Dự án nghìn tỷ nằm im, dân đói vì ruộng đồng bỏ hoang

03/07/2014 06:33
QUỐC TOẢN
(GDVN) -Dự án nhà máy xi-măng Thanh Sơn có tổng mức đầu tư lên đến cả nghìn tỷ đồng, bỗng dưng bị “treo giò” giữa chừng. Hàng trăm ha đất ruộng bỏ không, người dân đói.

Dự án “khủng”

Dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn (Thôn vân Sơn, xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc) được khởi công vào ngày 22/12/2007 với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 1,4 nghìn tỷ đồng. Dự án do Công ty Cổ phần xi - măng Thanh Sơn làm chủ đầu tư với công suất 250.000 tấn clinker/ngày. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ đi vào sản xuất trong quý 1 năm 2010.

Dự kiến khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ cung cấp sản phẩm xi-măng cho thị trường miền Tây Thanh Hóa, thị trường Lào, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu cho ngân sách Nhà nước trên địa bàn.

Để có mặt bằng phục vụ dự án xây dựng nhà máy, huyện Ngọc Lặc đã tiến hành kiểm kê, bồi thường và giải phóng mặt bằng trên tổng diện tích gần 36ha đất (bao gồm đất sản xuất nông nghiệp và đất ở) của hơn 200 hộ dân bị ảnh hưởng thuộc 4 thôn: Thanh Sơn, Vân Sơn, Lương Sơn và Hồng Sơn của xã Thúy Sơn.

Dự án nhà máy xi - măng Thanh Sơn bị bỏ dở giữa chừng
Dự án nhà máy xi - măng Thanh Sơn bị bỏ dở giữa chừng

Nhưng chỉ sau 2 năm (2007 – 2009) kể từ khi triển khai thi công, dự án bỗng nhiên bị “treo giò” giữa chừng. Tại hiện trường, chủ đầu tư chỉ mới thi công được một số hạng mục công trình như  tường rào, băng chuyền, nhà ở công nhân.

Điều đáng nói là hệ lụy mà dự án đang thực hiện dang dở còn lớn hơn số tiền mà chủ đầu tư đã bỏ ra xây dựng nhà máy. Theo đó, hàng chục ha đất bỏ bỏ hoang, hàng trăm lao động được cử đi đào tạo bỗng dưng trở nên thất nghiệp, khánh kiệt vì chủ đầu tư dự án “hô biến”. Nhiều hạng mục công trình xây dựng dang dở không thể phát huy hiệu quả đầu tư, gây lãng phí lớn.

Viễn cảnh tươi đẹp được vẽ ra từ việc xây dựng dự án nhà máy xi - măng Thanh Sơn đi vào ngõ cụt, khiến hàng trăm hộ dân quanh vùng lâm vào tình trạng “dở khóc, dở cười”.

Tiêu tan hy vọng

Hàng trăm lao động (chủ yếu là các hộ dân thuộc phạm vi ảnh hưởng của dự án) bỗng chốc vỡ mộng đổi đời vì dự án nhà máy xi- măng bị “treo giò” giữa chừng. Nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần vì đã trót vay mượn tiền để con em họ đi học nghề.

Không giấu được vẻ phiền trên khuôn mặt, anh X. L., một người dân xã Thúy Sơn chia sẻ: “ Vào thời điểm đó, được tin nhà máy cho đi học đào tạo nghề, tôi phấn khởi lắm, hy vọng sẽ có thu nhập cao hơn để phụ giúp vợ con và gia đình, ai ngờ…”.

Được biết trước thời điểm được cử đi đào tạo nghề để phục vụ dự án, anh L. đã từng công tác tại bưu điện xã Thúy Sơn. Hàng tháng số tiền lương mà anh kiếm được cũng đưa lại cho gia đình thu nhập ổn định. Tuy nhiên, kể từ khi nhà máy xi-măng bỏ dở giữa chừng, anh L. đã lâm vào cảnh thất nghiệp.

Hạng mục công trình nhà ở công nhân bị bỏ hoang
Hạng mục công trình nhà ở công nhân bị bỏ hoang

Tại xã Thúy Sơn, có không ít gia đình lâm vào hoàn cảnh bi đát  như gia đình anh L.  Gia đình của ông Đ.X.T., cũng là một trong số nhiều hộ dân nơi đây ngậm “quả đắng” vì quá ảo tưởng vào dự án xi măng Thanh Sơn. Với hy vọng thay đổi cuộc sống vốn khó khăn, ông T. đã vận động 3 đứa con (đã có nghề nghiệp ổn định) bỏ việc đi học nghề: “ Ngay cả thằng út đang làm giáo viên trên Mường Lát cũng xin ra khỏi nghành, về đi học để phục vụ dự án”.

“Gần 100 triệu mà gia đình đã tích góp, vay mượn để cho mấy đứa con đi học không biết khi nào mới thu lại được”, ông T. chua xót.

Hiện tại, trong số hơn 300 lao động “hụt” được cử đi học để phục vụ dự án xi măng, nhiều người vì thất nghiệp, cuộc sống khó khăn, đã rời quê hương đi tìm việc làm, kiếm thu nhập tại các tỉnh lân cận.

Do tác động của dự án nghìn tỷ, nhiều diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang nhiều năm
Do tác động của dự án nghìn tỷ, nhiều diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang nhiều năm

Được biết, một trong những nguyên nhân khiến dự án nhà máy xi – măng Thanh Sơn bỏ dở giữa chừng là do nguồn vốn thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn.

Trước thực tế trên, trao đổi với phóng viên về những giải pháp khắc phục những hệ lụy từ dự án nghìn tỷ bị bỏ hoang,  ông Phạm Công Cúc – Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) cho biết: “Hiện tại, để ổn định đời sống nhân dân và người lao động đi học về chưa có việc làm, lãnh đạo huyện đã phối hợp với địa phương định hướng phát triển các ngành nghề phụ, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân”.

Trong khi chờ dự án tiến hành thi công các hạng mục tiếp theo, hàng trăm hộ dân mất đất, hàng trăm người lao động không có việc làm vẫn phải sống trong cảnh chờ đợi.                                                  

QUỐC TOẢN