Đại học Sư phạm Hà Nội 2: Công văn vô lý, sinh viên khốn khổ

08/06/2014 07:50
Nguyễn Xuân Hoàng
(GDVN) - Sinh viên đã thi xong tốt nghiệp, thì nhà trường mới yêu cầu thi lại, thi nâng điểm. Sự vô lý, vi phạm này khiến cho hàng trăm sinh viên khốn khổ..

Sinh viên phn ng vì công văn vô lý

Tại công văn số 09/TB-ĐHSPHN2 do Phó Trưởng phòng đào tạo - Đỗ Chí Nghĩa ký ban hành có nêu rõ: “việc tổ chức thi lại, thi nâng điểm các học phần giáo dục thể chất 1, 2, 3 cho các sinh viên khóa k36.

Trường đại học sư phạm Hà Nội 2, khu vực văn phòng.
Trường đại học sư phạm Hà Nội 2, khu vực văn phòng.

Đối tượng là các sinh viên đã học và có kết quả học tập chưa đạt theo điều kiện sau: Một, điểm trung bình chung tích lũy các học phần giáo dục thể chất nhỏ hơn 2.0 điểm tính theo thang điểm 4. Hai, điểm của một học phần giáo dục thể chất nhỏ hơn 4,5 điểm tính theo thang điểm 10.

Đối với các sinh viên làm đơn xin thi nâng điểm theo mẫu, nộp đơn và lệ phí 10.000 đồng/ học phần. Ngay lập tức công văn được chuyển đến các khoa thông báo cho sinh viên. Khi nhận được thông báo này rất nhiều sinh viên tỏ ra bức xúc.

Một số sinh viên còn truyền tay nhau công văn trên và lo sợ sẽ gặp rắc rối lớn với yêu cầu của nhà trường, rồi cùng nhau hy vọng nhà trường sẽ rút lại công văn vừa mới ban hành.

Công văn bất hợp lý của người Sư phạm Hà Nội 2 bị sinh viên phản đối
Công văn bất hợp lý của người Sư phạm Hà Nội 2 bị sinh viên phản đối

Được biết công văn này được áp dụng với các sinh sinh k36. Trong khi đó rất nhiều sinh viên hỏi: “khóa k36 đã thi xong tốt nghiệp, vài ngày nữa sẽ nhận bằng, thậm chí là nộp cả tiền làm chứng chỉ giáo dục thể chất rồi sao bây giờ mới tổ chức thi lại? Nếu tổ chức thi lại sao không tổ chức trước khi tiến hành tổ chức thi tốt nghiệp có hơn không?”

Thực ra, việc tổ chức thi lại như thế này là sai, bởi vì theo quy định, sinh viên chỉ được thi tốt nghiệp sau khi đã hoàn thành toàn bộ các học phần, tín chỉ. Ở đây, đã thi tốt nghiệp, tức là nhà trường đã công nhận các sinh viên đủ điều kiện, yêu cầu thì lại môn thể dục có hai khả năng. Thứ nhất, nhà trường đã làm không tốt khâu tổ chức đào tạo, dẫn tới hậu quả là thi tốt nghiệp rồi mới thi lại, nâng điểm. Thứ hai, gây khó cho sinh viên để kiếm lợi?

Không những vậy có nhiều em sinh viên cho rằng, trước đây các em thi cứ được 5 điểm trở lên là qua. Bây giờ thêm hai điều kiện tính điểm như trên thì nhiều em mới tá hỏa khi mới biết mình phải thi lại.

Công văn này còn bị nhiều em sinh viên đả kích là viết sai chính tả như: (trung bình thì lại viết là chung bình). Có em bình luận rằng: “có cái chữ trung bình mà viết cũng sai, trường sư phạm cơ đấy, đi dạy học cơ đấy”.

Thi nâng điểm theo hệ đào tạo tín chỉ

Chiều ngày 6/6/2014, phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam đã có cuộc làm việc với ông Trần Tuấn Hà - Phó Bí thư Đảng ủy trường đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Khi được hỏi công văn ngày 5/6/2014 bàn hành với nội dung: “về việc tổ chức thi lại, thi nâng điểm môn giáo dục thể chất ngay lập tức bị sinh viên phản đối ông có biết?”.

Ông Trần Tuấn Hà trả lời: “tôi có biết công văn này”. Phóng viên hỏi: “vậy xin ông cho biết công văn này ban hành đúng hay sai?”. Ông Hà nói rằng: “ Bản thân tôi không dám đánh giá công văn này được ban hành là đúng hay sai, vì tôi chỉ là cá nhân không dám đánh giá công văn của tổ chức. Còn riêng ai làm sai thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm chứ không đổ lỗi cho nhà trường được”.

Còn với câu hỏi, với vai trò là người lãnh đạo, lại là cấp trên thì ông nghĩ thế nào về việc đồng chí Phó Trưởng phòng đào tạo - Đỗ Chí Nghĩa ra công văn này?

Ông Trần Tuấn Hà trả lời “tôi không khước từ vai trò lãnh đạo nhưng anh đừng bắt tôi nhận định”.

Đối với thắc mắc các em sinh viên k36 đã thi xong tốt nghiệp rồi, thậm chí còn nộp cả tiền để làm chứng chỉ giáo dục thể chất rồi, bây giờ nhà trường mới yêu cầu thi lại thể dục là có ý gì?

Ông Trần Tuấn Hà cho rằng “việc làm chứng chỉ bao giờ xong (thi lại thể dục-PV) rồi mới làm. Bao giờ cũng làm hết mọi thứ rồi mới thi tốt nghiệp”.

Tiếp đó, khi được hỏi đã tổ chức thi tốt nghiệp mới yêu cầu sinh viên thi lại, thi nâng điểm là vi phạm các quy định hiện hành của ngành giáo dục, ông Trần Tuấn Hà tỏ ra khá ể oải và lặng thinh không trả lời.

Liên quan đến nội dung thi "nâng điểm", ông Trần Tuấn Hà cho biết nhà trường dựa vào quy định của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên, cả ông Hà lẫn nhân viên phòng chuyên môn nhà trường đều không cung cấp được văn bản mà ông viện dẫn...

Hiện tại, có một số ý kiến gửi tới Báo Giáo dục Việt Nam cho rằng nhà trường ra công văn tréo nghoe như trên nhằm làm khó sinh viên, cốt để thu tiền "chống trượt", ai không qua "cửa" thì khó mà được nhận bằng tốt nghiệp.

Liên quan đến vấn đề trên, ngày 9/6, PGS.TS Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết, chủ trương thi lại, thi nâng điểm nằm trong quy chế đào tạo của nhà trường theo hình thức đào tạo tín chỉ dựa trên Quy chế 43 năm 2007 của Bộ GD&ĐT. Căn cứ vào đây, sinh viên đủ điều kiện để xét và công nhận tốt nghiệp khi tích lũy đủ số tín chỉ quy định cho chương trình đào tạo; điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa đạt từ 2,00 (thang 4) trởi lên; có chứng chỉ giáo dục quốc phòng-an ninh; giáo dục thể chất đối với các ngành đào tạo không chuyên về quân sự và thể dục, thể thao...cùng một số điều kiện khác.

K36 là khóa đầu tiên được đào tạo theo hệ thống tín chỉ; có thể, một số sinh viên chưa nắm kỹ quy chế này, nên khi đọc công văn của nhà trường đã có sự hiểu lầm.Nội dung của công văn đúng theo quy định; việc thu lệ phí thi nâng điểm để sinh viên có ý thức học tập và 10.000đ/học phần nhà trường vẫn phải bù lỗ.

Nguyễn Xuân Hoàng