BÁO PHƯƠNG ĐÔNG:

Động cơ Nga bán cho Ấn Độ hơn hẳn loại bán cho Trung Quốc

25/12/2011 10:10
Đông Bình (Theo báo Phương Đông)
(GDVN) - Nga đặc biệt lo ngại Trung Quốc sao chép công nghệ quân sự, nhưng họ đang tự tin hơn khi ký thỏa thuận bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Vừa qua, tuần san “Military-Industrial Courier” Nga đã đặt vấn đề Nga ứng xử với Trung Quốc như một đối tác hay đối thủ, đồng thời đề cập đến triển vọng hợp tác quân sự Nga-Trung.

Khi trả lời những vấn đề có liên quan, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Công nghệ quân sự Liên bang Nga cho rằng, hợp tác kỹ thuật quân sự Trung-Nga cùng có lợi, cùng thắng, trong tương lai có thể bắt tay nghiên cứu chế tạo vũ khí mới.

Vũ khí bán cho Trung Quốc không được tiên tiến như bán cho Ấn Độ, sẽ không ảnh hưởng đến triển vọng hợp tác Nga-Trung.

Máy bay chiến đấu JF-17 của Không quân Pakistan
Máy bay chiến đấu JF-17 của Không quân Pakistan

Báo Nga cho biết, khi đánh giá triển vọng Trung-Nga hợp tác nghiên cứu chế tạo và sản xuất vũ khí, Jierkaen cho biết: “Nhìn vào góc độ sản xuất mẫu các loại vũ khí trang bị, có thể nói thẳng rằng, Trung Quốc là một cường quốc. Chỉ cần nhìn lại trang bị lục quân, không quân và hải quân do Trung Quốc sản xuất, cũng đủ rồi. Quan hệ của chúng tôi thực sự cần bước vào một giai đoạn mới. Đó là tìm kiếm hợp tác cùng có lợi trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo và sản xuất các loại vũ khí và trang bị quân sự cá biệt.

Trên các thị trường vũ khí, chúng tôi là đối thủ cạnh tranh, điều này không có gì là bí mật. Vì vậy, chúng tôi và đối tác Trung Quốc bàn tìm cách có thể hợp tác, chứ không phải là đối đầu. Trước hết, có thể thực hiện cùng thắng trên thị trường. Hiện nay, chúng tôi đang nghiêm túc nghiên cứu một số vấn đề, cho dù kết quả thảo luận tạm thời có thể là quá sớm. Nhưng công việc này đang tiến hành, chúng ta đã hiểu nhau.

Tôi cho rằng, chúng tôi sẽ sớm đưa sản phẩm chung nào đó vào thị trường vũ khí và trang bị quân sự. Trước tiên có thể là ngành đóng tàu, ngành hàng không quân sự. Tôi cho rằng, trên phương diện này, chúng tôi có thể được một thứ gì đó có ích và tiên tiến từ đối tác Trung Quốc.

Họ cũng như vậy. Đồng nghiệp Trung Quốc luôn nói rằng, Nga là một trong những cường quốc nghiên cứu chế tạo và sản xuất vũ khí và trang bị quân sự trên thế giới. Vì vậy, tôi muốn nhắc lại, họ chuẩn bị hợp tác chặt chẽ với chúng tôi”.

Máy bay chiến đấu J-15 trông rất giống Su-33 của Nga
Máy bay chiến đấu J-15 trông rất giống Su-33 của Nga

Báo Nga cho biết, về việc Nga khá đau đầu đối với vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Phó Cục trưởng Cục hợp tác công nghệ quân sự Liên bang Nga cho biết: “Có một giai đoạn, chúng tôi nhượng quyền sở hữu trí tuệ không có ràng buộc, không được bất cứ sự báo đáp nào. Nhưng, 10 năm gần đây, chúng tôi tích cực làm việc, không chỉ với Trung Quốc, mà còn với các nước thành viên Hiệp ước Warsaw cũ. Thời kỳ Liên Xô từng tích cực cấp giấy phép sản xuất vũ khí trang bị cho những nước này. Chúng tôi và những nước này đã ký vài chục thỏa thuận bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Còn Trung Quốc, thỏa thuận tương tự được ký năm 2008, do Bộ Tư pháp Liên bang Nga chịu trách nhiệm giám sát. Hiện nay đang thành lập Nhóm công tác thực hiện thỏa thuận trong khuôn khổ này. Đương nhiên, chắc chắn là, vấn đề này khiến cho chúng tôi rất nhạy cảm, đau đầu. Vì vậy, trong tương lai sẽ cố gắng hơn trong việc bảo vệ bản quyền của các nhà nghiên cứu của chúng tôi”.

Theo báo Nga, khi đề cập đến vấn đề khôi phục hợp tác công nghệ quân sự với Trung Quốc trên phương diện máy bay chiến đấu, Jierkaen nói: “Về nguyên tắc, loại hợp tác này hoàn toàn không dừng lại. Thập niên 1990 đã từng ký thỏa thuận cấp phép cho Trung Quốc sản xuất máy bay tiêm kích Su-27.

