Đài Loan sẽ không chiếm thêm đảo nào ở Trường Sa?!

26/05/2014 13:29
Hồng Thủy
(GDVN) - Một khi nổ ra xung đột ở Trường Sa, các nhà phân tích và tùy viên quân sự tin rằng Trung Quốc sẽ tìm cách "bảo vệ" đảo Ba Bình như là "của riêng nó".
Tàu Cảnh sát biển Đài Loan, lực lượng đang chốt giữ và kiểm soát trái phép đảo Ba Bình nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tàu Cảnh sát biển Đài Loan, lực lượng đang chốt giữ và kiểm soát trái phép đảo Ba Bình nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Reuters ngày 25/5 đưa tin, Đài Loan đang đầu tư xây dựng 1 cầu cảng trị giá 100 triệu USD bên cạnh đường băng trên đảo Ba Bình (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam - PV) mà không vấp phải sự phản ứng quyết liệt nào là do Trung Quốc nhắm mắt làm ngơ, bởi đại lục hay Đài Loan thì cũng đều là Trung Quốc.

Denny Roy, một thành viên cấp cao Trung tâm Đông Tây từ Hawaii cho rằng, Trung Quốc sẽ bảo vệ lực lượng Đài Loan đồn trú (trái phép) trên đảo Ba Bình nếu cần thiết. Cầu cảng sau khi được nâng cấp có thể đón tàu khu trục hải quân 3000 tấn trong khi tiếp tục kéo dài đường băng 1200 mét lên 1500 mét.

Mặc dù mối quan hệ Trung Quốc - Đài Loan đã ấm lên kể từ năm 2008 khi Mã Anh Cửu lên nắm quyền, nhưng đã không có hòa giải chính trị hoặc tăng cường tin cậy lẫn nhau về quân sự giữa 2 bên. Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ vũ lực để đặt Đài Loan trong tầm kiểm soát của mình. 

Nhưng nếu một khi nổ ra xung đột ở  Trường Sa, các nhà phân tích và tùy viên quân sự tin rằng Trung Quốc sẽ tìm cách "bảo vệ" đảo Ba Bình như là "của riêng nó".

Trung Quốc đã đánh chiếm bất hợp pháp 8 điểm đá,  bãi cát ngầm và rặng san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, 1995. Philippines chiếm giữ 8 đảo, đá và rặng san hô. Malaysia chiếm giữ 7 điểm.

Lực lượng Quốc dân đảng Trung Quốc đã đánh chiếm trái phép đảo Ba Bình vào năm 1946 sau khi Nhật Bản sử dụng đảo này như 1 căn cứ tàu ngầm trong Chiến tranh Thế giới II. 

Trước đó, Pháp với vai trò nhà nước bảo hộ của Việt Nam đã chiếm đóng đảo Ba Bình (thực tế là tiếp tục thực thi chủ quyền của Việt Nam với tư cách nhà nước sau thời kỳ vương triều Nguyễn đối với  quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa - PV).

Lâm Úc Phương (giữa) và 2 nghị sĩ Đài Loan khác trong một lần đổ bộ bất hợp pháp lên bãi Bàn Than, đảo Ba Bình, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam.
Lâm Úc Phương (giữa) và 2 nghị sĩ Đài Loan khác trong một lần đổ bộ bất hợp pháp lên bãi Bàn Than, đảo Ba Bình, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam.

Không giống như Bắc Kinh, Đài Bắc ít có hành động khẳng định yêu sách chủ quyền đường lưỡi bò của mình ở Biển Đông.

"Chúng tôi sẽ không bao giờ xâm chiếm các đảo bị chiếm đóng bởi các quốc gia khác, nhưng chúng tôi sẽ tích cực bảo vệ tuyên bố chủ quyền của chúng tôi", một người phát ngôn của Lâm Úc Phương, Nghị sĩ Quốc dân đảng và là người ủng hộ quan trọng trong dự án xây dựng cầu cảng, kéo dài đường băng trên đảo Ba Bình nói.

Ba Bình là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, là đảo duy nhất có nguồn nước ngọt tự nhiên. Các chuyên gia pháp lý nói rằng điều này có thể dẫn đến một tình huống trong tương lai về yêu sách 200 hải lý đặc quyền kinh tế cùng với quyền kiểm soát nguồn tài nguyên, dầu khí bên trong nó.

Đài Loan không hợp tác với Trung Quốc trên Biển Đông, bất chấp mối quan hệ lịch sử cả 2 bờ eo biển đều khẳng định "yêu sách chủ quyền" gần như toàn bộ Biển Đông với đường lưỡi bò.

Mời quý độc giả theo dõi Vụ giàn khoan 981 và bài học Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa, Gạc Ma TẠI ĐÂY.

Hồng Thủy