Đề xuất tạm giữ lái xe ô tô uống rượu, bia

25/04/2012 07:48
Theo Xuân Tùng/VnMedia
Ngày 24/4, cùng giải trình với Bộ Giao thông về thực trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Công an đề nghị phải tạm giam lái xe ô tô uống rượu, bia quá say.
Theo Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, vi phạm sử dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông. Xác định như vậy nên thời gian qua, lực lượng công an đã tập trung xử lý vấn đề này. Trong năm qua, lực lượng công an đã xử lý khoảng 28.000 trường hợp lái ô tô và 79.000 xe máy, tuy nhiên việc xử lý hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.

Vị Thiếu tướng Bộ Công an cho biết, hiện nay người dân sử dụng rượu bia theo tập tục, vui - buồn cũng uống rượu, bia; cuối ngày cũng rượu bia… cho nên việc xử lý hết sức khó khăn.

Theo ông Nghị, mặc dù cảnh sát túc trực xử phạt gần quán bia nhưng khi đi ra thì khách đi bộ chứ không đi xe nên không thể xử phạt. Hơn nữa, với máy đo nồng độ cồn thì nhiều người, do quá say nên không chịu thổi máy đo. Mặt khác, hiện nay toàn quốc hiện mới có hơn 1.400 máy đo nồng độ cồn nên quá thiếu về mặt thiết bị, gây khó khăn cho công tác xử lý.

Theo ông Thiếu tướng Bộ Công an, để xử lý nghiêm tình trạng uống rượu bia khi điều khiển phương tiện, về mặt luật pháp phải bổ sung thêm quy định đã điều khiển phương tiện thì không được uống rượu bia. Thậm chí, cần giao quyền cho cảnh sát giao thông, chỉ cần phát hiện người điều khiẻn phương tiện sử dụng rượu bia là có thể xử lý. Đồng thời, phải nâng mức xử phạt với người sử dụng rượu bia, phải tạm giữ người sử dụng rượu bia bị say.

Tuy nhiên, theo Thiếu tướng ngành công an, đề xuất là như vậy, song khi thảo luận nội dung này, nhiều ý kiến chưa đồng tình vì cho rằng đã giữ phương tiện sao lại còn giữ người. Mặc dù vậy, theo quan điểm của vị đại diện ngành công an, vẫn nên tạm giữ người uống ruợu khi điều khiển ô tô vì khi say mà ra đường thì vẫn có thể gây tai nạn.

Ảnh minh họa

Người tham gia giao thông ở Hà Nội bị cảnh sát giữ lại đo nồng độ cồn.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, Luật Giao thông đường bộ đã quy định, đối với lái xe ô tô thì không được uống rượu bia, còn điều khiển xe máy cũng có quy định rất rõ đến mức độ nào thì sẽ bị xử phạt. Trong đề xuất sửa đổi của Luật Giao thông đường bộ, Bộ Giao thông cũng đề xuất tạm giữ lái xe ô tô uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện. Việc này, Bộ đã có sự tham khảo các nước nên mới đề xuất.

Người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải cũng than phiền rằng, hiện có quy định nhiều lực lượng cùng xử phạt nên dẫn đến tình trạng hoặc chồng chéo hoặc không ai xử phạt nên trong nội dung đề xuất với Chính phủ việc sửa Nghị định 34, ngoài việc nâng mức phạt tối đa vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ Giao thông cũng đề nghị tăng mức xử phạt, quy định rõ trách nhiệm tách bạch giữa các lực lượng xử phạt.

“Việc Bộ đề nghị tăng mức phạt vi phạm giao thông lên mức tối đa 200 triệu đồng là căn cứ vào thực tiễn”, Bộ trưởng Thăng cho biết.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, cần phải nâng cao mức xử phạt vi phạm giao thông, vì qua áp dụng thí điểm xử phạt vi phạm giao thông cao gấp đôi tại Hà Nội và TPHCM đã giúp giảm hẳn các lỗi vi phạm: vượt đèn đỏ, lấn chiếm vỉa hè lòng, đường, tai nạn giao thông giảm rất nhiều.

“Tôi đã làm việc với nhiều địa phương trong cả nước, ở đâu họ cũng đề nghị được áp dụng mức phạt cao như Hà Nội và TPHM”, Bộ trưởng Bộ Giao thông cho biết.

Trước ý kiến hiện nay tình trạng người tham gia giao thông vượt đèn đỏ rất nhiều nhưng công an xử phạt rất ít hoặc không xử phạt, đại diện ngành công an cho biết, không phải công an coi nhẹ việc vượt đèn đỏ mà không xử phạt. Ngược lại, CSGT rất coi trọng trong việc xử phạt vì đây là nguyên nhân gây tai nạn và ùn tắc. Tuy nhiên, tại sao phạt nhiều mà vẫn vi phạm? Bản thân CSGT không phải chốt đèn đỏ nào cũng tổ chức chốt trực, hơn nữa vào thời gian cao điểm thì yêu cầu làm những việc khác để chống ùn tắc nên không thể xử phạt.

Theo Xuân Tùng/VnMedia