Một bộ phận đã được thực hiện, cho dù đến nay vẫn có một số vấn đề cần giải quyết. Hai bên đang tìm cách thỏa hiệp. Việc cung ứng các bộ phận linh kiện cũng không bị gián đoạn. Hiện còn đang tiếp tục cung cấp dịch vụ cải tiến trang bị hàng không. Vì vậy, tôi sẽ không nói, chúng tôi đã dừng hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực này, đặc biệt là về máy bay dồng Su-27, Su-30MK2 và các máy bay khác.

Máy bay chiến đấu Su-30MKK2 của Không quân Trung Quốc
Máy bay chiến đấu Su-30MKK2 của Không quân Trung Quốc

Sau sự cố bi thảm động đất lớn của Trung Quốc, phía Trung Quốc đề nghị với chúng tôi cung ứng máy bay vận tải quân sự, trước hết là IL-76. Chúng tôi chuẩn bị đáp ứng cho họ. Nhưng, do một số vấn đề về mặt sản xuất, thời hạn bàn giao có thể đã bị đẩy lùi đến năm 2014.

Người Trung Quốc nói là năm 2011-2012. Cuối cùng đã tìm được biện pháp giải quyết. Phương án của chúng tôi là cung ứng các sản phẩm hiện có, tức là những máy bay đã qua sử dụng. Hợp đồng lô 3 máy bay đầu tiên đã được ký kết. Ngoài ra, chúng tôi còn đề nghị tiếp tục cung ứng thêm vài chiếc. Vì vậy, tiến triển công việc trên hướng này là tương đối tích cực”.

Báo Nga cho rằng, đối với vấn đề sau khi Nga tăng cung ứng động cơ hàng không cho Trung Quốc, Trung Quốc có thể bán lại cho Pakistan, liệu điều này có ảnh hưởng đến hợp tác công nghệ quân sự Nga-Ấn hay không, Jierkaen cho rằng: “Vấn đề ở chỗ, Trung Quốc không chỉ bán lại cho Pakistan, mà còn cho một loạt nước khác. Điều tôi nói là máy bay tiêm kích hạng nhẹ JF-17.

Nhưng, thứ nhất, về tính năng kỹ chiến thuật, những máy bay này không thể cạnh tranh với Su-30 và MiG-29 mà chúng tôi cung ứng cho Ấn Độ. Những máy bay tiêm kích hiện đại này đã tạo thành nền tảng cho Không quân Ấn Độ. Vì vậy, Pakistan sẽ không được lợi ích đặc biệt gì trong khuôn khổ Nga cung ứng cho Trung Quốc.

Thứ hai, chúng tôi đã chuyển nhượng công nghệ sản xuất động cơ RD-33 cho Ấn Độ. Điều này có nghĩa là, hiện nay động cơ mà Ấn Độ đang sản xuất có công suất mạnh hơn so với động cơ Nga bán cho Trung Quốc, tính năng cũng tiên tiến hơn.

Trung Quốc đang tiến hành mua bán theo quy tắc của họ. Người Trung Quốc có lợi ích của mình. Chúng tôi có lợi ích của chúng tôi. Chúng tôi cung ứng động cơ cho Trung Quốc, trước hết là hỗ trợ cho công nghiệp hàng không của mình”.

Động cơ RD-33 do Nga sản xuất
Động cơ RD-33 do Nga sản xuất

Theo báo Nga, đối với vị thế của Trung Quốc trong các nước nhập khẩu vũ khí Nga, và các dự án hợp tác Trung-Nga ngoài động cơ hàng không và máy bay trực thăng, Jierkaen cho biết: “Trong một giai đoạn nhất định đầu thế kỷ này, hợp tác giữa chúng tôi và Trung Quốc chỉ giới hạn ở cung ứng các bộ phận linh kiện trang bị chiến đấu và đạn được cá biệt, cùng với công tác sửa chữa.

Nhưng, 2-3 năm gần đây, quy mô hợp tác kỹ thuật quân sự Trung-Nga tăng đáng kể. Tôi cho rằng, hiện nay Trung Quốc đứng hàng thứ ba trong lĩnh vực này của Nga. Hơn nữa đã xuất hiện phương hướng ưu tiên, như trang bị hàng không, hợp tác đóng tàu và các hướng khác.

Phương châm hiện nay là, thông qua phương thức xây dựng trung tâm dịch vụ, bảo đảm bảo trì không gián đoạn cho các loại trang bị mà chúng tôi đã cung ứng trước đây. Đã đàm phán về việc tăng cường bảo trì máy bay trực thăng Kamov và tàu chiến của hải quân Trung Quốc trên lãnh thổ Trung Quốc.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Trung Quốc đã phát triển và sản xuất được tương đối nhiều vũ khí trang bị. Nhưng để có được vũ khí công nghệ cao và mẫu trang bị quân sự mới nhất, họ vẫn cần sự hỗ trợ của Nga. Còn các sản phẩm khác, người Trung Quốc đã học tự sản xuất, như máy bay tiêm kích hạng nhẹ.

