như các nước trong khu vực thì sẽ cần có các chính sách phù hợp, góp phần mang lại diện mạo mới cho nền giáo dục đại học nói chung trong 5-10 năm tới”.

Phạm Minh