Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ yên nghỉ ở Vũng Chùa, Đảo Yến

06/10/2013 15:33
Theo Thanh niên
Ngày 6/10, theo thông tin từ người thân trong dòng họ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến (xã Quảng Đông, H.Quảng Trạch, Quảng Bình) được gia đình chọn làm nơi an táng cho Đại tướng.
Sáng 6/10, từng dòng người lại nối chân nhau đến nhà lưu niệm tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, H.Lệ Thủy để thắp hương viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt, rất nhiều học sinh phổ thông các trường trên địa bàn đã chủ động rủ nhau đến viếng.
Bà Võ Thị Hoa, một người trong họ hàng với đại tướng, khóc nức nở khi đến thắp hương tại nhà lưu niệm.
Bà Võ Thị Hoa, một người trong họ hàng với đại tướng, khóc nức nở khi đến thắp hương tại nhà lưu niệm.
Thanh Niên Online cũng đã gặp, trò chuyện với vợ chồng ông bà Dương Công Toán và Bùi Thị Dậu ở xã Tân Thủy, H.Lệ Thủy.
Lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ diễn ra vào ngày 13/10 tại quê nhà Quảng Bình thể theo ý nguyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyện vọng của gia đình.
Trong ký ức của bà Dậu, năm 1987, bà đã may mắn gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Khi đến thăm Công ty Thương nghiệp Lệ Thủy, đại tướng đã bảo tôi dẫn ông đến cửa hàng Tuy Lộc để mua ít đồ dùng. Ra cửa hàng, đại tướng mua 2 m vải. Ngay lúc đó, nhiều người đã chụp ảnh ghi lại khoảnh khắc đời thường của đại tướng”, bà Dậu nhớ lại. Nhờ vậy bà Dậu cũng có mặt trong các bức ảnh ấy. Và bà xem đó như là kỷ vật thiêng liêng, vô giá. Mấy chục năm qua, bà vẫn giữ bức ảnh ấy bên mình. Về thắp hương cho đại tướng, bà Dậu cũng mang theo bức ảnh. Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hoành (ở P.Bắc Nghĩa, TP.Đồng Hới) đã đến nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp thật sớm. Ông chạy xe máy một mình dù tuổi cao sức yếu. Ông Hoành cầm theo tấm ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm tiểu đoàn 33 Công binh anh hùng, thuộc Binh trạm 14, Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn. Ngoài ra còn có tờ photocopy mặt quyển sách Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam (do đại tướng chủ biên), trên đó có chữ đề tặng của đại tướng. Ai cũng muốn giữ thật chặt một kỷ vật, một kỷ niệm nào đó về đại tướng, trong giờ phút đau buồn...
Bức ảnh lưu lại hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và mua 2 m vải tại Cửa hàng thương nghiệp Tuy Lộc mà bà Dậu lưu giữ.
Bức ảnh lưu lại hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và mua 2 m vải tại Cửa hàng thương nghiệp Tuy Lộc mà bà Dậu lưu giữ.
Ông Hoành với những kỷ vật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông Hoành với những kỷ vật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Học sinh Trường dân tộc nội trú Lệ Thủy đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Học sinh Trường dân tộc nội trú Lệ Thủy đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo người dân địa phương thì đảo Yến là tên gọi xuất hiện sau này, khi có một công ty khai thác, nuôi yến đến hoạt động. Trên đảo có rất nhiều chim yến. Trước kia, người dân gọi là Hòn Nồm theo hướng gió nồm.
Đảo Yến nhìn từ xa - Ảnh: K.K
Đảo Yến nhìn từ xa - Ảnh: K.K

Khu vực biển Vũng Chùa rất kín gió vì được bao bọc bởi 3 hòn đảo: Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm. Vì vậy đó là nơi neo đậu tàu thuyền tránh trú bão. Và ngày xưa trên Hòn Nồm có dấu tích nền móng một ngôi chùa lớn nên người dân địa phương gọi đó là biển Vũng Chùa, theo tiếng địa phương là “Vụng Chùa”. Sau này, trải qua thời gian, mưa bão nên không còn dấu ngôi chùa nữa.

Đảo Yến cách đất liền tại thôn Thọ Sơn chừng hơn 1 km, có diện tích khoảng 10 ha, khung cảnh trên đảo còn khá hoang sơ.

Quang cảnh Vũng Chùa - Đảo Yến mênh mông, thoáng, đẹp. Đứng trên đảo, nhìn vào đất liền là những bãi cát chạy dài, cây cối xanh tươi. Đảo có nhiều bãi đá đẹp. Từ đảo Yến trông ra xa có thể thấy được Hòn La và Hòn Gió; ba hòn tạo thành một hình tam giác. Những lúc bình minh hay chiều tà, khung cảnh ở đây đẹp mê hồn, chìm ảo như trong cổ tích.
Theo Thanh niên