Còn có một hướng hợp tác quan trọng khác, đó là hợp tác nghiên cứu phát triển và thiết kế sản phẩm cho công nghiệp Trung Quốc. Đây cũng là dự án dài hạn”.

Trung Quốc là nhà xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới, tích cực cạnh tranh với Nga. Trong hình là tên lửa phòng không tầm gần HQ-7 (FM-90) mà Trung Quốc xuất khẩu cho Bangladesh
Trung Quốc là nhà xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới, tích cực cạnh tranh với Nga. Trong hình là tên lửa phòng không tầm gần HQ-7 (FM-90) mà Trung Quốc xuất khẩu cho Bangladesh

Theo báo Nga, khi nói về áp lực cạnh tranh với vũ khí Trung Quốc ở thị trường Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Công nghệ quân sự Liên bang Nga nói: “Bất cứ thị trường nào đều có cạnh tranh. Cho dù là sản phẩm dân dụng hay quân dụng.

Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Trung Quốc sản xuất tương đối nhiều vũ khí trang bị. Vì vậy, chúng tôi đã cảm nhận được hơi thở của Trung Quốc ở phía sau chúng tôi, trong đó bao gồm thị trường truyền thống của chúng tôi, như châu Phi, Mỹ Latinh, châu Á".

Trước hết là trang bị lục quân, bao gồm xe thiếp giáp và xe hơi. Gần đây, người Trung Quốc mở rộng tiêu thụ máy bay tiêm kích hạng nhẹ, máy bay vận tải, máy bay trực thăng, thiết bị phòng không tầm trung đối với các khách hàng tiềm tàng. Về phương diện chế tạo những loại vũ khí trang bị quân sự này, họ cũng đã có những thành tích nhất định.

Nhưng, trên phương diện này, điều chúng ta cần bàn không phải là ai cản trở ai, mà là cần đưa ra kết luận gì từ đó. Tôi cho rằng, chính sự cạnh tranh này mới là sự quan tâm của các nhà sản xuất của Nga, nó thúc đẩy chúng tôi tìm kiếm hình thức hợp tác mới, phương thức linh hoạt hơn về mặt chính sách vĩ mô.

Sự cạnh tranh tương tự sẽ chỉ có ích. Nó không cho phép doanh nghiệp của chúng tôi sống nhờ vào quá khứ, buộc họ nghiên cứu chế tạo ra vũ khí trang bị quân sự kiểu mới. Ngoài ra, điều này còn liên quan đến chính sách giá”.

Trung Quốc muốn hoàn thiện tàu sân bay Thi Lang, nhưng Nga không bán cáp hãm đà
Trung Quốc muốn hoàn thiện tàu sân bay Thi Lang, nhưng Nga không bán cáp hãm đà

Báo Nga cho biết, đối với vấn đề cơ chế ngăn chặn Trung Quốc tự ý sao chép vũ khí Nga, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Công nghệ quân sự Liên bang Nga cho rằng: “Vấn đề này từng được thảo luận nhiều lần trên các cấp độ. Tôi cho rằng, việc ký kết thỏa thuận bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như đã nói trên là thắng lợi rất quan trọng của chúng tôi.

Nó đã xác định cơ chế bảo vệ sản phẩm của các nhà sản xuất Nga, cho phép chúng tôi hành động hiệu quả hơn, tự tin hơn trên phương diện này. Chúng tôi cũng nhắc nhở đối tác, tìm kiếm con đường tốt nhất để giải quyết vấn đề, tránh bị chỉ trích về việc nhái và ăn cắp bản quyền. Chúng tôi đang phối hợp với nhau”.

Cuối cùng, Phó Cục trưởng Cục hợp tác công nghệ quân sự Liên bang Nga Jierkaen nhấn mạnh, hợp tác kỹ thuật quân sự Trung-Nga lợi nhiều hơn hại, những kiến nghị hoàn toàn từ chối hợp tác là không sáng suốt. Jierkaen nói:

 “Cần thấy rằng, chúng tôi và Trung Quốc là đối tác chiến lược. Hợp tác kỹ thuật quân sự chỉ là một bộ phận của hợp tác chung giữa hai nước, cho dù nó cũng rất quan trọng. Tôi là người ủng hộ cho việc tiếp tục phát triển hợp tác.

Hơn nữa, đối phương có hiểu biết đầy đủ về tính tất yếu này. Điều quan trọng là đưa ra chính sách đối ngoại đúng đắn, bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất trong nước. Cần hiểu rằng, hợp tác kỹ thuật quân sự có lợi cho cả Nga và Trung Quốc”.
Đông Bình (Theo báo Phương Đông)