Đánh giá tín nhiệm 47 chức danh, ĐB Quốc hội có chịu nhiều áp lực?

10/06/2013 08:10
Ngọc Quang
(GDVN) - “Tôi nghĩ rằng, đã là ĐB Quốc hội cần phải hết sức thẳng thắn, với trách nhiệm đại diện cho cử tri cả nước để bỏ phiếu tín nhiệm thì không thể để tình cảm riêng chi phối...". ĐB Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (TP Hà Nội) đánh giá việc đưa ra lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu.
ĐB Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo .
ĐB Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo .

Ngày 10/6, Quốc hội bắt đầu thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn theo Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội. 

Trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam vào tối ngày 9/6, ĐB Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (TP Hà Nội) đánh giá việc đưa ra lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu là hết sức cần thiết.
“Tôi nghĩ rằng, đã là ĐB Quốc hội cần phải hết sức thẳng thắn, với trách nhiệm đại diện cho cử tri cả nước để bỏ phiếu tín nhiệm thì không thể để tình cảm riêng chi phối. Bản thân tôi không chịu áp lực từ một cá nhân hay tổ chức nào và tôi nghĩ rằng các ĐB Quốc hội khác cũng vậy.
ĐB Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng: “Nhân dân của đất nước này đang chờ đợt từng phút, từng giờ để thấy sự thay đổi, sự phát triển, cho nên nếu cần tới 3 năm để đánh giá một chức danh là quá dài. Một khi đã được bổ nhiệm vào vị trí đầu tàu ở một lĩnh vực nào đó thì cán bộ ấy phải đủ sức kéo được đoàn tàu, phải tăng tốc độ cho con tàu ấy, còn nếu không làm được thì nên nghỉ để người khác phù hợp hơn đảm nhiệm”
Tôi cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm cần phải được tiến hành hết sức nghiêm túc, qua đó đánh giá được thực chất những gì mà 47 vị lãnh đạo đại diện cho 47 chức danh đã được Quốc hội bầu làm được gì và chưa làm được gì, căn cứ vào lời hứa, vào vị trí của các chức danh để đánh giá cho chính xác”, ĐB Bảo chia sẻ.
Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi: Xét ở khía cạnh của cá nhân, ông có cảm thấy áp lực nào đó không? ĐB Nguyễn Ngọc Bảo chia sẻ hết sức thẳng thắn: “Phải nói thật là có! Ngoài công việc thì còn có các mối quan hệ tình cảm nữa, tôi nghĩ không riêng gì các ĐB Quốc hội mà ở các lĩnh vực khác cũng vậy thôi.

Thế nhưng tôi cho rằng ‘quân pháp bất vị thân’, một khi đã được cử tri tín nhiệm, ĐB Quốc hội không thể ứng xử sai với hoàn cảnh thực tế, nếu không dám đối mặt với sự thật thì tôi nghĩ không xứng đáng làm ĐB Quốc hội.

Tôi cho rằng, các ĐB Quốc hội phải gạt bỏ chuyện cá nhân sang một bên, vì việc này có liên quan tới sự phát triển của đất nước, vận mệnh của dân tộc, nên càng không thể làm một cách đại khái, hình thức”.

Đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu, tuy nhiên có những ý kiến cho rằng, các ĐB Quốc hội cũng sẽ khó đánh giá, bởi 47 chức danh này hoạt động ở 47 lĩnh vực khác nhau, trong một khoảng thời gian rất ngắn trong kỳ họp thứ 5, khó mà đánh giá một cách chính xác.

Đối với ý kiến này, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng: “Tôi tin các ĐB Quốc hội đủ khả năng đánh giá sự tín nhiệm đối với 47 chức danh này. Các ĐB Quốc hội là thành viên của Quốc hội, trực tiếp tham gia bàn nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, nắm rất rõ về phẩm chất đạo đức và khả năng điều hành của các chức danh này, vì vậy không có lý do gì lại đánh giá sai”.

Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo cũng cho rằng, việc phải chờ tới năm thứ 3 để đánh giá năng lực của một chức danh là quá chậm và nó sẽ khiến cho bộ máy bị trì trệ, không thể bắt nhịp với tốc độc phát triển của thế giới. ĐB Nguyễn Ngọc Bảo đồng tình với quan điểm của GS Nguyễn Minh Thuyết – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khi cho rằng việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh là nhằm tìm ra một cán bộ phù hợp với các chức danh ở từng thời điểm nhất định, chứ không phải là để hạ bệ ai đó.

“Nhân dân của đất nước này đang chờ đợt từng phút, từng giờ để thấy sự thay đổi, sự phát triển, cho nên nếu cần tới 3 năm để đánh giá một chức danh là quá dài. Một khi đã được bổ nhiệm vào vị trí đầu tàu ở một lĩnh vực nào đó thì cán bộ ấy phải đủ sức kéo được đoàn tàu, phải tăng tốc độ cho con tàu ấy, còn nếu không làm được thì nên nghỉ để người khác phù hợp hơn đảm nhiệm”, ông Bảo cho hay.

Đề cập tới việc rất nhiều các chức danh do Quốc hội bầu thời gian vừa qua không có sự tranh cử, giới thiệu một và bầu một, người được bầu vào vị trí ấy gần như sẽ trúng cử và không có cam kết cụ thể gì trong nhiệm kỳ…

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo nhận định: “Có lẽ, trong tương lai gần Việt Nam sẽ thay đổi tư duy, một chức danh quan trọng cần phải có tranh cử, và chương trình hành động tranh cử chính là căn cứ để toàn dân đánh giá. Ở các nước phát triển họ đều làm được điều ấy, nhưng với hoàn cảnh của nước ta hiện nay thì có lẽ chưa thể thay đổi nhanh chóng theo chiều hướng ấy được.

Nhưng dù sao thì tôi nghĩ việc Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm ở kỳ hop này là rất đáng mừng, nó có hai điều xảy ra: Thứ nhất, là để các ĐB Quốc hội thể hiện trách nhiệm của mình với đất nước; Thứ hai là để 47 chức danh này có dịp nhìn nhận lại mình, để thấy mình còn gì thiếu xót thì phải điều chỉnh để làm việc tốt hơn”.

Ngoài ra, khi nhắc tới quan điểm của GS Nguyễn Minh Thuyết là với hoàn cảnh còn nhiều yếu kém của nước ta hiện nay mà 47 chức danh đều được tín nhiệm hoặc tín nhiệm cao thì đó là điều đáng buồn, ĐB Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo cho biết: “Cái quan trọng nhất bây giờ là trách nhiệm, thái độ của tất cả các ĐB Quốc hội đối với việc đánh giá tín nhiệm.

Tôi đồng ý với quan điểm của GS Thuyết là nếu 47 chức danh này mà đều được tín nhiệm cao thì thật sự là đáng buồn. Nhưng dù sao thì đây cũng là lần đầu tiên đánh giá tín nhiệm ở Quốc hội, tôi hy vọng nó sẽ tạo ra một cú hích dẫn tới những thay đổi mang tính bước ngoặt tích cực cho nền kinh tế nước nhà”.

Cuối cùng, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, qua việc lấy phiếu tín nhiệm, Việt Nam sẽ dần hình thành văn hóa từ chức.

“Tôi biết là có rất nhiều việc mà người lãnh đạo buộc phải quyết mặc dù có động trạm, có thể sẽ thiệt thòi cho bản thân, nhưng lại được cái đại cục, nhưng chúng tôi hết sức trân trọng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và sửa sai. Và trên thực tế, tôi cũng biết có những lãnh đạo cả nhiệm kỳ ‘tròn trịa’ không ‘sai’ gì nhưng cũng chẳng để lại được điều gì cho nhân dân.

Nhân dân không chờ đợi ở lãnh đạo cái sự ‘tròn trịa’ ấy, và họ cũng sẵn sàng bênh vực lãnh đạo khi mắc sai lầm, nhưng sai lầm ấy là vì lo cho dân, chứ không phải vì cá nhân. Ở thời đại thông tin như bây giờ, người dân rất hiểu biết và họ hoàn toàn đủ căn cứ để đánh giá chính xác bất cứ một chức danh quan trọng nào mà Quốc hội bầu”, ông Bảo nói.

Ngọc Quang